Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

Đây là chuyến đi tiền trạm để lên kế hoạch thành lập lực lượng của quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã viết những dòng như thế khi mở đầu cuốn sách “Hành trình về hòa bình”. Đó như là chuyện kể của người trong cuộc về hành trình gian nan vượt qua những rào cản tư duy, những khó khăn trong quá trình xây dựng và triển khai lực lượng; là tâm tư, khát vọng của một vị tướng về hòa bình và sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.

“Nên đi” và “không đi không được”

Không phải đến giai đoạn này Việt Nam mới tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ), mà ngay từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, ta đã có nhiều hoạt động đáng chú ý. “Năm 1993 Việt Nam quyết định đóng góp tài chính cho quỹ hoạt động GGHB LHQ, cử người tham gia quan sát viên bầu cử tại Algeria vào năm 1997; cử cán bộ quan sát bầu cử ở Campuchia vào năm 1998 và cho phép binh lính Pháp thuộc cơ quan chuyển tiếp của LHQ tại Campuchia quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất và đi đường bộ từ TP Hồ Chí Minh sang Campuchia. Tuy nhiên theo quan điểm của LHQ, một quốc gia chỉ tới khi cử nhân sự trực tiếp tham gia một sứ mệnh/ hoạt động GGHB trên thực địa, khi đó mới được coi là tham gia hoạt động GGHB LHQ”, tướng Vịnh viết trong cuốn sách.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại New York năm 2019.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại New York năm 2019.

Trước khi nghỉ công tác, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã ấp ủ viết cuốn sách về GGHB. Bản thảo cuốn sách cơ bản đã hoàn thành vào tháng 6/2023. Rất tiếc, ông đã ra đi mãi mãi khi chưa kịp nhìn thấy đứa con tinh thần của mình đến được tay bạn đọc. Thể theo di nguyện của Thượng tướng, đội ngũ chuyên gia, cố vấn cùng gia đình và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã chỉnh lý và xuất bản cuốn sách vào những ngày đầu năm 2025.

Việc nghiên cứu đề án thành lập lực lượng GGHB là một trong những nhiệm vụ mà Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh giao cho Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khi ông Vịnh bắt đầu đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng vào năm 2009. Tướng Vịnh khẳng định: “Hội nhập là yêu cầu tất yếu khách quan để phát triển, điều này rất rõ ràng. Nhưng muốn hội nhập, chúng ta phải mở cửa, phải đổi mới. Để làm như vậy chúng ta phải có được lòng tin. Đó là lòng tin của cộng đồng quốc tế, rằng Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, thực hiện chính sách vì hòa bình, vậy rõ ràng tham gia hoạt động GGHB LHQ là cách rõ ràng nhận định minh chứng điều đó”.

Tuy đã xác định được nhiệm vụ tham gia GGHB LHQ, nhưng trong cuốn sách, tướng Vịnh chỉ rõ rằng hành trình chuẩn bị mọi mặt để triển khai một lĩnh vực hoạt động hoàn toàn mới không hề đơn giản. Bởi đã có những tâm lý e ngại do chúng ta quá thiếu thông tin về bản chất thực sự và những mặt tích cực mà việc tham gia hoạt động này đem lại. Do đó chỉ có cách duy nhất là đi tận nơi xem thực chất GGHB LHQ như thế nào, chúng ta sẽ tham gia như thế nào. Năm 2011, một đoàn công tác liên ngành đã đi khảo sát các phái bộ châu Phi, trước mắt là Nam Sudan, sau đó về thống nhất ý kiến, báo cáo Bộ Chính trị.

Trong chuyến đi này, Thượng tướng Vịnh là Trưởng đoàn. Thành viên đoàn gồm Trung tướng Tô Lâm, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam); Thiếu tướng Phan Văn Giang, Phó tổng Tham mưu trưởng (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng); ông Lê Hoài Trung, Đại sứ Việt Nam tại LHQ (nay là Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng); Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương. Ngày 23/6/2013, đoàn công tác đã có mặt ở Cộng hòa Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới và đang trong nội chiến, vô cùng nghèo đói, khó khăn.

Đoàn đã gặp lãnh đạo cấp cao Nam Sudan, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, thăm lãnh đạo và chỉ huy Phái bộ GGHB, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Campuchia, Đội Công binh Nhật Bản đang làm nhiệm vụ tại đây. Chuyến công tác đã giải tỏa nhiều băn khoăn, lo lắng để đi đến sự đồng thuận chung về nhận thức và tư tưởng rằng Việt Nam nhất định sẽ thực hiện có hiệu quả sứ mệnh GGHB LHQ. “Kết thúc chuyến đi khảo sát tới châu Phi, đoàn công tác liên ngành trình lên Bộ Chính trị một bản báo cáo chung rất dài, nhưng có thể tóm tắt trong mấy chữ: “Nên đi và không đi không được”. Điều này có nghĩa rằng đã đến thời điểm chín muồi để Việt Nam phải có quyết sách dứt khoát, không chỉ khẳng định chủ trương mà phải bắt đầu hành động để chính thức cử quân nhân đi tham gia hoạt động GGHB LHQ”, tướng Vịnh viết trong hồi ký.

