Chúng tôi ra thăm quân, dân tại quần đảo Trường Sa trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10 cùng gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, song cán bộ, chiến sĩ tàu HQ561 và cả chúng tôi đều đặt quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.
16 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi chỉ được đón bình minh một lần duy nhất bởi mưa to, gió lớn kéo dài. Sáng đó, nhìn qua ô cửa sổ của tàu thấy trời yên biển lặng, chúng tôi gọi nhau thức dậy sớm hơn giờ báo thức rồi chạy lên boong tàu chờ “săn” được khoảnh khắc mặt trời “chui” lên từ lòng biển.
Bình minh trên biển thật sự là một khoảnh khắc huyền diệu. Khi những tia sáng đầu tiên của ngày mới vươn mình xuyên qua màn đêm, bầu trời dần dần chuyển từ màu đen huyền bí sang sắc xanh nhạt pha chút màu cam.
Từng làn sóng vỗ nhẹ vào thân tàu, gió nhè nhẹ thổi mang theo hơi thở mát lạnh và vị mặn mòi của biển. Những chú chim hải âu bay lượn trên không trung, dang đôi cánh chao lên, liệng xuống giữa không gian bao la. Ánh sáng bình minh chiếu xuống mặt biển lóng lánh như dát vàng. Cảnh vật xung quanh như dần bừng tỉnh.

Thượng úy Nguyễn Xuân Hoàn - Thuyền phó tàu 561, Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân, mới 32 tuổi, vừa xong ca trực đêm cũng ra boong tàu ngắm buổi bình minh hiếm hoi ló rạng từ mặt biển.
Thượng úy Nguyễn Xuân Hoàn từng có 6 năm tu nghiệp tại Trường Đại học Hải quân Pie Đại đế ở Liên bang Nga. Về Vùng 4 Hải quân công tác và gắn bó với những chuyến tàu mang “hơi ấm” đất liền ra đảo xa từ năm 2020. Anh bộc bạch: Trong mỗi chuyến công tác, chúng tôi luôn chấp hành nghiêm mệnh lệnh đi biển chở các đoàn công tác và hàng hóa từ đất liền ra đảo cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác, làm việc tại quần đảo Trường Sa, nhất là việc bảo quản lương thực, thực phẩm, hàng quà được quan tâm hàng đầu, đảm bảo chất lượng tốt nhất khi đến tay bộ đội. Chúng tôi luôn coi mỗi cán bộ, chiến sĩ đang công tác ngoài đảo như người thân của mình, đó chính là động lực để chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ dù trong bất cứ khó khăn nào.
Hoàng hôn trên biển không chỉ là khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên, mà còn là thời điểm để lắng đọng tâm hồn, để cảm nhận vẻ đẹp vĩnh hằng của biển cả và sự rộng lớn của trời đất.
Khi mặt trời từ từ hạ thấp xuống chân trời, bầu trời trở nên rực rỡ với những gam đỏ, cam, vàng, pha lẫn chút tím. Biển lúc này trở nên yên bình. Những con sóng lăn tăn, phản chiếu ánh sáng hoàng hôn xuống mặt biển; những chiếc thuyền đánh bắt cá mờ ảo trong ánh chiều. Trên bầu trời, mỗi giây phút trôi qua lại là một bức tranh khác biệt, một sắc thái mới của hoàng hôn.
Trời sập tối lúc nào không hay. Giữa đêm tối mịt mùng, con tàu rẽ sóng lao nhanh về phía trước. Trong miên man miền nhớ, tôi nghĩ về những con thuyền nhỏ của Hải đội Hoàng Sa, Trường Sa mấy trăm năm trước mà thêm cảm phục tinh thần quả cảm của các bậc tiền nhân. Ông cha ta đã ra đảo bằng những con thuyền nhỏ, bằng những thiết bị thô sơ, kết hợp với kiến thức kinh nghiệm và sức người mải miết chèo, đặt chủ quyền của Việt Nam giữa thăm thẳm trùng khơi mới thấy hết tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn xa bỏng cháy đến nhường nào.
Chúng tôi đứng trên boong tàu dưới ngàn sao lấp lánh để tận hưởng phút êm đềm thơ mộng của biển, bỗng nghe tiếng rì rầm của mấy chiến sĩ hải quân trao đổi về việc thả neo tàu nghỉ đêm tại đây, để sáng mai vào đảo Đá Đông A. Trong đêm tối, dây xích sắt của mỏ neo được thả xuống biển va vào thân tàu cồng cộc. Trong chốc lát việc thả neo đã hoàn thành. Thượng úy Nguyễn Trung Thành- Chính trị viên tàu HQ561 chỉ tay về phía ánh sáng nhỏ xíu của ngọn hải đăng phía xa xa nói “Đảo Đá Đông A đấy, còn phía kia là đảo Đá Đông B, Đá Đông C”.
Từng đợt sóng vờn gió đuổi nhau mơn man nhè nhẹ thân tàu, bật ra tiếng kêu vừa thổn thức như tiếng lòng của người đi xa, lúc lại văng vẳng rì rào, giòn tan tựa tiếng cười lúc gặp gỡ. Thỉnh thoảng sợi xích sắt mỏ neo nặng nề cọ vào thân tàu kêu cót két. Tất cả như đang tấu lên bản hòa ca rất riêng của biển.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vùng biển nước ta có diện tích khoảng 1 triệu km², gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích biển Đông. Vùng biển nước ta có 3.000 hòn đảo lớn nhỏ được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa. Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, nhất là dầu mỏ, khí đốt và du lịch.

Cuộc đời người thủy thủ gắn liền với những chuyến ra khơi, lênh đênh cùng sóng biển và làm bạn với cánh chim hải âu. Trong suốt chuyến hải trình đầy thử thách ấy, biển không chỉ là nơi chúng tôi đi qua, mà còn là người bạn đồng hành. Chúng tôi trở về không chỉ mang theo những kỷ niệm đẹp về biển, mà còn mang theo trách nhiệm tiếp tục giữ vững biển đảo quê hương. Biển sẽ mãi là chứng nhân minh chứng cho tình yêu và sự hy sinh của những người lính biển nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ từng tấc đất, hòn đảo thân yêu của Tổ quốc.
Theo Dương Nương (baokontum.com.vn)