“Mũ nồi xanh" viết tiếp câu chuyện hòa bình - Bài 1: Tự hào kiêu hãnh, đoàn quân Việt Nam đi…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

LTS: Trong dòng chảy hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, hòa bình luôn là khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân Việt Nam.

Với một dân tộc đã trải qua nhiều đau thương của chiến tranh và luôn khát khao hòa bình như Việt Nam, việc gia nhập Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh cao cả, thể hiện trách nhiệm, tinh thần đoàn kết và sẵn sàng vì cộng đồng quốc tế.

Hơn 10 năm trước, trong một chuyến công tác phía Nam, anh Năm Vịnh (tên thân mật của cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh) nhắn tôi qua ăn cơm. Trong bữa cơm đầm ấm, anh Năm chia sẻ về những nhiệm vụ mới của quân đội, hội nhập quốc phòng và trao đổi về tính khả thi nếu Bệnh viện Quân y 175 đảm nhận trách nhiệm về tổ chức huấn luyện Bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC) tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc.

1munoixanh.jpg
Các chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 chào quê hương, gia đình, bạn bè lên đường làm nhiệm vụ ở Nam Sudan

Tôi thật sự bất ngờ và bối rối, nhưng “quyết định mạo hiểm” xin nhận nhiệm vụ; bởi đây là nhiệm vụ rất lớn và nặng nề, chưa từng có tiền lệ ở nước ta…

***

Năm ấy (năm 2014), đoàn cán bộ cao cấp Bộ Quốc phòng đến trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ) đàm phán và tìm hiểu thực địa tại Nam Sudan. Ngay chuyến đi đầu tiên, tôi hiểu rằng việc tồn tại được ở mảnh đất này là cực kỳ gian khó và nguy hiểm. Khí hậu, thời tiết khắc nghiệt vô cùng, điều kiện ăn ở khó khăn và thiếu thốn. Trong khi đó, nơi ở của y, bác sĩ chỉ là lều bạt và những thùng container. Bắt đầu là gì và như thế nào hoàn toàn mơ hồ, mông lung nhưng rất háo hức; và hành trang mang theo của chúng tôi chỉ là sự quyết tâm bảo vệ, gìn giữ hòa bình cho nhân loại.

Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, với biết bao bộn bề suy tư, nhiều đêm gần như thức trắng, thương đồng chí, đồng nghiệp và quyết tâm tìm cách để đảm bảo công tác huấn luyện thuận lợi nhất. Nơi chúng tôi đến là Nam Sudan - một quốc gia Đông Phi với khoảng 13 triệu dân. Họ sống trong đói nghèo, bệnh tật và đối mặt với xung đột sắc tộc, nội chiến kéo dài. Sự khác biệt về thời tiết, địa hình, địa lý, ngôn ngữ, phong tục khiến lực lượng của ta khó thích nghi.

Suốt 4 năm, để đáp ứng tiêu chuẩn một BVDC của Liên hợp quốc, Bệnh viện Quân y 175 cùng Cục GGHB Việt Nam (khi đó là Trung tâm GGHB Việt Nam), dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đã xây dựng biên chế, chương trình huấn luyện, kế hoạch huấn luyện tổng thể sẵn sàng mọi lực lượng để lên đường. Việc lựa chọn cán bộ chỉ huy đầu tiên cho BVDC 2.1 cũng khó khăn, phải thay đổi nhiều ứng cử viên, thậm chí cả giám đốc BVDC. Nhiều cuộc tranh luận với đối tác nước ngoài chỉ để giữ vững quan điểm bảo vệ cán bộ của mình, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các bạn lên đường, yên tâm công tác ở phái bộ và thỏa mãn khát vọng, nguyện vọng khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, tạo tinh thần tích cực cho lứa kế tiếp.

***

Đêm 1-10-2018 là thời khắc xúc động trào dâng, dấu mốc lịch sử không chỉ với Bệnh viện Quân y 175 mà còn đối với quân đội ta và Tổ quốc ta, khi tiếng gầm rú của “con ngựa thồ” C-17 (siêu máy bay hạng nặng của Không quân Mỹ) rời đường băng Tân Sơn Nhất, xé toang màn đêm đưa 63 cán bộ, bác sĩ, nhân viên của BVDC 2.1 tới Nam Sudan.

2munoixanh.jpg
Các chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 lên đường làm nhiệm vụ ở Nam Sudan

Vô vàn khó khăn được tháo gỡ dần bằng tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cùng các cơ quan Bộ Quốc phòng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của anh Năm Vịnh, Ban chỉ đạo, Tổ công tác, Cục GGHB. Trong quá trình triển khai BVDC 2.1, chúng tôi xin ý kiến của anh Năm Vịnh “vượt rào” phái bộ, triển khai hàng loạt hoạt động dân vận, trở thành “đặc sản” của bộ đội Việt Nam, được bạn bè quốc tế trân trọng, mến phục.

Tôi còn nhớ, hơn 70 năm trước, Bác Hồ từng ước mơ Việt Nam sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ GGHB để thể hiện uy tín và vị thế đất nước trên trường quốc tế. Giờ đây, chúng ta tự hào để nói rằng chúng ta đã làm được, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và thực hiện thành công niềm mong ước của Người. Bên cạnh những hoạt động dân vận, sức khỏe, giáo dục, văn hóa, thể thao, ẩm thực…, một khái niệm thú vị được xây dựng từ BVDC 2.1 là “ngoại giao rau xanh”.

