TP.HCM nghĩa tình: Đội sinh viên đáng ngưỡng mộ, tầm nhìn và trái tim rộng mở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

17 năm qua, một đội sinh viên đã âm thầm sửa chữa, nâng cấp máy tính rồi đem đi tặng. Từng đồng hành với họ đến miền Trung trong mưa bão để tặng vi tính, chúng tôi cảm nhận đầy đủ hơn tấm lòng của những sinh viên này.

Những sinh viên này thuộc đội "Máy tính cũ - Tri thức mới" của Đoàn Trường đại học Công nghệ thông tin, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Từ khi thành lập, đội đã mang đến nhiều nơi, đặc biệt là các trường học ở vùng sâu, vùng xa hơn 500 máy tính sau khi đã nâng cấp, sửa chữa đáp ứng chất lượng vận hành tốt.

TP.HCM nghĩa tình là loạt bài của Báo Thanh Niên thực hiện nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Loạt bài mong muốn khắc họa những con người thuộc nhiều tầng lớp, tôn giáo khác nhau (trong đó có những tấm gương được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu để bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025) nhưng đều chung tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn, cần sự cưu mang, chia sẻ.

Bằng những nghĩa tình, họ dìu nhau qua cuộc sống và cùng nhau góp phần dựng xây nên một Sài Gòn - TP.HCM luôn phát triển, bao dung, ấm áp và tràn đầy yêu thương cho tất cả những ai đến vùng đất này.

Đem tài năng cống hiến cho đời

Phòng D105, tòa nhà D của Trường đại học Công nghệ thông tin, từ nhiều năm nay trở thành "bản doanh" của đội "Máy tính cũ - Tri thức mới. Tại đây, máy tính cũ chất la liệt, hàng chục sinh viên công nghệ đang miệt mài sửa chữa, nâng cấp, phục hồi laptop, máy tính cũ để đem tặng.

Phạm Anh Nguyên, sinh viên khoa Kỹ thuật máy tính là đội trưởng năm thứ 16 của đội cho biết, thời gian đầu chỉ có khoảng hơn 20 thành viên, chủ yếu là sinh viên khoa Kỹ thuật máy tính. Hiện nay, đội có 35 thành viên và 20 cộng tác viên của Trường đại học Công nghệ thông tin và nhiều trường đại học ở TP.HCM.

nghiatinh3.jpg
Đội "Máy tính cũ - Tri thức mới" đang sửa chữa, nâng cấp máy tính. ẢNH: ANH NGUYÊN

Mỗi năm, đội sẽ có 3 đợt tuyển thành viên, cộng tác viên vào dịp Xuân tình nguyện, Mùa hè xanh và tháng 11. Thông thường, số lượng mỗi đợt tuyển là từ 15 - 20 người. "Tiêu chí quan trọng nhất để tham gia đội là có tinh thần cống hiến cho cộng đồng và sự hiểu biết về máy tính cùng các kỹ thuật sửa chữa cơ bản. Các bạn cũng phải chấp nhận có lúc phải cày ngày, cày đêm sửa chữa, phục hồi máy tính và sẵn sàng đi vùng sâu, vùng xa để tặng", Anh Nguyên chia sẻ.

Để có hơn nửa triệu máy vi tính đã đem tặng, những sinh viên này phải đồng tâm, hiệp lực với nhau một cách chặt chẽ, chuyên nghiệp. Đội trưởng, đội phó có nhiệm vụ quản lý, một số thành viên phụ trách truyền thông, hậu cần và 5 kỹ thuật viên đảm nhận việc tập huấn sửa máy tính cho các thành viên còn lại trong đội.

2nghiatinh.jpg
Đội trưởng Phạm Anh Nguyên (áo hồng) đang hướng dẫn sửa chữa, nâng cấp máy tính cho các thành viên trong đội. ẢNH: NVCC

Khâu tiếp theo là họ phải tìm khắp nơi để xin nguồn vi tính hoặc laptop cũ. Một số nơi có máy tính cũ, máy tính hư hỏng biết việc làm ý nghĩa của đội cũng liên hệ đóng góp. Tuy nhiên, phần lớn máy tính, linh kiện như bàn phím, RAM, bo mạch chủ, chuột… đem về là sản phẩm không còn vận hành được, thậm chí đó chỉ là phế liệu.

Vì thế, sau khi thu gom, đội sẽ kiểm tra, sửa chữa, thay thế những linh kiện hư hỏng để biến chúng thành một bộ máy tính hoàn chỉnh. Linh kiện còn dư sẽ được bảo quản cẩn thận để sử dụng cho các đợt lắp ráp khác.

3nghiatinh3.jpg
Cao Đăng Khoa, thành viên của đội "Máy tính cũ - Tri thức mới" đang lắp đặt dàn máy vi tính đem tặng cho một trường học ở miền Trung. ẢNH: QUANG VIÊN

Đa phần, để vừa sửa chữa, lắp ráp, cài đặt phần cứng, phần mềm cho một máy tính để bàn, đội mất khoảng 2 - 3 giờ. Trong khi đó, sửa laptop sẽ mất nhiều thời gian, tiền bạc hơn do cần đảm bảo sự tỉ mỉ, cẩn thận trong quá trình tháo lắp, bảo dưỡng và nhiều khi cần phải mua thêm linh kiện.

"Để có chi phí mua linh kiện, đội đã gây quỹ thông qua việc bán móc khóa làm từ RAM hỏng, thêm nguồn tài trợ của Văn phòng Đoàn Trường đại học Công nghệ thông tin TP.HCM và các nhà hảo tâm", thạc sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, Bí thư Đoàn Trường đại học Công nghệ thông tin TP.HCM chia sẻ.