Vậy chúng ta sẽ tham gia ở khía cạnh nào? Đó là hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột, vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của LHQ. Chúng ta cũng chỉ triển khai ở quốc gia, khu vực đã được LHQ thành lập phái bộ và tại các cơ quan của LHQ, chỉ nhận nhiệm vụ tại khu vực đã có thỏa thuận hòa bình, hoạt động vì mục đích nhân đạo, tái thiết; không tham gia nhiệm vụ cưỡng chế. Sĩ quan Việt Nam chỉ sử dụng vũ lực khi không còn biện pháp nào khác và để tự vệ chính đáng. Mọi quyết định phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, tự chủ, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Lĩnh vực mà chúng ta tham gia gồm quân y, công binh, tái thiết hạ tầng, rà phá bom mìn, hậu cần; sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, giám sát bầu cử, vận tải, cứu thương. Bước đầu Việt Nam sẽ cử lực lượng tham gia trực tiếp với hình thức cá nhân; tiến tới quy mô đơn vị phù hợp, đảm bảo độc lập chỉ huy tác chiến theo chuyên môn cụ thể.

Tướng Nguyễn Chí Vịnh kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến 2.1 tại Sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 9/2018.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến 2.1 tại Sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 9/2018.

Bắt đầu từ “những con số 0”

Triển khai lực lượng đi GGHB LHQ là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, dường như từ “những con số 0": không tổ chức biên chế, không nhân sự, không đầu mối quản lý, không trụ sở công tác, không cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật.

Sau nhiều ngày trăn trở "lực lượng GGHB sẽ nằm ở đâu trong biên chế, tổ chức của quân đội", tướng Vịnh nhận thấy cần huy động từ nhiều cơ quan, đơn vị. Cấp trên trực tiếp của đơn vị này phải có thẩm quyền điều động quân số, trang bị trong toàn quân và nhận sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Như vậy, phù hợp nhất là Bộ Tổng Tham mưu quản lý đơn vị này.

Cuối năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng ký quyết định thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Năm cán bộ thuộc một số đơn vị trong toàn quân đã được điều động về Cục Đối ngoại để hình thành "khung". Ngày 22/11/2017, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được tổ chức lại thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, đánh dấu một bước trưởng thành mới về tổ chức lực lượng "mũ nồi xanh" Việt Nam.

Trong những bước đi đầu tiên, tướng Vịnh và các cộng sự phải đối mặt với "con số 0" về tài chính. Khi đó, nguồn lực kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, kinh phí mua sắm trang thiết bị rất hạn chế. Ông không quên lời dặn của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó: "Anh Vịnh ạ, anh làm được gì thì cứ làm, nhớ là Bộ không có nhiều kinh phí cho các anh đâu đấy". Do đó, phải tranh thủ sự ủng hộ từ các nước đối tác và các tổ chức quốc tế, nhất là những nước từng kêu gọi, khuyến khích Việt Nam tham gia GGHB.

Đối tác đầu tiên Việt Nam tìm đến chính là Mỹ. Việt Nam đã được Mỹ hỗ trợ kinh phí xây dựng tòa nhà giảng đường huấn luyện và hội trường cho Trung tâm GGHB. Ngoài ra, Australia, Pháp, Canada và Anh cũng hỗ trợ Việt Nam về nhiều mặt. Ban đầu, công tác tuyển chọn sĩ quan đi GGHB LHQ không hề dễ dàng. Tướng Vịnh phân tích: “Tìm đâu ra những sĩ quan có đủ 6 tiêu chí: vừa có kiến thức đạt chuẩn của LHQ, trình độ tiếng Anh đủ để làm việc; có kiến thức và kinh nghiệm về đối ngoại quốc phòng, lại vừa có khả năng hoạt động độc lập, có phẩm chất chính trị tin cậy và có sức khỏe tốt, tuổi đời không quá 55”.

Mặc dù chuyên môn của các sĩ quan Việt Nam đáp ứng được yêu cầu, nhưng ngoại ngữ vẫn là thách thức lớn. Để giải quyết khó khăn, tướng Vịnh giao cán bộ tìm trong toàn quân những người có kiến thức đáp ứng nhiệm vụ hoặc từng ra nước ngoài học về GGHB. Phương án tìm kiếm, phát hiện nguồn cả trong và ngoài quân đội rồi tiến hành đào tạo lại từ đầu, tổ chức tập huấn tại nước ngoài cũng được triển khai.

Tại sao ta chọn phái bộ Nam Sudan và Trung Phi trong số 13 phái bộ của LHQ để thực hiện nhiệm vụ? Tướng Vịnh lí giải: “LHQ đã đưa ra những phương án mà họ mong muốn Việt Nam xem xét. Trong đó có Mali, Cao nguyên Golan, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Giữa những phương án trên, chỉ có Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan đáp ứng được về tiêu chí đảm bảo an toàn cao cho lực lượng của ta và LHQ cũng đang rất cần sự trợ giúp từ các quốc gia thành viên”. Và Việt Nam đã cử quân tới hai đất nước này. Đây là hai quốc gia từng xảy ra nội chiến kéo dài, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản còn rất hạn chế, tình hình an ninh trật tự nhiều bất ổn.

Trải qua quá trình dò đường và chuẩn bị kỹ lưỡng, sự nỗ lực nhằm hóa giải “những con số 0”, đến năm 2014, những sĩ quan Việt Nam đầu tiên đã lên đường nhập vào đội quân “mũ nồi xanh” và ngày càng lớn mạnh.

Theo Huyền Châm (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Người gieo ánh sáng yêu thương

Người gieo ánh sáng yêu thương

Bị khiếm thị từ nhỏ, song Lã Minh Trường, sinh năm 2001, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật TP Hà Nội, đã vươn lên trong học tập, thi đấu thể thao và tích cực hoạt động công tác xã hội trong 5 năm qua.

Sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, anh Nguyễn Thành Nhân (tổ 9, thị trấn Kbang) được hỗ trợ vay 100 triệu đồng phục vụ sản xuất. Ảnh: H.T

Quan tâm hỗ trợ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng - Kỳ 2: Tạo điều kiện vay vốn sản xuất

(GLO)- Thực hiện chính sách hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, thời gian qua, lực lượng Công an cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tại Gia Lai đã tích cực rà soát, tạo điều kiện hỗ trợ họ được vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống.

Khát vọng bừng sáng đại ngàn

Khát vọng bừng sáng đại ngàn

Khát vọng khởi nghiệp và cao hơn là đổi thay đời sống dân bản vùng biên còn nghèo khó, Ríah Dung (32 tuổi, Bí thư Đoàn xã GaRy, huyện Tây Giang, Quảng Nam) trở thành người tiên phong ở vùng biên phía tây xứ Quảng.

Lửa và Chiêng

Lửa và Chiêng

Đêm ấy, trong buôn làng người Mạ, nằm giữa sàn nứa trong ngôi nhà dài của vợ chồng người già K’Noi - Ka Lý, tôi hiu hiu giấc trong âm hưởng đại ngàn. Bên ngoài vách nứa là tiếng gió vờn qua những trảng cỏ tranh, là tiếng thú đi hoang khắc khoải gọi bầy. Giữa khuya, tôi bất chợt tỉnh giấc.

Người Ba Na và ước mơ sung túc

Người Ba Na và ước mơ sung túc

Dưới tiết trời se lạnh, gió đẩy từng hơi rừng mát lạnh, người dân làng Kon Ktonh tập trung lại dưới mái nhà Rông để mừng Tết ăn thịt dúi. Lâu lắm rồi, bà con mới có dịp tụ họp đông đủ, chúc nhau sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống may mắn, hạnh phúc.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi (thứ 2 từ phải sang)-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Điệp 1 (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) trao đổi với người dân về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.M

Những đảng viên “miệng nói, tay làm”

(GLO)- Dù đảm nhận vị trí công việc khác nhau song điểm chung ở những đảng viên tiêu biểu chính là sự tận tụy, hết lòng với công việc được giao. “Miệng nói, tay làm”, họ trực tiếp vun bồi niềm tin của người dân với Đảng, chung sức xây dựng địa phương ngày một phát triển.

Thác ghềnh muôn nỗi sơn khê

Thác ghềnh muôn nỗi sơn khê

Từ bé tôi đã thuộc lòng câu ru của mẹ rằng: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non/ Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Nghe chả hiểu gì nhưng tôi vẫn chìm trong giấc ngủ với những giọt nước mắt ngày ấy.

Tết về trên đảo Đá Tây A

Tết về trên đảo Đá Tây A

Với đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, đặc trưng như trên đất liền, cộng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi đã làm nên một cái Tết đầm ấm, sum vầy, ấm áp tình quân dân trên đảo Đá Tây A.

Xuân thêm vẹn tròn

Xuân thêm vẹn tròn

Khi sắc xuân sắp chạm ngõ mọi hiên nhà, bước chân mưu sinh của những người lao động dường như càng thêm hối hả, vội vã trên khắp phố phường. Bởi để đón mùa Tết đầm ấm hơn, họ phải vun vén, dành dụm trong ngoài để có thể đong đầy lu gạo, chắt tràn lọ mắm, thêm củ dưa hành…