Nhà lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi quân đội “mài gươm báu thật sắc”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-"Môi trường an ninh trên bán đảo Triều Tiên đang tiến gần hơn đến bờ vực xung đột vũ trang từng ngày. Những hành động của Mỹ và đồng minh ngày càng đậm tính chất đối đầu quân sự", KCNA ngày 1/1/2024 dẫn lời lãnh đạo Triều Tiên trong cuộc họp với quan chức cấp cao quân đội.
Kim Jong-un trong cuộc họp với tướng lĩnh quân đội Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Kim Jong-un trong cuộc họp với tướng lĩnh quân đội Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Ông Kim kêu gọi quân đội "mài gươm báu thật sắc" để bảo vệ an ninh và hòa bình trên bán đảo. Thuật ngữ "gươm báu" được Triều Tiên dùng để chỉ vũ khí hạt nhân của nước này.

Quân đội Triều Tiên được lệnh sẵn sàng huy động sức mạnh lớn nhất để bảo vệ đất nước trong kịch bản đối đầu quân sự "có thể xảy ra bất kỳ lúc nào" trong năm 2024. "Nếu đối phương chọn đối đầu và châm mồi lửa chiến sự, chúng ta phải huy động mọi sức mạnh lớn nhất để tung ra đòn đánh nghiền nát và hủy diệt hoàn toàn kẻ thù", ông Kim nhấn mạnh.

"Công cuộc cách mạng tại Triều Tiên càng đạt tiến bộ, Mỹ và Hàn Quốc sẽ càng cố gắng ngăn cản chúng ta", ông Kim lập luận. "Quân đội ta cần hóa giải mọi hành động khiêu khích của đối phương, nhưng cũng quyết liệt trước sự thù địch".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng ông không còn coi Hàn Quốc là đối tượng để hòa giải và thống nhất sau khi Seoul tuyên bố Bình Nhưỡng là 'kẻ thù chính'.

"Tôi tin rằng việc coi những người tuyên bố chúng ta là 'kẻ thù chính'... là đối tượng để hòa giải và thống nhất là một sai lầm mà chúng ta không nên lặp lại", hãng thông tấn KCNA dẫn lời ông Kim phát biểu tại hội nghị của đảng Lao động Triều Tiên, trong tường thuật ngày 31/12/2023.

Triều Tiên tháng 11/2023 phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1. Ông Kim Jong-un sau đó thông báo kế hoạch cho phóng thêm vệ tinh trinh sát quân sự trong năm nay.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lên án mạnh mẽ vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên gây bất ổn cho khu vực; cáo buộc Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo trong vụ phóng, vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Về phần mình, Bình Nhưỡng coi cuộc thử nghiệm là cần thiết để canh giữ hòa bình. Vệ tinh sẽ cung cấp thông tin thời gian thực về hành vi quân sự chống lại Triều Tiên của đối phương, cũng như dẫn đường cho "những đòn tấn công siêu mạnh" từ Triều Tiên nếu xung đột xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

(GLO)- Sau nhiều lần phát hiện thiết bị bay không người lái bay trên các cơ sở quân sự mà không được cấp phép, Chính phủ Đức đã thông qua dự luật sửa đổi Đạo luật An ninh Hàng không, cho phép lực lượng vũ trang nước này bắn hạ các máy bay không người lái xâm nhập trái phép.