TP.HCM nghĩa tình: Phòng khám tôn giáo 15 năm khám bệnh miễn phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thứ ba và bảy hằng tuần, từ sáng sớm rất nhiều người đã có mặt tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền Hiền Huệ (trong khuôn viên Thánh tòa vô vi Huỳnh Quang Sắc, Q.8, TP.HCM) để xếp hàng chờ khám bệnh.

Nhiều bệnh nhân đến khám có hoàn cảnh khó khăn, khi ra về tay xách nách mang, từ thuốc cho tới sữa, bánh mì…

Đạo - đời tương đắc

Ông Cao Hoàng Phong, Trưởng ban cai quản Thánh tòa vô vi Huỳnh Quang Sắc, cho biết Phòng chẩn trị y học cổ truyền miễn phí Hiền Huệ ra đời từ tâm nguyện thiện lành "đạo - đời tương đắc, đem một ít công sức, tài vật của mình làm công quả giúp người, giúp đời" của ông Nguyễn Văn Bồi, tín đồ Cao Đài thuộc họ đạo Lộ Đỏ, Hội thánh Cao Đài ban chỉnh đạo.

Lương y Nguyễn Văn Phúc hỏi bệnh của bệnh nhân
Lương y Nguyễn Văn Phúc hỏi bệnh của bệnh nhân

Dù am tường y học cổ truyền và mong muốn mở phòng thuốc nam từ thiện, nhưng Thánh thất Lộ Đỏ không có mặt bằng, nên ý định của ông Bồi nhiều năm liền chưa thể thực hiện. Dù vậy, ông Bồi và một số đạo hữu vẫn kiên trì thu gom dược liệu từ nhiều nơi để hỗ trợ miễn phí cho các phòng khám khác.

Thấy vậy, Thánh tòa vô vi Huỳnh Quang Sắc với mặt bằng rộng rãi, thuận tiện đi lại (số 2523 Phạm Thế Hiển, P.7, Q.8) nên sau đó đã phối hợp Thánh thất Lộ Đỏ thành lập phòng chẩn trị ngay trong khuôn viên thánh tòa.

Phòng chẩn trị Hiền Huệ chính thức hoạt động từ ngày 22.5.2010, ban đầu với hai lương y là ông Nguyễn Văn Bồi (nay đã mất) và ông Nguyễn Văn Phúc, cùng 10 tín hữu Cao Đài hỗ trợ.

Từ đó đến nay, phòng khám duy trì hoạt động đều đặn nhờ công sức của đa dạng tình nguyện viên, từ tín đồ Cao Đài, người Hoa, công nhân viên chức nghỉ hưu cho đến những người làm thiện nguyện khác.

Tựu trung, tất cả đều mong muốn mang lại cơ hội điều trị miễn phí cho người nghèo bằng phương pháp y học cổ truyền.

Hiện nay, phòng khám hoạt động 2 ngày trong tuần. Trong đó, thứ bảy có đầy đủ các khâu như thăm khám, bốc thuốc, châm cứu, tập vật lý trị liệu…, còn thứ ba chỉ diễn ra hoạt động bốc thuốc cho bệnh nhân.

Các lương y bắt mạch cho bệnh nhân
Các lương y bắt mạch cho bệnh nhân

Lương y tâm huyết

Ông Nguyễn Văn Phúc nổi tiếng là lương y khó tính, nghiêm khắc trong chuyên môn. Ông nhanh nhảu trả lời để kết thúc sớm cuộc phỏng vấn, nhưng lại rất chú tâm và có thể dành hàng giờ cho việc khám chữa bệnh và đưa ra lời khuyên, tư vấn cặn kẽ cho từng bệnh nhân.

Ít ai biết rằng thời trẻ ông từng là sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (Q.1, TP.HCM). Ông từng tích cực tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên phản đối chiến tranh và bị bắt giam vào năm 1969.

"Lúc tôi ở tù, gia đình có gửi một số sách y học cho tôi đọc. Tôi học được cách châm cứu, chữa bệnh là nhờ đó mà ra. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi 25 tuổi, ra tù. Tôi theo đoàn thanh niên xung phong của ông Phạm Chánh Trực (nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) tiếp quản một số đơn vị và sau đó được phân công nhiều nhiệm vụ trong nhiều cơ quan nhà nước", ông Phúc kể lại.

Mấy mươi năm làm trong nhà nước, ông Phúc vẫn đau đáu về chuyện học nghề y. Thế là sau khi đủ niên hạn công tác để có thể về hưu, năm 41 tuổi, ông xin nghỉ để đăng ký đi học chính quy, lấy các loại bằng cấp về y học cổ truyền.

Gắn bó với Phòng khám Hiền Huệ từ những ngày đầu thành lập và chịu trách nhiệm chính cho hoạt động của phòng khám, suốt 15 năm qua chưa buổi nào ông Phúc vắng mặt.

Hiện ông vẫn vượt quãng đường xa từ nhà đến Q.8 mỗi tuần hai buổi, vẫn tận tâm khám bệnh, bốc thuốc, và hơn hết truyền lại kinh nghiệm, y thuật, y đức cho thế hệ kế cận.

