Chuyện xoá nhà tạm ở vùng cao - bài 2: Những căn nhà tổng lực ở 'vùng mây'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù đường dốc cheo leo, ngút ngàn mây núi nhưng nhờ huy động đủ các thành phần một cách sáng tạo nên việc xây dựng nhà ở xã vùng khó nhất vẫn “chạy” trơn tru.

Cách xóa nhà tạm ở bản Giàng, xã Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai có lẽ là thực tiễn sinh động nhất trong việc xóa nhà tạm một cách hiệu quả trong điều kiện khó khăn…

Đường mây đến Bản Giàng

Pa Cheo là xã đặc thù, khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai, với 5 thôn bản trên một trục đường, 3.341 nhân khẩu và 100% là người dân tộc Mông. Pa Cheo theo lý giải của người địa phương có nghĩa là bãi chuối.

Thôn ở sâu nhất, xa nhất, khó khăn nhất của xã Pa Cheo là Bản Giàng. Bản Giàng được dịch nghĩa là “vùng mây”. Bản có 58 hộ, 275 nhân khẩu và có tới 34 hộ nghèo. Năm 2007, 2008 người dân ở thôn Tả Pa Cheo di chuyển vào Bản Giàng để làm ruộng. Đến năm 2012, Bản Giàng hình thành với 34 hộ khởi đầu từ 34 cái lán canh ruộng. Từ trung tâm xã Pa Cheo và thôn Bản Giàng mất chừng 1 giờ đi xe máy.

Tôi được anh Phùng, cán bộ xã Pa Cheo giới thiệu sơ lược như thế trước khi rời trung tâm xã Pa Cheo bắt đầu hành trình đến Bản Giàng. Mùa đông ở đây dường như chẳng chịu rút lui, kéo dài lê thê. Phùng dúi vào tay tôi một bộ áo mưa và một chiếc mũ bảo hiểm, bảo: Vào Bản Giàng có đoạn mưa, có đoạn sương mù, có lúc nắng chói, cứ mặc vào phòng thân.

Chiếc xe honda cũ kỹ của Phùng lặc lè vượt từng khúc cua tay áo, dốc dựng ngược qua thôn Tả Pa Cheo, Séo Pa Cheo… Nhiều đoạn đường bê tông lên Bản Giàng bị bóc hết sau bão Số 3 năm ngoái, giờ được thay bằng lớp đá lổn nhổn, sắc lẹm. Dọc đường vào vẫn còn đó những điểm sạt lở mới được dọn dẹp. Xe chúng tôi cứ gằn từng hồi khi lên dốc. Băng qua được màn sương dày, ánh nắng bất ngờ bừng lên, hé lộ biển mây trắng bồng bềnh bên dưới. Những mái nhà đỏ, xanh lẩn khuất trên sườn núi, dưới những tán đào, lê xanh mướt.

Một thời nơi đây là “ốc đảo” - không điện, không sóng điện thoại, không một con đường đàng hoàng để nối với bên ngoài. Đường vào bản khi đó là đường xe kéo gỗ chỉ có ngựa thồ đi được. Để dựng được một căn nhà, bà con phải mất hàng tuần gùi từng tấm gỗ, từng viên đá qua rừng già.

Đến năm 2023, hàng trăm hộ dân ở Pa Cheo đồng ý hiến đất, nhà nước hỗ trợ xi măng, cát, sỏi, lực lượng thanh niên cùng với nhân dân đổ đường bê tông vào bản. Có đường thuận lợi, ngành điện Lào Cai cũng xốc tới, cáp điện ngầm được đặt cạnh đường bê tông. Và ngày 31/12/2023, điện được đóng cho bà con Bản Giàng sử dụng.

Căn nhà mới của vợ chồng anh Lý A Phải và vợ Sùng Thị Á.
Căn nhà mới của vợ chồng anh Lý A Phải và vợ Sùng Thị Á.

Sóng điện thoại giờ cũng đã đủ để gọi video cho người thân đang đi làm ăn xa. Và trong hai năm qua, những mái ấm của người dân Bản Giàng đã từng bước được kiên cố hóa. Ở đầu bản, một điểm trường mới hai tầng kiên cố đang dần hình thành thay cho lớp học cũ chật hẹp.

Cạnh điểm trường là nhà anh Lý A Phải (SN 1989), vợ là Sùng Thị Á. Ngôi nhà này hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2025. Nhà anh Phải xây theo nếp nhà của người Mông vùng cao. Khung nhà được kiên cố hóa bằng gạch, nền nhà láng xi măng sạch sẽ. Nhà cũ của vợ chồng anh cách đấy khoảng 1km dựng bằng gỗ từ năm 2012, mùa đông thì lạnh, mùa mưa thì bị dột. Khi cơn bão số 3 đổ bộ thì nhà bị sạt, vợ chồng, con cái phải ở nhờ điểm trường ở Bản Giàng.

