Những chuồng cọp khét tiếng, những buồng giam biệt lập, những tháng năm đầy ải khổ sai nơi hòn đảo được mệnh danh là “địa ngục trần gian” có thể cướp đi sinh mạng của nhiều lớp chiến sĩ, nhưng chắc chắn không thể nào cướp đi “sinh mạng chính trị” của những người cộng sản.

Ở tuổi 80, cựu tù Côn Đảo Bùi Văn Thược (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định) vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Hơn 5 năm chịu đày đọa ở nơi được gọi là “địa ngục trần gian”, lắm lúc cơ thể kiệt quệ vì các đòn tra tấn, đàn áp dã man, nhưng ông Thược vẫn giữ vững tinh thần bất khuất, kiên trung. Bởi khi đó ông luôn tin, ngày chiến thắng đang cận kề.
Ông Thược kể, ngày bị đày ra Nhà tù Côn Đảo, kẻ thù đánh phủ đầu từ cầu tàu cho đến lúc về phòng giam. Tại nhà tù này, chúng thiết lập bộ máy cai trị hà khắc, ác nghiệt, dã man nhất. Chúng không giết ngay mà giết dần mòn, làm cho người tù chết lay lắt, chết trong đau đớn, quằn quại triền miên, chết từng làn da thớ thịt. Chúng không để cho người tù được chết dễ dàng mà phải sống dở, chết dở, để chúng tìm điểm yếu, tìm giây phút dao động, bối rối mà tăng đòn roi, khuất phục, buộc họ phải từ bỏ lý tưởng cộng sản, phản bội chính mình.
Chia sẻ với chúng tôi về ngày tháng cũ, ông Thược bộc bạch: “Nhiều người hỏi tại sao tôi ít kể chuyện buồn trong những năm tháng tù đày, chẳng lẽ không sợ hay sao? Mọi thứ quá kinh khủng, ám ảnh nên khi nhắc tới, tôi lại thương nhớ đồng đội, khó kiềm lòng”.
Khi bị đày ra Côn Đảo, ông Hồ Ngọc Á (SN 1951, ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) mới 20 tuổi. Nhớ về những tháng năm bị địch bắt tù đày, ông Á không thể quên những bữa cơm tù đầy thóc, mắm ruốc có cát để lâu ngày, cá khô mục đắng không ăn được. Cuộc sống bị đày đọa hơn cả địa ngục, ông còn nhớ cảnh 5 người chen chúc trong căn phòng gọi là “chuồng cọp” (nơi biệt giam khắc nghiệt nhất trong hệ thống nhà tù Côn Đảo) chỉ vài mét vuông ngột ngạt, chật chội thiếu không khí. Người tù phải luân phiên nhau người ngồi, người nằm và không được tắm hàng tháng trời. Mùa hè chúng dồn người tù lại để cái nóng, ngột ngạt trở nên cùng cực; mùa đông chúng dãn bớt người tù ra để cái lạnh càng trở nên thấu xương, người tù bị nhốt cách phòng để không liên lạc được với nhau.
“Con thuyền cách mạng gặp phong ba/ Vững lái tay chèo, ắt sẽ qua/ Tập thể quanh mình là sức mạnh/ Hướng về Bác - Đảng - ngọn đèn pha. Chúng tôi luôn ghi nhớ những câu thơ được khắc trong nhà tù để đặt tinh thần cách mạng, lòng yêu thương đồng đội lên hàng đầu, không khuất phục trước kẻ thù”, ông Á khẳng khái nói.
Ông Trương Đắc Khoa (SN 1952, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) tham gia cách mạng năm 1964. Đến năm 1972, ông bị địch bắt và cuối năm đó bị đày ra nhà tù ở Côn Đảo. Nằm gai nếm mật trong những chuồng cọp, không có cực hình nào ông chưa phải trải qua, từ những đòn tra tấn dã man về thể xác đến tinh thần. Những ngày nắng thì bị mang ra phơi nắng, hắt nước và vôi bột vào người cho đổ máu mũi, máu miệng. Ngày mưa thì bị ngâm trong những khu biệt lập “chuồng bò”. Có những tháng ngày ông sống trong hầm tối không biết ánh sáng là gì, không nước uống, không thức ăn và chân tay bị cùm kẹp.
“Kẻ thù dùng trăm phương nghìn kế để đày ải, giết hại những người chiến sĩ kiên trung nhưng không khuất phục nổi tinh thần cách mạng quật cường. Đặc biệt, chúng tôi luôn kiên quyết chống “chào cờ” (người tù phải bước qua lá cờ Tổ quốc và hình ảnh Bác Hồ). Bởi chúng tôi thà chết chứ không thể bán rẻ lương tâm, nguyện một lòng vì lý tưởng cách mạng”, ông Khoa chia sẻ.
Một mảnh đất từng được coi là “cối xay thịt người”, “địa ngục trần gian” rùng rợn là vậy, lại là lựa chọn dừng chân để người lính trở về khi quê hương đã giành độc lập. Cựu tù chính trị Huỳnh Hùng Đước (SN 1948, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) cho biết ông đã có 4 lần quay trở lại thăm Côn Đảo, mới đây nhất là vào cuối tháng 4.2025. Lần nào trở lại Côn Đảo, ông cũng nguyên vẹn cảm xúc, niềm tự hào. “Côn Đảo chính là ngôi nhà thứ hai của tôi bởi mảnh đất này có biết bao nhiêu đồng đội, bạn tù ngã xuống ở đây”, ông Được xúc động nói.
Theo HỒNG PHÚC (baobinhdinh.vn)