Ra đời năm 2019 trên Facebook, nhóm Bạn cần - tôi tặng là nơi những người xa lạ có thể "cho đồ dư" hoặc "nhận đồ cần", không mua bán, trao đổi. Nhóm Bạn cần - tôi tặng không chỉ làm từ thiện xã hội mà còn khuyến khích lối sống tiết kiệm, tái sử dụng, giảm lãng phí. Độ lan tỏa mạnh mẽ của nhóm không chỉ nằm ở con số gần nửa triệu thành viên mà còn ở những câu chuyện ấm áp được viết nên mỗi ngày.
Nhấp chuột trao đi, nghĩa tình ở lại
"Không ngờ xung quanh mình nhiều người tốt đến vậy", một cô gái trong nhóm Bạn cần - tôi tặng đã thốt lên như vậy khi nhận được đôi giày vào ngày cưới. Hầu như mọi vật dụng trong cuộc sống đều có thể được cho và nhận qua nhóm: quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, đồ cho mẹ và bé, đồ gia dụng, đồ điện tử còn sử dụng được, thực phẩm... Những món đồ không còn cần thiết với người này có thể trở thành hữu ích với người khác. Mỗi ngày có đến vài trăm bài "xin, cho" được đăng lên và hầu hết đều nhanh chóng tìm được đúng người cần.

Những câu chuyện sẻ chia dễ thương lan tỏa mỗi ngày đã trở thành "đặc sản" của nhóm. Một cô ở tỉnh Bình Dương đã về hưu, nhà có vườn trái cây. Liên tục trong thời gian dài, hằng tuần cô lại lên nhóm tặng trái cây nhà trồng, thậm chí trả luôn tiền ship cho người nhận. Có mẹ tắc sữa lên xin, mẹ khác ghi rõ ngày nặn sữa, cấp đông rồi tặng…
"Có lần mình tặng cuốn sách, rất nhiều người xin để… tặng người khác. Có nghĩa là họ muốn nhận không phải cho bản thân mà để cho đi. Từ khi biết đến Bạn cần - tôi tặng, mình phát hiện thêm một cách để hạnh phúc, đó là quan sát những điều tích cực xung quanh mình. Những hành động đẹp được vun đắp bởi rất nhiều người trong cộng đồng làm mình cảm thấy cuộc sống rất có ý nghĩa. Có quá nhiều cách để hạnh phúc, tại sao bạn lại chưa?", Lê Lập (28 tuổi, kinh doanh sách) tâm sự.
Vòng lặp của sự tử tế được tạo nên từ niềm vui khi cho đi và sự trân trọng khi nhận lại. Không chỉ đồ cũ được sống vòng đời mới mà những món đồ hư hỏng cũng được tái sinh.
Hai vợ chồng Diệu Linh làm công nhân, có một con nhỏ, trọ tại Q.Tân Phú, TP.HCM (hiện đã về Quảng Nam sống). Có lần cái ấm đun siêu tốc bị nổ, chị Linh lên nhóm xin một cái ấm đun đã hư nhưng còn nguyên vẹn để sửa rồi xài (vì chồng có nghề sửa điện gia dụng). Được nhiều người cho, mà bản thân chỉ cần một, bỏ thì tiếc nên chồng chị Linh cặm cụi ngồi sửa rồi đăng lên nhóm để… tặng lại. Thấy nhiều người vào xin, hai vợ chồng "bao đồng" quyết định đi xin đồ điện gia dụng hư như quạt, bàn ủi, nồi cơm điện, bếp từ, máy xay sinh tố… để về sửa rồi đem tặng lại.
Người mang đồ hư đến cho cũng như xin đồ đã sửa tới ùn ùn. Thấy nhiều người nhờ quá, các bạn Huy Lê ở Q.7, Nguyễn Thành Đức ở Q.Gò Vấp cũng nhảy vào phụ một tay, sửa giúp miễn phí. "Ở Sài Gòn gần chục năm, được mọi người giúp đỡ nhiều nên giờ giúp lại mọi người chút ít thôi mà", chị Diệu Linh bộc bạch.
Chuyện xin, nhận đồ xong rồi bán lại cũng gây nhiều tranh luận. Có ý kiến nói đó là hành động lợi dụng lòng tốt để trục lợi, nhưng cũng có người cho rằng bán đồ được tặng để lấy tiền mua thứ khác cần hơn (như mua sữa cho con chẳng hạn) thì cũng tốt. Và quan trọng hơn, theo luật sư Hồ Hữu Hoành, người sáng lập Bạn cần - tôi tặng: "Tiêu chí của nhóm là vô tư trong việc cho đi. Người cho, nhận không nhất thiết phải nghèo. Không phán xét, không "dán nhãn", không phân biệt, nên nếu chuyện đó xảy ra cũng không sao. Nếu chưa gặp được người tốt, hãy trở thành họ".
Đằng sau mỗi món quà
Thành viên trong Bạn cần - tôi tặng có lẽ không ai xa lạ với "Má Của Tí Tèo", vì cứ dăm bữa nửa tháng cô lại đăng lên cho cái này, tặng cái kia với kiểu viết rất hài hước. "Khách mới bỏ cái vila, ủa lộn vali kích thước 50 x 70 cm có pạn (bạn - NV) nào cần không?", "Hồi trước khi bị tiến cung, triều đình cấp cho tui cái nhiệt kế điện tử hằng đêm đo nhiệt độ chính xác để hoàng thượng ngâm chân. Rồi hoàng thượng băng hà, nó thành vật vô tri. Ai có nhu cầu thiết thực thì viết vài chữ phía dưới tui thấy hạp lý tui tặng…". Đầu năm, cô lên nhóm mời mọi người, không kể lạ quen đi cà phê, ăn bánh tráng trộn chỉ với yêu cầu "ngồi lại tám chuyện, tặng nhau nụ cười, kể chuyện vui cho nhau nghe…".

"Má Của Tí Tèo" là cô Tuyết Hoa, 64 tuổi. Giữa năm ngoái, chồng cô (một cựu cán bộ Thành đoàn) qua đời và hiến xác cho y học. Trong những ngày chênh vênh đó, cô "va" vào nhóm Bạn cần - tôi tặng. Những câu chuyện sẻ chia dễ thương và ý nghĩa trong nhóm giúp cô nguôi ngoai rất nhiều. "Tặng quà cho các bạn, tôi là người vui trước vì mình đã có thể "buông bỏ", có thể truyền được chút cảm hứng cho ai đó", "Má Của Tí Tèo" tâm tình.
Phía sau màn hình còn có những câu chuyện ít người biết đến. Cuối năm ngoái, gần nửa đêm, một bạn nam (tạm gọi là Q.) đăng tin lên nhóm: "Ai cần mình cho hết. Chán lắm rồi", kèm hình ảnh là một túi xách đựng quần áo nam, laptop và điện thoại. Chỉ mới đăng mà khá nhiều bình luận vào an ủi: "Ông đang ở đâu để tui chạy tới, đừng nghĩ quẩn".

Linh tính mách bảo, quản trị viên Nguyễn Ngọc Thủy kịp thời liên hệ một thành viên gần đó đến giúp đỡ Q. Thì ra, Q. ở Hà Nội, làm ăn thua lỗ nên vào TP.HCM kiếm việc nhưng cũng không xong. Nghe tin mẹ ở Hà Nội mất, Q. vét hết số tiền còn lại để mua vé tàu về quê, nhưng lại trễ tàu. Mẹ mất nhưng không về được, tiền lại hết sạch, công việc cũng không có, quá đau buồn và bế tắc, Q. nghĩ quẩn, đăng lên nhóm định cho số đồ còn lại của mình rồi… nhảy cầu để tự kết thúc. May sao, chính những người dưng không quen biết trên nhóm đã vội chạy đến an ủi, mua tặng Q. vé tàu chuyến kế tiếp về Hà Nội để kịp tang mẹ, thậm chí "áp tải" Q. lên tàu cho đến khi rời ga để chắc chắn anh không ở lại và làm chuyện thiếu suy nghĩ.
"Về đến Hà Nội, Q. có nhắn tin vào nhóm cảm ơn. Chúng tôi cũng nhắn lại, nếu Q. vẫn muốn vào TP.HCM làm việc thì mọi người sẽ chào đón và tìm cách giúp đỡ", chị Thủy kể.
Nghĩa tình ở thành phố này vẫn luôn đong đầy như thế đó!
Nhân bản điều tích cực
"Bạn cần - tôi tặng" đã trở thành trào lưu. Trên Facebook hiện có khoảng trên dưới 50 nhóm sử dụng tên này hoặc gần giống, có nhóm lên đến hơn 100.000 thành viên, không chỉ hoạt động ở TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Luật sư Hồ Hữu Hoành, sáng lập viên Bạn cần - tôi tặng, chia sẻ: "Thật lòng, ban đầu chúng tôi khó chịu vì bị họ nhái "thương hiệu" nhóm của mình. Nhưng nghĩ lại, mình thấy hoan hỷ vì đã tạo được cảm hứng để nhân bản điều tích cực, điều đó quá tốt. Những nhóm lợi dụng chuyện này với mục đích không tốt thì tự nhiên cũng sẽ bị đào thải. Người tham gia nên tỉnh táo, tìm hiểu kỹ để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc".
Có đề nghị mua nhóm với giá… nửa tỉ đồng
Ban quản trị Bạn cần - tôi tặng có 6 người, mỗi người một nghề khác nhau: luật sư, giáo viên, kinh doanh… và tất cả đều không có bất cứ lợi ích vật chất nào từ nhóm. "Lợi nhuận" có chăng chính là niềm vui khi cùng làm được điều có ích, cùng lan tỏa điều thiện. Nhóm không nhận quảng cáo và cũng không có lợi nhuận từ bất cứ nguồn nào.
"Trong 6 năm qua, có hàng chục đề nghị mua lại nhóm, có người ra giá đến… 500 triệu đồng. Còn đề nghị quảng cáo trên trang thì nhiều không đếm xuể", quản trị viên Hồ Thị Xuân Huy cho biết.
Theo Lam Yên (TNO)