“Mình làm nhà mới hết 160 triệu đồng. Nhà được hỗ trợ 100 triệu đồng, còn thiếu thì mình vay ngân hàng. Nợ thì cũng lo đấy nhưng giờ thì mình vui nhiều hơn, yên tâm làm ăn rồi”, anh Phải nói.

Đi qua điểm trường Bản Giàng đến nhà văn hóa thôn. Nhà văn hoá được xây bằng gạch, lợp mái tôn khang trang, đám trẻ nhỏ đang nô đùa ríu rít. Phía sau là nhà anh Hầu A Dũng (SN 1982) vừa được sửa lại. Móng và một phần tường được xây bằng gạch đỏ, nền nhà được láng xi măng láng mịn. Gỗ cũ đã được bào vỏ, ghép lại, trông sáng sủa hơn. Anh Dũng cho biết, tiền sửa nhà hết 32 triệu đồng nhưng nhà nước đã hỗ trợ 30 triệu đồng rồi”.

Cách mua vật liệu “độc lạ” của cán bộ xã

Tôi thắc mắc, đường vào Bản Giàng khó khăn thế thì chở vật liệu thế nào, chi phí đắt đỏ ra sao khi có nhiều thời điểm vật liệu khan hiếm? Mọi người ở đây đều cười bảo: Chính quyền xã lo hết, dân chỉ lo bốc xếp và xây dựng.

Đem chuyện này hỏi Bí thư Đảng ủy xã Pa Cheo Đỗ Đức Chiến, ông Chiến vui vẻ nói: “Trong khi các xã trong vùng lo gạch, cát, xi măng thì chúng tôi không lo. Cách của chúng tôi là tìm các đơn vị xây dựng đường, trường… trên địa bàn để nhờ hỗ trợ. Cách nhờ họ hỗ trợ bằng cách là xin mua “ké” cho bà con. Ví dụ, doanh nghiệp mua từ nhà máy khoảng 10 nghìn gạch cho công trình thì chúng tôi đăng ký để họ mua thêm 5 nghìn nữa để cho bà con xây dựng nhà”. Ông Chiến cho biết, với đặc thù vùng cao, cát, xi măng, gạch có lúc được tăng bo bằng xe máy. Lúc đó, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ sẽ được huy động.

Bản Giàng đã có nhiều mái nhà kiên cố, có đường điện…
Bản Giàng đã có nhiều mái nhà kiên cố, có đường điện…
Điểm trường tại Bản Giàng đang được xây kiên cố 2 tầng.
Điểm trường tại Bản Giàng đang được xây kiên cố 2 tầng.

Có lúc cả huyện Bát Xát không có gạch để xây dựng vì nhà máy trên địa bàn không nhận đặt và giá cả leo thang từng ngày. “Lúc đó, tôi theo chân các chủ công trình xuống tận Phú Thọ tìm nguồn mua gạch. Vì thế, nguồn gạch để bà con xây dựng nhà luôn đầy đủ. Tương tự, với xi măng, chúng tôi cũng về tận Yên Bái để đặt mua cùng. Xe của nhà máy chở lên tận nơi, chúng tôi không mất cước, bà con cũng không phải mua lại qua các đại lý… rẻ hơn rất nhiều”, ông Chiến nói. Đối với tôn lợp mái, xã sẽ đo diện tích lợp cho khoảng 10 nhà một lần và đặt đơn vị cung ứng cắt luôn.

Năm 2025, Pa Cheo đăng ký xóa 70 nhà tạm, nhà dột nát. Dù là địa bàn khó khăn nhưng Pa Cheo đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước hạn.

Theo ông Chiến, ngoài khoản hỗ trợ theo quy định của tỉnh (60 triệu đồng để xây nhà mới, sửa nhà 30 triệu đồng), xã Pa Cheo còn xin được 2 tấn xi măng cho mỗi hộ. “Chúng tôi xin hỗ trợ từ bạn bè, doanh nghiệp. Có người hỗ trợ một vài tấn, có người hỗ trợ 50 tấn. Như thế, những người sửa nhà hầu như không mất tiền mua xi măng”, ông Chiến chia sẻ. Xã Pa Cheo còn hỗ trợ khoảng 30 hộ có mái tôn để lợp mái, trung bình một mái nhà mới khoảng 20 triệu đồng”.

Trong các bản ở Pa Cheo các tổ đội xây dựng được thành lập. Tổ này sẽ xây dựng, sửa chữa từng nhà, cứ làm xong nhà này sẽ sang nhà kia. Một mặt để người dân, anh em dòng họ có thể hỗ trợ nhau, mặt khác tổ này cũng được trả công nhưng không nhiều. Người dân vì thế cũng không tốn kém tiền thuê các đoàn thợ nơi khác đến nên rất tiết kiệm.

(Còn nữa)

Theo Đức Anh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.