Người kể khan dưới chân đèo Tô Na

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đi qua 75 mùa rẫy, với ông Nay Ka (buôn Phu Ma Nher 2, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài khan luôn thân thuộc như hơi thở cuộc sống.

Bao năm qua, nơi vùng đất dưới chân đèo Tô Na, nghệ nhân già này vẫn đắm mình vào những huyền thoại như một cách trao truyền vốn liếng cha ông để lại cho thế hệ sau.

Ký ức về những đêm khan

Trong ký ức của nghệ nhân Nay Ka, lúc còn là một đứa trẻ, mỗi khi mặt trời xuống núi, người làng lại quây quần bên bếp lửa hồng trong ngôi nhà dài, tách bắp, đậu, uống rượu ghè và nghe người già kể khan. Cha ông là người kể khan có tiếng trong vùng. Hàng đêm, sau khi kể cho người làng, lúc trở về nhà, cha lại kể tiếp cho ông nghe.

Cứ như vậy, khan thấm dần trong trí nhớ của ông lúc nào không hay. Khi lưng cõng được một bao lúa cũng là lúc ông Ka thuộc nằm lòng những bài khan cha từng kể. Giờ đây, tuy những đêm khan bên ánh lửa bập bùng và ché rượu cần không còn nhưng những bài khan vẫn in đậm trong tâm trí của ông.

Nhấp ngụm nước trà cho ấm giọng, hướng ánh mắt nhìn về xa xăm, ông Ka kể cho chúng tôi nghe tóm tắt bài khan về chàng Sing Chi Ngă. Dẫu thi thoảng phải dừng lại để lấy hơi vì sức khỏe không còn dẻo dai như trước nhưng ông vẫn nhớ từng chi tiết như đang nhìn vào một trang sách trước mặt.

Nghe nhịp kể lúc trầm lúc bổng, lúc nỉ non, khi oai hùng của ông, có thể lý giải vì sao kể khan lại lôi cuốn người nghe như vậy.

11.jpg
Nghệ nhân Nay Ka kể khan cho con cháu nghe. Ảnh: V.C

Chuyện kể rằng: Sing Chi Ngă có cha tên Shirikôk, mẹ tên H’Bia R’yôt. Cha Sing Chi Ngă có 7 người anh em kết nghĩa.

Khi Sing Chi Ngă tròn 5 tuổi, cha làm lễ cúng thổi lỗ tai cầu bình an cho anh và mời 7 người anh em kết nghĩa đến dự. Nhưng 7 người này từ chối với lý do phải đi lên núi đào củ mài ăn cho đỡ đói. Ông Shirikôk hứa sẽ chia một bồ gạo cho 7 người anh em nhưng họ vẫn không đến. Tuy vậy, lễ cúng vẫn diễn ra tưng bừng.

Shirikôk cho người mổ bò, mổ heo, đánh cồng chiêng suốt 7 ngày đêm để ăn mừng. 7 người anh em thấy vậy thì vô cùng tức giận, kéo đến buổi lễ giết chết Shirikôk và bắt vợ ông về làm nô lệ. Riêng Sing Chi Ngă chạy trốn được.

Khi Sing Chi Ngă 20 tuổi, biết được sự thật, anh quyết tâm trả thù. Sing Chi Ngă tìm đến rẫy của 7 người anh em kết nghĩa của cha, tận mắt chứng kiến cảnh mẹ mình chỉ có 2 mảnh vải che thân, phải chăn bò, nuôi heo, giặt quần áo hầu hạ người khác.

Anh vô cùng tức giận liền vung kiếm đánh nhau với 7 người. Trước sức mạnh của Sing Chi Ngă, 7 người đều bị chặt đầu. Sing Chi Ngă đón mẹ về và cúng cho mẹ 1 con trâu tạ ơn giống như trước đây cha mẹ từng cúng cho anh vậy.

“Đây là câu chuyện cảm động ca ngợi chàng trai Sing Chi Ngă tài giỏi, hiếu thảo, đã trả thù cho cha mẹ, tựa như người dân Việt Nam ta dũng cảm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc”-ông Ka chia sẻ về ý nghĩa câu chuyện.

nghe-nhan-nay-ka-bia-trai-ke-khan-cho-con-chau-cung-nghe-anh-vu-chi.jpg
Nghệ nhân Nay Ka (bìa trái) kể khan cho con, cháu cùng nghe. Ảnh: V.C

Cũng theo ông Ka, bên cạnh bài khan ca ngợi, tôn vinh người có công với buôn làng, đề cao sự sáng tạo, mưu trí, tài giỏi, còn có những bài vui tươi, hài hước, miêu tả cuộc sống sinh hoạt, lao động bình thường giản dị của dân làng, thể hiện mơ ước của con người về một thế giới tốt đẹp hơn.

Rồi ông Ka tiếp nối bài khan về câu chuyện Chàng ngốc. Chuyện kể về 2 anh em mồ côi, người anh thông minh nhưng lười làm, còn người em ngốc nghếch nhưng lại chịu khó, siêng năng.

