Nhiều phụ nữ ở vùng cao Quảng Ngãi bị lừa bán ra nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với chiêu trò việc nhẹ, lương cao, nhiều phụ nữ ở các xã vùng cao Quảng Ngãi đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ bán ra nước ngoài.

Ngày 15-9, Công an huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết trong thời gian qua, lực lượng Công an huyện Trà Bồng đã liên lạc, hướng dẫn nhiều phụ nữ trở về đoàn tụ cùng gia đình sau khi bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lừa bán ra nước ngoài.

Vụ việc gần đây nhất, vào giữa tháng 8-2023, chị Hồ Thị Huệ (33 tuổi, ngụ ở xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng) được một người bạn quen qua mạng xã hội giới thiệu vào tỉnh Tây Ninh bán cà phê với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Nghe mức lương hấp dẫn cùng cam kết công việc nhẹ nhàng của người bạn, Huệ quyết định gửi 4 con nhỏ ở nhà, nhờ cha ruột chăm sóc để đi làm ăn xa, kiếm tiền gửi về gia đình.

Công an huyện Trà Bồng và chính quyền địa phương xã Trà Sơn đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Hồ Thị Huệ. Ảnh: TS

Công an huyện Trà Bồng và chính quyền địa phương xã Trà Sơn đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Hồ Thị Huệ. Ảnh: TS

Khi Huệ vào đến Tây Ninh thì bị nhóm người lái xe chở sang Campuchia ở khu vực đặc khu của người Trung Quốc. Tại đây, các đối tượng yêu cầu Huệ muốn được tự do phải trả số tiền lớn.

Ông Hồ Văn Đơn-cha Hồ Thị Huệ - kể rằng lúc đầu nghe con gái đi làm ở tỉnh Tây Ninh, lương tháng 10 triệu đồng, ông cũng mừng thầm vì mức lương cao đủ nuôi các con nhỏ. "Thấy con gái khổ quá, nuôi 4 đứa con nhỏ mà chồng thì bỏ đi lấy vợ khác nên tôi ở nhà chăm sóc cháu ngoại để con gái đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình nhưng không ngờ nó bị kẻ xấu lừa bán sang Campuchia" - ông Hồ Văn Đơn kể lại.

Nhận được điện thoại cầu cứu của con gái, ông Đơn liền trình báo vụ việc con gái bị kẻ xấu lừa sang Campuchia cho Công an xã Trà Sơn. Đến ngày 19-8-2023, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ ông Hồ Văn Đơn, Công an xã Trà Sơn khẩn trương báo cáo vụ việc đến lãnh đạo Công an huyện Trà Bồng, chủ động phối hợp Công an huyện triển khai các biện pháp nghiệp vụ, hỗ trợ nạn nhân.

"Chúng tôi đã tiến hành xác minh các thông tin liên quan về mối quan hệ và hành trình di chuyển của nạn nhân Hồ Thị Huệ. Sử dụng mạng facebook để liên lạc với Huệ, hướng dẫn nạn nhân trốn trở về Việt Nam an toàn" - Thiếu tá Võ Duy Phong, Trưởng Công an xã Trà Sơn cho biết.

Trước đó, Công an huyện Trà Bồng cũng đã tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ 5 nạn nhân khác ở huyện Trà Bồng cũng vì tin lời "việc nhẹ, lương cao" bị các đối tượng xấu lừa đưa sang Trung Quốc, Campuchia và đòi gia đình đưa tiền chuộc trở về.

Công an xã Trà Bùi và chính quyền địa phương xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài. Ảnh: TS
Công an xã Trà Bùi và chính quyền địa phương xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài. Ảnh: TS

Điển hình, trường hợp em Hồ Thị Lê (20 tuổi) và Đinh Thị Nghệ (16 tuổi, đều ngụ ở xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng) bị nhóm người đưa ô tô chở lên Tây Ninh rồi vượt biên qua Campuchia.

Cả 2 nạn nhân bị ép làm nhiệm vụ lừa các nạn nhân là người Việt chuyển tiền vào tài khoản để được hưởng "hoa hồng". Mỗi ngày làm việc trên 15 giờ. Muốn được về nước thì phải bỏ ra số tiền 300 triệu đồng. Nhận được tin báo, Công an xã Trà Bùi đã tìm cách liên hệ qua tin nhắn với nạn nhân và hướng dẫn nạn nhân cách trốn thoát.

Theo Thượng tá Trần Văn Hảo – Phó Trưởng Công an huyện Trà Bồng, mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng một số phụ nữ trên địa bàn huyện Trà Bồng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái đồng bào Kor vì nhẹ dạ, cả tin đã bị kẻ xấu lừa đưa ra nước ngoài. Với chiêu bài, thủ đoạn đánh vào tâm lý cả tin với những lời dụ dỗ về "việc nhẹ, lương cao" hay đơn giản là một công việc ổn định, nhất là với các thiếu nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế… Sau đó, các đối tượng xấu lừa bán vào các "động" mại dâm, thậm chí bán qua biên giới với phương thức hoạt động ngày càng tinh vi.

"Công an và chính quyền địa phương huyện Trà Bồng đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, công tác tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, dạy nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng tại các địa phương luôn được chú trọng nhằm xóa bỏ mặc cảm, tạo điều kiện để nạn nhân hòa nhập cộng đồng" – Thượng tá Hảo cho biết.

Có thể bạn quan tâm