Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao - Bài 6: Hài hòa ‘hai trong một’

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc xóa nhà tạm không chỉ mang ý nghĩa an sinh mà còn gắn với an toàn sinh mạng người dân.

Ở Lào Cai, huyện Bảo Thắng đã lồng ghép hiệu quả chương trình xóa nhà tạm gắn với khắc phục hậu quả bão Yagi đưa người dân rời khỏi các vách núi nguy hiểm có cuộc sống an toàn, lâu dài.

psuuu.jpg
Căn nhà mới khang trang của gia đình anh Vàng Xành Guyện thôn Nậm Trà xã Gia Phú (Bảo Thắng, Lào Cai)

Không thể quay về nền nhà cũ

Chúng tôi theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú Lê Công Nguyện đến thăm gia đình anh Vàng Xành Guyện (SN 1987). Anh Guyện là công an viên của thôn Nậm Trà.

Từ trung tâm xã Gia Phú đến khu nhà mới của anh Guyện chừng 5km. Từ trục chính của xã rẽ lên thôn Nậm Trà là đường dốc, đá lổn nhổn trơn trượt khó đi. Quãng đường dài chừng 3km. Đường vào Nậm Trà không còn những mái nhà gỗ xiêu vẹo, thay vào đó, những nếp nhà gạch mới xây dựng khang trang, chắc chắn. Nhà anh Guyện lợp mái tôn khang trang nằm ngay mặt đường. Anh Guyện chuyển gia đình về ở đây trước Tết Nguyên đán.

Anh Guyện là một trong hàng chục hộ ở thôn Nậm Trà phải di dời khẩn cấp do nhà nằm trong vùng sạt lở do ảnh hưởng của bão Yagi tháng 9/2024. Đêm 9/9/2024 khi cơn bão Yagi đổ bộ vào đất liền, khu vực Lào Cai mưa lớn. Nhận được tin báo khu vực thôn Nậm Trà và thôn Nậm Phả có nhiều điểm có dấu hiệu sạt lở lớn, Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã Gia Phú túc trực tại hiện trường. Nhận thấy quả đồi phía sau các hộ gia đình ở Nậm Trà có dấu hiệu sạt lở, lực lượng hỗ trợ lên kiểm tra, đồng thời vận động người dân di dời.

“Cả ngày 9/9 mưa dầm dề không ngớt. Nhà tôi có 9 người, ở nhà gỗ phía sau là núi đất. Chiều 9/9, có một vị trí đất bị tụt xuống bên cạnh nhà. Sáng 10/9, Chủ tịch UBND xã vào yêu cầu bố mẹ tôi di chuyển về nhà họ hàng ở tạm vì ở đây rất nguy hiểm. Đến trưa cùng ngày, bố mẹ và các con, cháu tôi đã di chuyển chỉ kịp mang theo một số đồ đạc thiết yếu. Thật là may mắn, mảng đất phía sau đổ ụp vùi lấp căn nhà lúc nửa đêm hôm đó”, anh Guyện kể.

2psii.jpg
Căn nhà mới khang trang của gia đình anh Vàng Xành Guyện thôn Nậm Trà xã Gia Phú (Bảo Thắng, Lào Cai)

Anh Guyện cho hay, sau khi nhà đổ sập, anh chạy đôn đáo đi tìm đất mới để dựng nhà. Những tưởng vùng cao heo hút dựng nhà đâu cũng được nhưng với địa hình hiểm trở, lưng chừng dãy Hoàng Liên Sơn này tìm được mảnh đất bằng phẳng không hề dễ dàng. “Tôi hỏi sang cả xã khác nhưng không ai bán. Rất may, có người họ hàng giới thiệu khu ruộng này, bằng phẳng, không cần san gạt. Nó vốn là đỉnh đồi, chủ cũ san ra để làm ruộng bậc thang. Tôi về bàn với các chú rồi quyết định mua. Khu đất hơn 1.800m2 này, giá 260 triệu đồng. Bốn chú cháu chúng tôi tự đo đạc, chia diện tích của từng người. Tôi được UBND xã Gia Phú và huyện Bảo Thắng hỗ trợ 100 triệu đồng. Tôi bán thêm 3 con trâu lấy tiền xây nhà mới”, anh Guyện kể.

Quá trình xây dựng, anh Guyện báo cáo vị trí đất dự định xây với UBND xã Gia Phú. Xã Gia Phú xin ý kiến UBND huyện Bảo Thắng kiểm tra. Rất may, diện tích đất này không nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ.

“Người dân cứ xây dựng, ổn định chỗ ở, UBND huyện sẽ có trách nhiệm cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các hộ dân không phải chờ cấp giấy chứng nhận xong mới xây nhà. Chúng tôi sẽ lập danh sách, sơ đồ, đến kỳ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau. Làm sao để người dân thấy thuận lợi nhất, yên tâm xây dựng để sớm có nhà ở, ổn định cuộc sống!”.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng

Giải quyết thủ tục theo tình huống khẩn cấp

Ông Lê Công Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết, xã Gia Phú có 35 hộ (người Dao) phải di dời nhà do ảnh hưởng của bão Yagi, nhà nằm ở nơi có nguy cơ sạt lở cao. Khó khăn nhất là tìm vị trí đất mới để người dân xây nhà, ổn định cuộc sống. Các khu đất người dân di dời sau bão đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử đất ở. Nếu đúng quy định thì không có chỗ nào đủ điều kiện để bố trí tái định cư cho người dân vì xen kẹt với đất rừng. “Rất may, sau đó, vấn đề này được tháo gỡ. Tỉnh Lào Cai, huyện Bảo Thắng áp dụng chính sách khẩn cấp. Khi người dân muốn xây dựng ở một vị trí đất mới, họ sẽ báo với UBND xã. Cán bộ địa chính xã được cử lên định vị vị trí đó và cho người dân xây dựng”, ông Nguyện cho biết.

