Chúng tôi được đồng hành với nữ thạc sĩ Thu Hương trong nhiều hoạt động từ thiện. Có những chuyến đi trong mưa bão, hoặc băng rừng lội suối để mang những phần quà vật chất lẫn tinh thần đến với trẻ em nghèo. Trong các chuyến đi như thế, không ít lần cô nàng thế hệ 8X này đã khóc. Thu Hương khóc không phải vì những lần say xe nôn ra "mật xanh mật vàng" hay mệt xỉu trên hành trình nhân ái, mà khóc khi gặp các em học sinh nhỏ tuổi đói cơm, thiếu áo.
Từ hình ảnh ám ảnh đến bữa cơm nuôi học sinh nghèo
Từ năm 2000, Thu Hương bắt đầu thực hiện chương trình nuôi cơm cho học sinh mầm non, tiểu học vùng cao phía bắc. Hằng năm vào dịp đầu năm học, cô đều bỏ tiền riêng và kêu gọi một số bạn bè ủng hộ thêm một phần để có những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất cho 10 - 15 em. 5 năm qua, cô đã nuôi cơm hơn 60 trẻ em ở các vùng xa xôi, hẻo lánh.

Đưa cho chúng tôi xem bức ảnh bữa cơm của một em bé vùng núi Tây Bắc chụp trong một chuyến thiện nguyện, Thu Hương cho biết: "Tất cả bắt đầu từ hình ảnh này". Đó là một bữa cơm chỉ có vài mảnh bắp cải chấm với muối.
"Tôi không cầm được nước mắt trong thời điểm gặp em bé đang ăn ngon lành bữa cơm như vậy. Sau đó nhiều ngày, mỗi khi xem lại bức ảnh này, tôi cứ ám ảnh. Rồi tôi quyết định tặng một số em đang cắp sách đến trường những bữa cơm đầy đủ dưỡng chất hơn", Thu Hương trải lòng.

Thương yêu trẻ em nghèo có lẽ cũng là sự đồng cảm. Hương có một thời thơ ấu sống trong khó khăn, thiếu thốn ở miền quê nghèo. Ba Hương "xông sóng chém gió" làm biển, còn mẹ tần tảo sớm hôm với công việc bán cá nuôi cả gia đình.
"Tôi vào TP.HCM học tập, lập nghiệp, trải qua nhiều thăng trầm rồi cũng thoát được cái nghèo. Bởi vậy, lúc nào cũng nghĩ đến người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, đặc biệt là trẻ em", Thu Hương tâm sự.
Cô nói thêm: "Hằng ngày con mình được ăn uống đầy đủ dưỡng chất, lớn lên khỏe mạnh… Nhưng đối với các trẻ vùng cao, đặc biệt ở những vùng miền núi còn nhiều khó khăn thì các con chỉ có những bữa cơm đạm bạc. Vì thế, tôi muốn góp một phần nhỏ bé để một số em nhận được bữa cơm có thịt, cá".

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cô sinh viên mảnh khảnh này đã tham gia các hoạt động tình nguyện như Mùa hè xanh, đội công tác xã hội của trường. "Đóng góp của tôi lúc đó còn nhỏ bé. Có thể chỉ là vài giờ đồng hồ quét sân trường, dạy chữ cho em nhỏ. Nhưng từng khoảnh khắc ấy đã gieo trong tôi một niềm vui thật khác, niềm vui của người cho đi", thạc sĩ Thu Hương tâm tình.
Khi tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định hơn, Thu Hương tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác nhau. Cô tài trợ học phí cho học sinh nghèo, góp tiền xây dựng các chương trình cộng đồng. Còn nhiều chuyến đi tặng quà cho người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, truyền đạt kinh nghiệm học tập cho học sinh… khắp các tỉnh, thành không thể kể hết.
Cô cho biết: "Cứ rảnh, cứ trong túi dư chút tiền là đi làm từ thiện".
Trao học bổng, gieo kiến thức và lòng nhân ái
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương hiện là Giám đốc điều hành của Hệ thống Anh ngữ và Kỹ năng sống Gee - O dành cho thiếu nhi tại TP.HCM. Từ khi mở hệ thống này, không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhất là giai đoạn đại dịch Covid-19. Nhưng chưa bao giờ người phụ nữ nhân ái này xao nhãng công việc thiện nguyện.
Trong đó, có chương trình tặng học bổng tiếng Anh cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mỗi năm hằng trăm triệu đồng của Gee - O vẫn duy trì đều đặn. Có những phụ huynh đóng học phí cho con em theo học ở đây nhiều năm, đến lúc kinh tế gặp khó khăn thì thạc sĩ Thu Hương sẵn lòng giảm từ 50 - 70% học phí hoặc chỉ lấy tiền giáo trình để con họ tiếp tục học.
"Là một người mẹ, tôi hiểu cảm giác lo lắng của những phụ huynh không đủ điều kiện cho con mình học ngoại ngữ", Thu Hương tâm tình.