Mang máy tính về vùng xa, vùng thiên tai

Học sinh ở một số tỉnh lẻ còn rất thiếu vi tính để học tập. Nhất là các vùng thường xuyên bị thiên tai, sau những mùa bão lũ, các phòng máy vi tính ở trường học đã hạn chế lại hư hỏng nhiều. Đó là lúc, những chiếc vi tính cũ được đội "Máy tính cũ - Tri thức mới" nâng cấp sửa chữa trở thành món quà ý nghĩa và thiết thực đối các trường học ở đây.

4nghiatinh.jpg
Anh Nguyên đang lắp đặt máy tính cũ tặng Trường THPT Thái Phiên ở Quảng Nam. ẢNH: QUANG VIÊN

Đội "Máy tính cũ - Tri thức mới" và tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Một lần đồng hành cùng đội về Quảng Bình ngay trong bão lũ, tôi cảm động khi thấy những thành viên của đội chỉ lo làm sao bao bọc cẩn thận máy tính khỏi hỏng, còn người ướt sủng cũng được. Cuối năm 2024, đội còn về Quảng Nam, Quảng Trị tặng 15 máy vi tính khi dư chấn trận bão lũ chưa tan.

"Mang máy tính cũ về tặng đúng nơi đang cần là đội chúng em rất vui rồi. Bởi vậy, có đi vùng sâu, vùng xa hay gặp thời tiết không thuận lợi đối với đội cũng là chuyện nhỏ", Cao Đăng Khoa, thành viên của đội tâm tình.

Với học sinh ở các địa phương còn nghèo, mỗi chiếc vi tính cũ nhưng vận hành tốt là món quà rất thiết thực. Khi nhận 5 chiếc máy tính từ đội "Máy tính cũ - Tri thức mới", cô Trần Thị Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Phiên, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vui mừng nói: "Trường Thái Phiên nằm ở vùng biển nên máy vi tính rất nhanh hỏng. Hiện tại nhiều em phải dùng chung một máy. Vì thế, được tặng thêm máy vi tính sẽ tạo điều kiện cho các em học môn tin học tốt hơn. Đó thật sự là món quà ý nghĩa".

5nghiatinh.jpg
Đội "Máy tính cũ - Tri thức mới" chở máy vi tính được sửa chữa, nâng cấp đi tặng khắp nơi. ẢNH: ĐỘI MÁY TÍNH CUNG CẤP

Sau đợt mưa lũ lớn, hầu hết máy tính của Trường THCS Gio Sơn và Trường tiểu học và THCS Gio Hải 2 (cùng ở huyện Gio Linh, Quảng Trị) không thể sử dụng do ngập nước quá lâu. Chúng tôi cùng hai thành viên của đội "Máy tính cũ - Tri thức mới" lên đường cùng 10 chiếc máy vi tính.

Lúc đó, lũ vẫn chưa rút. Anh Nguyên, Đăng Khoa ôm từng chiếc máy tính bì bõm lội vào trường để đi tặng. Cô Đỗ Thị Lĩnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Gio Hải 2 xúc động nói: "Phòng máy vi tính trang bị từ 17 năm trước, cấu hình quá yếu và đã hư hỏng gần hết. Những chiếc máy vi tính của chương trình tặng lần này hết sức thiết thực và rất quý".

Không chỉ trao tặng máy tính cũ cho các trường học đang thiếu máy tính dùng trong học tập, đội "Máy tính cũ - Tri thức mới" còn tặng máy tính cho nhiều nơi khác. Vùng Tây nguyên, miền Trung, miền Tây… đều có dấu chân của những thành viên của đội trên hành trình trao tặng máy tính.

Vừa qua, đội đã kết hợp với Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đã tổ chức chuyến đi trao tặng 5 máy tính cho Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân.

6nghiatinh.jpg
Trao tặng 5 máy tính cho Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân. ẢNH: ĐỘI MÁY TÍNH CUNG CẤP

Theo anh Nguyễn Thanh Hiệp, Bí thư Đoàn Trường đại học Công nghệ thông tin TP.HCM, chính sự gắn kết đã khiến các cựu thành viên của đội "Máy tính cũ - Tri thức mới" vẫn gắn bó. Cả sau tốt nghiệp, họ vẫn thường xuyên dành thời gian sinh hoạt chung để giao lưu, hướng dẫn các thành viên cách sửa chữa máy tính...

"Hành trình vẫn còn dài, đội sẽ tiếp tục bước tiếp mang theo những chiếc máy tính đã được hồi sinh, cùng khát khao trao gửi tri thức, hy vọng và yêu thương đến khắp mọi miền đất nước", tân đội trưởng đội "Máy tính cũ - Tri thức mới" Nguyễn Ngọc Tâm khẳng định.

Anh Nguyên chia sẻ thêm: "Trong quá trình đi tặng máy vi tính, chúng em đi đến nhiều nơi, gặp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Tầm nhìn và trái tim của mỗi thành viên đều được mở rộng, từ đó có thêm động lực để nỗ lực hơn mỗi ngày. Qua mỗi chuyến đi, các thành viên cũng trở nên thân thiết với nhau hơn, nhờ vậy mà mọi hoạt động của đội cũng được duy trì một cách suôn sẻ, nhịp nhàng".

Anh Nguyễn Thanh Hiệp, Bí thư Đoàn Trường đại học Công nghệ thông tin TP.HCM cho biết: Những hoạt động do đội "Máy tính cũ - Tri thức mới" thực hiện mang đậm dấu ấn của sinh viên Trường đại học Công nghệ thông tin TP.HCM qua việc phát huy chuyên môn trong các chiến dịch tình nguyện. Sự phát triển của đội trong 17 năm qua cũng thể hiện quyết tâm của Đoàn trường nhằm duy trì một mô hình thiết thực hiệu quả.

Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.