Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vụ án này liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án xây dựng mới trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, theo hình thức hợp đồng BT.

 Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (ngoài cùng bên phải) bị Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề nghị mức án cáo nhất, từ 7-8 năm tù. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)
Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (ngoài cùng bên phải) bị Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề nghị mức án cáo nhất, từ 7-8 năm tù. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)



Chiều 29/12, tại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 13 bị cáo là các cựu quan chức Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan trực thuộc tỉnh, bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã trình bày bản luận tội và đưa ra đề nghị mức án đối với từng bị cáo trong vụ án.

Đây là ngày thứ 7 của phiên tòa xét xử vụ án này và dự kiến đến ngày 5/1/2023, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.

Vụ án này liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án xây dựng mới trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa theo hình thức Hợp đồng xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT); đổi lại, nguồn vốn hoàn trả cho nhà đầu tư từ khai thác quỹ đất cơ sở cũ của Trường Chính trị tỉnh tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang.

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh) bị đề nghị mức án 7-8 năm tù; hai bị cáo Lê Đức Vinh (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh) và Đào Công Thiên (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh) bị đề nghị mức án 6-7 năm tù; Nguyễn Ngọc Tâm (nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính) 5-6 năm tù; Lê Văn Dẽ (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng) 4-5 năm tù.

Các bị cáo cùng bị đề nghị mức án 3-4 năm tù, gồm Võ Tấn Thái (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Vũ Xuân Thiềng (nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Nguyễn Văn Nhựt (nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), Trần Quang Bửu (nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng), Trần Sỹ Quân (nguyên Cục phó Cục thuế Khánh Hòa).

Các bị cáo cùng bị đề nghị mức án 2-3 năm tù, gồm Trần Văn Thọ (cựu Phó giám đốc Sở Xây Dựng), Lê Huy Toàn (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang) và Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên Phó phụ trách phòng vật giá công sản - Sở Tài chính).


 

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử trong chiều 29/12. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử trong chiều 29/12. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)


Theo quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa, qua quá trình điều tra, xét xử, thẩm vấn tại phiên tòa, đã xác định các hành vi sai phạm của các bị cáo trong quá trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện dự án xây dựng mới trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa và thực hiện hoàn trả cho nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thanh Yến từ khai thác quỹ đất cơ sở cũ của trường Chính trị tỉnh tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang.

Các bị cáo đã có các hành vi trái pháp luật trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; cấp giấy chứng nhận đầu tư, thỏa thuận và điều chỉnh phương án kiến trúc làm cơ sở để thực hiện thẩm định giá đất, xác định giá đất để thanh toán giá trị đầu tư; giao đất, cho thuê đất; cấp giấy phép xây dựng.

Hành vi của các bị cáo đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước tại thời điểm ngày 16/2/2016 là trên 62 tỷ đồng, tại thời điểm ngày 5/10/2020 là số tiền trên 324 tỷ đồng (qua định giá).

Ngoài ra, hai bị cáo Đào Công Thiên, Nguyễn Ngọc Tâm còn có hành vi trái pháp luật trong việc bán tài sản Nhà nước thuộc Trường Chính trị tỉnh cũ tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang, gây thất thoát tài sản của Nhà nước với số tiền hơn 11 tỷ đồng.  

Hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội; xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế đúng đắn của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát đối với tài sản Nhà nước; tạo dư luận đặc biệt xấu, làm giảm sút lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước; ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư theo hình thức BT được ký kết giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, sự bình đẳng của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Đánh giá về tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho rằng với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh (từ năm 2011 đến tháng 12/2015), bị cáo đã thực hiện nhiều chỉ đạo bằng văn bản trong quá trình thực hiện chủ trương đầu tư và triển khai dự án, đã trực tiếp ký các văn bản chỉ đạo về chủ trương như chỉ định nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà ký hợp đồng BT với Công ty Cổ phần Thanh Yến; xác định giá trị quyền sử dụng đất của khu đất và ấn định giá trị khu đất cố định, ổn định trong suốt thời gian của hợp đồng và giấy chứng nhận đầu tư không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố Nha Trang, là tiền đề cho toàn bộ các sai phạm sau này.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng trong quá trình điều tra, truy tố, xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Thắng vẫn chưa nhận thức hành vi vi phạm của bản thân, nên cần thiết áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với bị cáo.

Theo Tiên Minh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm