TP.HCM nghĩa tình: Mẹ Việt đỡ đầu sinh viên Lào, Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chính quyền TP.HCM có một chính sách rất nhân văn, nghĩa tình dành cho sinh viên đến từ 2 quốc gia láng giềng đang theo học tại thành phố. Đó là chương trình 'Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM'.

Chương trình này không chỉ được tổ chức dựa trên nhu cầu thực tế của các em sinh viên xa quê, mà còn là tấm lòng mến khách, sự trân quý và gắn bó keo sơn mà nhân dân TP.HCM dành cho những người bạn đến từ Lào và Campuchia.

Là mẹ nhưng cũng là "đại sứ văn hóa"

Suốt 4 năm qua, bà Diệp Thị Kim Hiền (59 tuổi, ngụ P.4, Q.4, TP.HCM) vẫn được 2 sinh viên Campuchia là Chhey Vorn (quê Siem Reap) và Sophanat (quê Phnom Penh) trìu mến gọi là "mẹ".

Chhey Vorn (phải) về nhà của mẹ Hiền được 2 năm nay
Chhey Vorn (phải) về nhà của mẹ Hiền được 2 năm nay

Là một luật sư, đồng thời gắn bó nhiều năm với công tác mặt trận, bà Hiền biết đến chương trình "Ươm mầm hữu nghị" do Hội Hữu nghị VN - Campuchia TP.HCM phát động. Đây là hoạt động kết nối sinh viên Campuchia đang học tập tại TP.HCM với các gia đình Việt để hỗ trợ, đồng hành và sẻ chia trong cuộc sống xa quê, triển khai từ năm 2012.

Năm 2022, trong một chuyến dã ngoại dành cho sinh viên do hội tổ chức tại địa đạo Củ Chi, bà Hiền gặp và "bắt cóc" cô sinh viên Chhey Vorn làm con nuôi từ đó.

"Lúc mới sang, các con rất bỡ ngỡ, xa gia đình, khác ngôn ngữ, nếp sống. Nhưng rồi lạ hóa quen, nhờ có sự gắn kết từ chương trình mà các con có thêm nơi nương nhờ, chia sẻ. Đổi lại, tôi có thêm những đứa con sống rất tình cảm, biết quan tâm, hỏi han mình", bà Hiền chia sẻ.

Ba mẹ con thường gặp nhau ít nhất mỗi tháng một lần, khi thì cùng đi ăn, khi lại khám phá những góc phố Sài Gòn. Nhiều dịp, bà Hiền còn rủ thêm các gia đình khác cùng nhận đỡ đầu sinh viên đi cùng.

Ngoài những buổi sinh hoạt gia đình, 3 mẹ con còn tham gia nhiều hoạt động do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và các đoàn thể tổ chức như tham quan bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, hay các buổi giao lưu nấu ăn, tìm hiểu ẩm thực.

Mẹ Huệ hướng dẫn các con làm món chả giò
Mẹ Huệ hướng dẫn các con làm món chả giò

Bà Hiền chia sẻ: "Mình là một người mẹ, đã nhận các con rồi thì mình phải có trách nhiệm. Tôi hay dặn dò các con rằng mẹ giúp được gì thì mẹ sẽ giúp, có gì các con cứ gọi cho mẹ. Các con cũng hay nhắn hỏi mẹ khỏe không, mẹ đang làm gì. Rất ấm lòng".

Với bà Hiền, việc nhận đỡ đầu không chỉ giúp các con yên tâm học hành, mà còn là cách lan tỏa vai trò của một "đại sứ văn hóa", từ giới thiệu món ăn cho đến kể cho nhau nghe về phong tục, lối sống.

"Mấy đứa nhỏ mê bún, phở, chả giò lắm. Còn tôi thì cũng thích Num Banh Chok - một món bún truyền thống của Campuchia. Mỗi lần ngồi ăn với nhau, ba mẹ con lại rôm rả chia sẻ về văn hóa, con người hai nước, cùng nhau hiểu hơn về tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa hai quốc gia láng giềng", bà Hiền nói.