Anh Guyện kể, ở căn nhà gỗ cũ, cứ mỗi lần trời mưa lớn là mỗi lần thấp thỏm lo. “Giờ nhà cửa chắc chắn, ruộng vườn cũng gần, mưa to cũng không lo lắng nữa. Nước sinh hoạt kéo từ gần đó. Ở đây thích hơn, vừa gần đường tiện đi lại, vừa gần ruộng. Đi làm ruộng buổi trưa cũng về nhà ăn cơm được. Ngày trước nhà trên đỉnh dốc, toàn phải ngủ lại lán”, anh Guyện cho biết.

Rời nhà anh Guyện, chúng tôi đi ngược dốc lên chừng 2km đến nhà anh Vàng Ông Lầu SN 1987, cùng thôn Nậm Trà. Anh Lầu đang chỉnh lại đường ống nước, kéo từ trên núi về. “Hết 5 triệu tiền ống! Nước sạch chảy về từ khe trên đỉnh núi”, anh Lầu cho biết. Nhà anh Lầu trước đây cũng bị sạt lở do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, phải di dời khẩn cấp. Căn nhà khang trang của gia đình có diện tích khoảng 80m2 vừa hoàn thiện. Đây là đất ruộng của gia đình anh nên chi phí xây dựng chỉ hết khoảng 300 triệu đồng. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ 80 triệu đồng. “Chuyển về đây chúng tôi yên tâm hơn. Nợ nần sẽ làm trả dần dần!”, anh Lầu chia sẻ.

3psss.jpg
Căn nhà của anh Vàng Ông Lầu (SN 1987) ở Nậm Trà

Không để dân bạt chân núi xây nhà để tránh sạt lở

Vấn đề xây dựng được giải quyết nhưng thuyết phục toàn bộ bà con rời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở không phải chuyện dễ. Nhiều người chần chừ, vì ở chỗ cũ tuy nguy hiểm, nhưng là nơi họ đã gắn bó cả đời, là mảnh ruộng, là chuồng lợn, là những luống ngô xanh. Rời đi nghĩa là phải bắt đầu lại từ đầu.

“Chúng tôi đến nhà từng người, phân tích rủi ro, gợi ý đến nơi ở mới. Sau nhiều lần bàn bạc, có một vài hộ đồng ý di dời nên các hộ dân khác sẽ theo nhau dời đi khỏi khu vực nguy hiểm”, ông Nguyện cho biết.

Nói về việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Nguyễn Trung Thành cho hay, thôn Nậm Trà, Nậm Phả xã Gia Phú là khu vực nguy hiểm sau khi bão Yagi đổ bộ. Ngay sau bão, chính quyền huyện Bảo Thắng triển khai kế hoạch di dời các hộ dân khỏi vùng sạt lở.

“Trước tiên, chúng tôi sẽ bố trí đất ở cho các hộ dân thuộc diện di dời khẩn cấp dựa trên quy hoạch ruộng, đất. Chỗ nào chưa có quy hoạch, kế hoạch thì huyện sẽ bổ sung quy hoạch cho người dân nhưng không ảnh hưởng đến các quy hoạch khác. Người dân xây dựng nhà mới theo thế đất, vị trí đất để không phải đào, đắp, bạt đồi núi, không ảnh hưởng đến taluy phía sau. Bởi đào đắp, bạt đồi nguy cơ sạt lở cũng rất cao”, ông Thành cho biết.

(Còn nữa)

Theo Đức Anh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoành hành - Bài 2: Có tiếp tay, buông lỏng quản lý?

Thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoành hành - Bài 2: Có tiếp tay, buông lỏng quản lý?

Thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Sau hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng vừa bị bắt giữ, dư luận đặt câu hỏi: Các cơ quan được giao quản lý, giám sát đã làm hết trách nhiệm và xử lý quyết liệt, công tâm chưa?

Uống trà đi!: Bản Liền, chuyện giờ mới kể

Uống trà đi!: Bản Liền, chuyện giờ mới kể

Từng vạt núi lở vẫn còn nguyên dấu tích, đường chưa rõ ra đường, dằn xóc, lắc lư, cùng bao lần thót tim khi bánh xe chỉ cách mép vực sâu chưa đầy gang với, đường vào Bản Liền hiện nay vẫn đầy nham nhở, bụi mù, chưa bình phục sau trận mưa lũ lịch sử 9.2024.

Làng tỉ phú... tái nghèo

Làng tỉ phú... tái nghèo

Hàng chục hộ dân trong một làng ở vùng cao Quảng Nam bỗng chốc trở thành "tỉ phú" nhờ nguồn tiền đền bù từ dự án thủy điện. Nhưng rồi chỉ sau mấy mùa rẫy, họ lại nhanh chóng nằm trong diện… hộ nghèo.

Mỹ vị miền trung du

Mỹ vị miền trung du

Không chỉ là một loại thực phẩm có bề dày lịch sử, mà ở xứ Quảng còn có một loại phở khác biệt được gọi là phở sắn khô với cách làm, nguyên liệu, hương vị hết sức độc đáo mà chẳng nơi nào có được.