Sức mạnh Việt Nam còn nằm ở tình yêu thương đồng chí, đồng đội! Tinh thần và trách nhiệm ấy thể hiện rất rõ khi chúng ta đối mặt với tình huống Thiếu tá Bùi Thị Xoa (BVDC 2.3) bị đột quỵ não. Đó là tình huống đặc biệt khó khăn trong bối cảnh y tế của Nam Sudan, phải di chuyển qua 3 quốc gia trong điều kiện khắc nghiệt của dịch Covid-19. Từ sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175, trình độ năng lực chuyên môn của BVDC 2.3 và sự kết hợp ngoại giao với Tổ chức Y tế thế giới, Thiếu tá Bùi Thị Xoa đã mạnh khỏe, trở về một cách kỳ diệu!

Thời điểm tôi đi tiền trạm, ở miền đất xa lạ bụi bay mù mịt ấy, vẫn le lói màu xanh của những dây rau muống dại. Không chỉ trồng rau trong BVDC của mình, anh em còn hướng dẫn cho các BVDC khác và người dân sở tại. Không ngờ, vườn rau xanh của Việt Nam tạo ấn tượng sâu sắc với Phái bộ GGHB Liên hợp quốc. Rất nhiều lần, BVDC của Việt Nam được phái bộ lựa chọn để tiếp khách. Bởi không chỉ riêng người Việt, người gốc Á mà cả phương Tây cũng rất thích rau xanh Việt Nam.

Từ luống đất đầy cằn khô, những giàn mướp, bí, bầu, hoa mười giờ, thược dược nở rộ. Nhiều nhà ngoại giao nói với tôi rằng họ từng xem những thước phim về sự chiến đấu của bộ đội Việt Nam, nhưng khi tận mắt thấy nhân viên BVDC trồng rau, đàn hát, giao tiếp, họ nhận ra không phải binh lính nào trên thế giới cũng làm được mọi thứ như thế. Đó chỉ có thể là “Bộ đội Cụ Hồ”, và đây cũng chính là sức mạnh của Việt Nam.

***

45 năm quân ngũ, 10 năm gắn bó đồng hành với BVDC, biết bao kỷ niệm vui buồn, vất vả gian nan, hạnh phúc thiêng liêng và cũng vô cùng giản dị. Năm 2019, tôi quay trở lại Nam Sudan. Lần ấy, BVDC 2.1 của Việt Nam được Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan trao Huy chương GGHB. Khi bài hát Tiến quân ca được đoàn quân nhạc nước ngoài cử hành, hàng trăm binh sĩ của phái bộ với đủ màu da, màu tóc, màu mắt nghiêm trang chào lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên bầu trời trong xanh đầy nắng.

Các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam ngẩng đầu kiêu hãnh trong khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng không cầm được nước mắt. Cũng trong chuyến đi ấy, ai cũng rưng rưng xúc động, tự hào khi người dân Nam Sudan chào đón những người bạn Việt Nam bằng tiếng Việt với những từ thân thương như: “Việt Nam”, “Điện Biên Phủ”, “Hồ Chí Minh”… Đó là niềm tự hào, kiêu hãnh sau những năm tháng miệt mài chuẩn bị vì nhiệm vụ GGHB.

Biết bao thế hệ đoàn quân Việt Nam đã mang lá quân kỳ quyết thắng của Bác Hồ trao đi giải phóng, giành lại hòa bình, độc lập tự do cho Tổ quốc, và giờ đây lá quân kỳ quyết thắng tiếp tục góp phần mang hòa bình cho các bạn bè quốc tế.

Tại sao lại là Nam Sudan?

Trong cuốn sách thuộc thể loại hồi ức Hành trình vì hòa bình của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tác giả chia sẻ: Năm 2014, chúng ta đã triển khai nhiều đợt nghiên cứu để tìm hiểu cặn kẽ các phái bộ của Liên hợp quốc. Các phương án như Nam Sudan hay Cộng hòa Trung Phi ban đầu chưa được lựa chọn, mà Haiti mới chính là quốc gia chúng ta tự tin sẽ thành công nếu triển khai tại đây. Quốc đảo này không phải địa bàn xa lạ với Quân đội nhân dân Việt Nam, khi trước đó Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) đã hoạt động tại đây.

Ngoài ra, Haiti nằm cách không quá xa Cuba, vốn là quốc gia anh em với Việt Nam. Một khi xảy ra những biến động bất ngờ, Cuba sẽ là hậu cứ vững chắc cho lực lượng của Việt Nam. Dù Haiti hội tụ đầy đủ các yếu tố cho Việt Nam, nhưng khi đề đạt phương án này, Liên hợp quốc lại cho biết họ sắp đóng cửa phái bộ tại đây. Liên hợp quốc đã đưa ra những phương án khác mà họ mong muốn Việt Nam xem xét. Trong đó có Mali, Cao nguyên Golan, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.

Giữa những phương án trên, chỉ có Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan đáp ứng được về tiêu chí đảm bảo an toàn cao cho lực lượng của ta và Liên hợp quốc cũng đang rất cần sự trợ giúp từ phía các quốc gia thành viên. Sau khi cân nhắc và đệ trình các phương án lên Quân ủy Trung ương, chúng tôi được chấp thuận điều động sĩ quan tới hai phái bộ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Thiếu tướng, PGS-TS-BS NGUYỄN HỒNG SƠN
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng)

(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.