Một hôm, người anh dặn người em lên rừng chọn những cây tre cứng nhất, già nhất về làm đồ dùng trong gia đình. Người em nghe lời anh lên rừng chặt tre nhưng chặt không biết bao nhiêu cây mà không tìm được cây tre nào cứng như lời anh nói. Người em bực dọc, ném con dao xuống đất. Dao va vào tảng đá vang lên âm thanh lớn.

Thấy tảng đá cứng giống như lời anh nói, người em liền lấy dao ngồi chặt nhưng chặt mãi, chặt mãi đến mẻ hết cả lưỡi dao mà hòn đá vẫn không hề hấn gì. Buồn bã, người em về kể lại cho anh nghe. Anh đành dẫn em cùng nhau trở lại rừng, phân tích để em hiểu và chọn những cây tre già mang về…

Ngồi bên cạnh, anh Ksor Mang (con trai ông Ka) tiếp lời cha kể hết bài khan. Đây cũng là bài khan anh nhớ nhất.

“Bài khan đem lại tiếng cười thoải mái cho người nghe, làm giảm đi những áp lực trong cuộc sống; đồng thời khuyên mọi người phải đoàn kết với nhau, phải học hỏi để trau dồi kiến thức, phục vụ cuộc sống”-anh Mang cho hay.

Để điệu khan còn mãi

Bằng tình yêu với văn hóa truyền thống, bao năm qua, ông Ka vẫn thường xuyên kể khan cho con cháu trong gia đình và bà con dân làng nghe. Nhờ đó mà mọi người cảm nhận được cái hay, cái đẹp và nhen nhóm tình yêu với văn hóa truyền thống dân tộc.

Điển hình như anh Mang hiện đang là công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Rtô. Vốn thành thạo đánh chiêng, anh đã đứng ra tuyên truyền, vận động, thành lập đội cồng chiêng của xã, tham gia trình diễn tại nhiều sự kiện văn hóa do thị xã, tỉnh tổ chức.

Bên cạnh đó, với tố chất sẵn có, anh trở thành nghệ nhân hát dân ca có tiếng trong vùng, được nhiều người yêu mến.

2-1558.jpg
Nghệ nhân Nay Ka cùng đội cồng chiêng tham gia trình diễn tại hội thi văn hóa cồng chiêng thị xã Ayun Pa lần thứ III-2024. Ảnh: V.C

Riêng về kể khan, anh Mang cho biết: “Tuy thường xuyên được nghe cha kể khan nhưng tôi mới chỉ thuộc và kể được một vài trích đoạn ngắn. Để bảo tồn và lưu giữ được nghệ thuật kể khan rất khó, bởi cùng một cốt truyện nhưng mỗi nghệ nhân lại có cách hát kể, sáng tạo và theo vần điệu khác nhau.

Mong rằng chính quyền, cơ quan chức năng sẽ có chính sách, cơ chế hỗ trợ đặc biệt để kể khan được lưu giữ trong cộng đồng”.

Khi nói đến câu chuyện bảo tồn điệu khan, giọng ông Ka thoáng buồn. Ông bảo rằng ở buôn mình bây giờ không còn ai biết kể khan nữa. Những người bạn xưa kia cùng ông thi kể khan bên bếp lửa nay đều đã về cõi Atâu.

Kể khan không phải ai cũng học được. Ngoài niềm đam mê, muốn lưu giữ được khan thì người truyền dạy và người học phải có sự tương thông, phải cùng cảm được giá trị của khan.

Trong số các con, duy chỉ có anh Mang là người có duyên được nghe ông kể khan nhiều nhất và ông đang cố gắng trao truyền lại bằng tất cả tâm huyết của mình.

Ông Ksor Uyên-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rtô-nhìn nhận: Là loại hình nghệ thuật dân gian truyền miệng, kể khan không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cư dân bản địa mà còn mang tính giáo dục cao, hướng con người đến điều thiện, răn dạy con người phải sống tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, khan đang có nguy cơ mai một bởi nghệ nhân am hiểu ngày càng hiếm trong khi việc đón nhận vốn liếng cha ông để lại cần có nhiều thời gian và công sức.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rtô, trong các buôn làng trên địa bàn xã, ông Nay Ka là người cuối cùng biết kể khan. Nói ông là “báu vật” của làng cũng không ngoa. Mặc dù tuổi cao, mắt mờ, làn hơi không còn khỏe như trước nhưng ông vẫn đang từng ngày gìn giữ điệu khan với mong muốn gieo tình yêu văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Từ các nguồn lực, chính quyền địa phương nỗ lực phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền, vận động những người thực sự đam mê điệu khan của dân tộc tham gia lớp học kể khan, từ đó, học hỏi, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Có thể bạn quan tâm

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.

Nghề giặt ủi thời hiện đại

Nghề giặt ủi thời hiện đại

(GLO)- Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hiện nay, nghề giặt ủi truyền thống không chỉ gói gọn trong việc giặt hấp đồ dùng, quần áo mà còn mở rộng dịch vụ làm sạch vật dụng, phụ kiện theo nhu cầu của khách hàng.