Chhey Vorn cho hay em đang theo đuổi ngành y ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Kể lại thời điểm mới sang VN, Chhey Vorn bảo mình hay nhớ nhà và thấy chưa quen sống ở một thành phố sôi động, xe cộ lúc nào cũng ken chặt. Nghe bạn bè giới thiệu chương trình nhận gia đình Việt đỡ đầu, Chhey Vorn liền đăng ký tham gia và bén duyên với mẹ Hiền.

Vorn chia sẻ: "Tôi được mẹ dắt đi tham gia nhiều hoạt động văn hóa lắm. Tôi cũng rất thích ẩm thực VN. Giờ tôi có hẳn hai gia đình và tôi xem mẹ Hiền như mẹ ruột của mình".

Tình thân không biên giới

Tham gia chương trình nhận đỡ đầu sinh viên từ năm 2022, bà Lê Thị Minh Huệ (70 tuổi, Phó trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, P.4, Q.10) đến nay đã có 6 người con nuôi là sinh viên Lào.

Cứ cuối tuần là nhà mẹ Huệ đông vui vì các con về chơi với mẹ
Cứ cuối tuần là nhà mẹ Huệ đông vui vì các con về chơi với mẹ

Trước khi tham gia chương trình này, gia đình bà Huệ đã nhận đỡ đầu cho các sinh viên tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP) từ năm 2019.

"Lúc mới tiếp xúc, tụi nhỏ còn rụt rè, sợ lắm. Nhưng mình cứ kiên nhẫn, dịu dàng, coi các con như con ruột mình thôi, có gì thì nhắc nhở, chỉ dẫn. Dần dà tụi nó mở lòng, coi mẹ như là bạn. Giờ cái gì cũng hỏi mẹ hết", bà Huệ kể.

Các em sinh viên của gia đình bà Huệ hiện đang ở ký túc xá, cuối tuần quây quần về nhà mẹ để cùng nấu ăn. "Các con chỉ tôi làm món gỏi Tam Mak Hoong, là gỏi đu đủ và được coi là "quốc hồn quốc túy" của ẩm thực Lào. Còn tôi thì chỉ các con làm chả giò", bà Huệ chia sẻ.

Không chỉ được học nếp sinh hoạt, các bạn sinh viên Lào còn được hiểu nhiều hơn các phong tục tập quán về đời sống người Việt, từ ma chay tới đám cưới. Bà Huệ cũng thường bảo ban các con, dạy các con sống tử tế, chia sẻ, biết yêu thương nhau.

Với bà Huệ, việc nhận nuôi các bạn trẻ không đơn thuần là hành động thiện chí để giúp đỡ các em xa quê, mà còn là cách góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa VN với nước bạn.

"Mấy đứa dạy tôi cụm từ "VN - Lào - Campuchia samaki", từ samaki có nghĩa là đoàn kết", bà Huệ nói.

Biết đến chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM" qua bạn bè giới thiệu, Phommavong Phouthasone (23 tuổi, đang học ngành y tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) liền đăng ký và được về ở nhà mẹ Huệ.

"Lúc ban đầu xa gia đình, qua VN học, em cũng bỡ ngỡ lắm, tự lo ăn uống và mọi thứ. Đến sống với nhà mẹ Huệ thì được mẹ quan tâm, dặn dò ăn uống kỹ càng, em bị sốt mẹ cũng gọi điện hỏi thăm, em thấy rất ấm áp, cảm giác như đang sống ở nhà mình vậy. Em được mẹ dẫn đi trải nghiệm các dịp lễ, tết ở VN. Ba mẹ em ở Lào cũng vui và gửi lời cảm ơn mẹ Huệ khi biết em được mẹ chăm sóc như thế nào", Phouthasone cho hay.

Theo Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, năm 2024 có 95 gia đình Việt, 127 sinh viên Lào và 35 sinh viên Campuchia tham gia chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM". Chương trình ngày càng được cải thiện về chất lượng, để lại ấn tượng tốt đẹp và góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa các quốc gia

Theo Phạm Thu Ngân - Thúy Liễu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null