Hỏi vì sao ưu ái tạo điều kiện cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi học tiếng Anh như thế, thạc sĩ Hương cho biết: "Thời học sinh ở vùng quê nghèo, nỗi sợ nhất của tôi và bạn bè là môn tiếng Anh. Lúc đó không có điều kiện để học tiếng Anh và sau này tôi hiểu rõ sự thiệt thòi quá lớn nếu các em không được trang bị ngôn ngữ quốc tế thông dụng này".
Có những điều tưởng chừng nhỏ bé, nhưng lại mang sức mạnh thay đổi cuộc đời của ai đó. Thiện nguyện không chỉ là cho đi vật chất, mà còn là sẻ chia giá trị, truyền cảm hứng sống tích cực đến cộng đồng.
Thạc sĩ Thu Hương
Thạc sĩ Thu Hương coi mình là "hạt bụi nhân ái". Nhưng "hạt bụi" ấy sáng long lanh phẩm chất thiện lành. "Hạt bụi" ấy vẫn luôn "nghiêng mình nhớ đất quê". Trong các chương trình thiện nguyện làm cho quê cha đất tổ, cô nàng thế hệ 8X này luôn dành nhiều suất học bổng tiếng Anh dành cho các em thiếu nhi gốc Quảng Nam đang sinh sống tại TP.HCM.
"Thu Hương thường xuyên dành nhiều suất học bổng tiếng Anh cho con em của đồng hương đang ở TP.HCM. Đây là món quà rất quý", ông Nguyễn Tân (Chủ tịch Hội đồng hương huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ.

Thạc sĩ Thu Hương cũng miệt mài đi gieo kiến thức bằng nhiều cách khác nhau. Cô cho rằng, giáo dục không chỉ là tri thức, mà còn là cách chúng ta dạy trẻ trở thành một con người có tình yêu thương và biết sẻ chia. Trong nhiều chương trình đi tặng quà, nữ thạc sĩ kiêm luôn vai trò cô giáo, diễn giả để truyền những kiến thức, kinh nghiệm học tập và lòng nhân ái đến các em.
Tôi nhớ như in hình ảnh hàng trăm em học sinh với gương mặt lấm lem, áo quần cũ kỹ nhưng ánh mắt sáng rỡ khi Thu Hương kể cho các em nghe những câu chuyện nhân văn, những bài học về yêu thương và lòng biết ơn. Đó là một ngày mùa đông mưa lạnh, đường đi sình lầy, trơn trượt, nhưng trong lòng chúng tôi cảm thấy ấm áp lạ kỳ.
"Xây dựng nhân cách bắt đầu từ những hành động nhỏ, từ việc dạy con cách cảm ơn, xin lỗi, đến cách con biết đồng cảm với người khác. Đôi khi, những bài học ấy lại được truyền đi mạnh mẽ hơn thông qua các hoạt động cộng đồng", Thu Hương lý giải.

Nữ thạc sĩ này cũng là một người góp phần cùng chương trình Tủ sách Nhân ái đi "gieo" sách cho học sinh các tỉnh, thành. Cô cho biết động lực để mình đóng góp tiền mua sách và đồng hành cùng chương trình này là hoài niệm về một thời "đói sách".
"Thời tôi học cấp 2, hành trang văn học của tôi ngày ấy chỉ là những bài thơ, mẫu văn trên sách giáo khoa và vài tờ báo Mực Tím, Nhi Đồng nhăn nhúm. Tôi từng ước mơ đơn giản là được đọc nhiều sách hơn", Thu Hương thổ lộ.
TP.HCM nghĩa tình là loạt bài của Báo Thanh Niên thực hiện nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).
Loạt bài mong muốn khắc họa những con người thuộc nhiều tầng lớp, tôn giáo khác nhau (trong đó có những tấm gương được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu để bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025) nhưng đều chung tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn, cần sự cưu mang, chia sẻ.
Bằng những nghĩa tình, họ dìu nhau qua cuộc sống và cùng nhau góp phần dựng xây nên một Sài Gòn - TP.HCM luôn phát triển, bao dung, ấm áp và tràn đầy yêu thương cho tất cả những ai đến vùng đất này.