Nhiều giải pháp phòng-chống hạn ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, nguy cơ xảy ra hạn hán ở tỉnh Gia Lai trong vụ Đông Xuân 2018-2019 là rất cao. Vì vậy, các địa phương, đơn vị quản lý công trình thủy lợi đang triển khai quyết liệt các giải pháp phòng-chống hạn cho cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hiện nay, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt. Đây cũng là thời điểm các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, lúa nước và hoa màu cần rất nhiều nước tưới. Vì vậy, việc điều tiết và sử dụng nguồn nước tại các công trình thủy lợi, sông suối để tưới cây trồng đang được tăng cường, đặc biệt là tưới nước đợt 2 cho cây cà phê trong giai đoạn nuôi quả non.
 Công nhân Công ty cổ phần Chè Biển Hồ tưới nước cho cây chè. Ảnh: N.D
Công nhân Công ty cổ phần Chè Biển Hồ tưới nước cho cây chè. Ảnh: N.D
Ông Hoàng Nghĩa Đạt (làng Ia Kpo, xã Bar Măih, huyện Chư Sê) cho biết, gia đình ông vừa tưới xong đợt 2 cho 1 ha cà phê. Do khu vực rẫy không có công trình thủy lợi và suối lớn nên gia đình ông phải dùng nước giếng khoan để tưới. Qua 2 đợt tưới, lượng nước ở giếng khoan vẫn đảm bảo. Còn ông Đinh Văn Phong (làng Thoong Tăng, xã Bar Măih) thì cho hay, gia đình ông đã phải tưới nước đợt 3 cho 1,5 ha cà phê. Do đất dốc nên khoảng 20 ngày, gia đình ông phải tưới một đợt cho cây cà phê nuôi quả. Đến giờ, lượng nước tại giếng khoan sâu hơn 50 m của gia đình vẫn ổn định. 
Theo thông tin từ Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Gia Lai, hiện nay, 12 hồ chứa lớn và 18 đập dâng do đơn vị quản lý đang tưới đợt 2 cho diện tích cây công nghiệp dài ngày. Qua tính toán sơ bộ, các hồ sẽ đảm bảo nước tưới được 3 đợt cho cây cà phê. Ông Hoàng Bình Yên-Trưởng phòng Quản lý nước (Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Gia Lai) cho biết: Đơn vị đã xây dựng kế hoạch điều tiết nước từ các hồ chứa lớn sang các đập dâng thiếu nước để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Tuy nhiên, lo nhất hiện nay mực nước tại hồ thủy lợi Ayun Hạ thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 1 m. “Từ nay đến tháng 5-2019, lưu vực hồ sẽ không có mưa nên không có lượng nước đổ về hồ. Do vậy, để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng vụ Đông Xuân và đáp ứng kế hoạch sản xuất vụ mùa 2019 tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa, người dân phải sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Các hợp tác xã, tổ dịch vụ thủy nông cần ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, hạn chế rò rỉ, thất thoát nguồn nước”-ông Yên nhấn mạnh. 
Tại huyện Ia Grai, ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện tại, người trồng cà phê trên địa bàn đang tưới nước đợt 2, một số vùng có khả năng thiếu nước cục bộ. Để chủ động nguồn nước tưới, mới đây, ngành chức năng của huyện đã kiểm tra, đánh giá mực nước tại các công trình thủy lợi và suối. Qua kiểm tra tại một số xã như: Ia Dêr, Ia Yok cho thấy, hiện lượng nước ở các công trình thủy lợi và suối vẫn ổn định, phải đến tháng 3 mới biết có bị hạn hán hay không.
Nông dân xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) tưới nước đợt 2 cho cây cà phê. Ảnh: N.D
Nông dân xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) tưới nước đợt 2 cho cây cà phê. Ảnh: N.D
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 344 công trình thủy lợi, gồm: 113 hồ chứa, 189 đập dâng và 42 trạm bơm với năng lực thiết kế tưới cho 54.944 ha cây trồng các loại.

Còn tại huyện Chư Pưh-một trong những “rốn hạn” của tỉnh trong vài năm trở lại đây, đến thời điểm này chưa có dấu hiệu thiếu nước tưới cho cây trồng như những năm trước. Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-thông tin: “Đến nay, mực nước tại đập dâng Plei Thơ Ga và Ia Hlốp vẫn cao hơn so với những năm trước. Đặc biệt, vụ Đông Xuân này, huyện chỉ đạo rất quyết liệt khi đẩy lịch thời vụ gieo sạ lúa sớm hơn 15 ngày, không cho sản xuất trên những cánh đồng thường xuyên bị hạn, tổ chức ra quân nạo vét kênh mương nội đồng… Dù vậy, chúng tôi cũng không chủ quan. Trong tuần tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông Chư Sê-Chư Pưh xây dựng kế hoạch tiếp nước từ hồ Ia Ring về các cánh đồng nếu xảy ra hiện tượng thiếu nước”.
Trước những dự báo về khả năng thiếu nước tưới trong vụ Đông Xuân này, các địa phương đang tổ chức kiểm tra, đánh giá mực nước tại các hồ chứa và suối để có những giải pháp phòng-chống hạn hiệu quả, góp phần giảm thiệt hại cho người dân. Qua kiểm tra cho thấy, hiện tại chỉ một số vùng trồng cà phê không có công trình thủy lợi hoặc xa nguồn nước tưới có hiện tượng thiếu nước cục bộ.
Đối với khu vực phía Đông tỉnh, do lượng mưa năm nay đạt thấp, nguy cơ xảy ra hạn hán là rất lớn. Vì vậy, các địa phương cũng đang tập trung triển khai rất quyết liệt các giải pháp phòng-chống hạn. Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: “Mùa mưa vừa qua, lượng mưa trên địa bàn huyện chỉ đạt khoảng 60% so với mọi năm nên các hồ chứa đều không tích đủ nước phục vụ sản xuất. Hiện tại, khoảng 2 ha lúa nước tại xã Kông Lơng Khơng có hiện tượng thiếu nước cục bộ, người dân phải bơm nước từ suối để cứu lúa. Bên cạnh đó, một số con suối bắt đầu có dấu hiệu vơi cạn, vì vậy có thể xảy ra hạn vào cuối vụ. Để chủ động phòng-chống hạn, Phòng đang lập kế hoạch sử dụng các máy bơm dã chiến bơm nước từ hồ về tưới lúa; tuyên truyền, vận động người dân tưới tiết kiệm nước; không cho người dân sản xuất những diện tích thường xuyên bị hạn nhằm giảm thiệt hại do hạn hán gây ra”.
Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

(GLO)- Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ngành liên quan.