Ngoài thầy Phúc, phòng khám còn có các lương y như Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Dương Thị Thu Thảo… cùng đội ngũ kỹ thuật viên và tình nguyện viên đông đảo. Hầu hết đều gọi ông Phúc là "thầy Phúc".

Lương y Thu Thảo cho hay chị là học trò của thầy Phúc. Đối với chị, thầy là lương y rất có tài và có tâm. "Tôi may mắn được học hỏi từ thầy và gắn bó với Phòng khám Hiền Huệ suốt nhiều năm nay. Với tôi, đây không chỉ là nơi làm nghề mà còn là nơi cống hiến. Chính niềm tin và sự trân trọng của bệnh nhân sau mỗi lần được trị khỏi bệnh là động lực cho tôi tiếp tục đến đây phục vụ", chị Thảo nói và cho biết: "Ở đây, các lương y đều đồng tâm, vui vẻ, hòa thuận trên tinh thần hướng thiện hành đạo, sống tốt đời, đẹp đạo".

Ông Cao Hoàng Phong, Trưởng ban cai quản Thánh tòa vô vi Huỳnh Quang Sắc, gửi thuốc cho người bệnh
Ông Cao Hoàng Phong, Trưởng ban cai quản Thánh tòa vô vi Huỳnh Quang Sắc, gửi thuốc cho người bệnh
Lương y của Phòng khám Hiền Huệ châm cứu cho người bệnh
Lương y của Phòng khám Hiền Huệ châm cứu cho người bệnh
Vườn thuốc của Thánh tòa vô vi Huỳnh Quang Sắc
Vườn thuốc của Thánh tòa vô vi Huỳnh Quang Sắc

Năm 2024 tiếp nhận hơn 13.000 lượt bệnh nhân

Theo ông Cao Hoàng Phong, mỗi ngày mở cửa, phòng khám đón từ 150 - 200 bệnh nhân với trên 700 thang thuốc các loại.

Riêng trong năm 2024, phòng khám đã phục vụ hơn 13.000 lượt bệnh nhân. Trong đó, có hơn 5.000 người đến bốc thuốc và hơn 7.000 người điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt.

Tổng cộng phòng khám đã cấp phát hơn 35.000 thang thuốc, 2.200 chai thuốc rượu và 200 gói thuốc xông với tổng kinh phí hơn 1,5 tỉ đồng.

Điều đáng chú ý là dù hoạt động hoàn toàn miễn phí, nhưng phòng khám vẫn duy trì quy trình khám chữa bệnh rất chuyên nghiệp. Tại đây, công việc được phân chia rõ ràng và thực hiện theo trình tự khoa học: từ phát số thứ tự, nhập dữ liệu, bắt mạch, ghi bệnh án, bấm huyệt đến phát thuốc, phơi thuốc… Mỗi khâu đều được tổ chức bài bản. Đặc biệt, phòng khám còn mã hóa hồ sơ bệnh nhân và bố trí riêng khu vật lý trị liệu với đầy đủ thiết bị hỗ trợ.

Nhiều bệnh nhân sau khi được chữa khỏi đã chủ động quay lại ủng hộ phòng khám, góp phần duy trì hoạt động thiện nguyện ý nghĩa này.

Ông Cao Hoàng Phong cho biết trong quá trình hoạt động, phòng khám luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ giới hạn trong phạm vi khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, tinh thần "sống tốt đời, đẹp đạo" của phòng khám còn lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng. Dưới sự điều phối của Ban cai quản Thánh tòa vô vi Huỳnh Quang Sắc, phòng khám đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa.

Cụ thể, phòng khám thường xuyên đến vùng sâu, vùng xa khám bệnh, phát thuốc và quà miễn phí cho người dân; hỗ trợ tài chính, nhu yếu phẩm cho các bệnh nhân nằm liệt lâu năm; quyên góp xây dựng thánh sở tại Tây Ninh, Trà Vinh; phát gần 1.000 suất cơm cho bệnh nhân tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM; trao tặng tập vở, xe đạp và dụng cụ học tập cho học sinh nghèo ở nhiều tỉnh thành.

Các bệnh nhân đến đây khám đều cởi mở và ngợi khen tài năng lẫn sự tận tâm của các lương y, tình nguyện viên phòng khám.

Bị đau nhức xương khớp, đã chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi, năm 2024, chị Ngọc Diễm (ở Q.8) được người quen giới thiệu đến Phòng khám Hiền Huệ. "Lần đầu tiên đến, tôi được các lương y ở đây hỏi bệnh kỹ lắm, châm cứu bốc thuốc cho về uống. Cơn đau ngày càng giảm rõ rệt, cỡ 60 - 70% rồi đó. Phòng khám thì không lấy tiền nhưng mà tôi cũng bỏ một chút quà vô thùng từ thiện phía trước. Cũng mong phòng khám được nhiều người tốt biết đến hơn để hỗ trợ mở rộng không gian chữa trị, giúp được nhiều người hơn", chị Diễm cho hay.

Theo Thúy Liễu - Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.

'Đất thép' nở hoa

'Đất thép' nở hoa

Cách trung tâm Sài Gòn hơn 50km, ở cửa ngõ phía Tây Bắc, căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) được quân đội Sài Gòn ví như “cánh cửa thép”, phòng tuyến kiên cố ngăn cản đà tiến công như vũ bão của quân giải phóng.