Nguy cơ trẻ hóa bệnh nhân tăng huyết áp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo bác sĩ Nguyễn Hùng Minh-Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai), mỗi ngày, Khoa tiếp nhận 800-1.000 người đến khám bệnh. Trong số này, khoảng 80% là các bệnh không lây nhiễm, tiểu đường và tăng huyết áp. Đặc biệt, qua thực tế thăm khám, bệnh lý tăng huyết áp đang có xu hướng trẻ hóa, có trường hợp bệnh nhân mới 30 tuổi.

Lối sống nhanh, sinh hoạt, ăn uống không điều độ, ít tập luyện thể dục thể thao, thức khuya, làm việc quá giờ… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và làm trầm trọng thêm bệnh tăng huyết áp, gây nguy cơ đột quỵ, nhồi máu não, ngay cả ở những người trẻ. Nguy hiểm hơn, bệnh tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, nhiều người trẻ không nghĩ mình bị bệnh và không thăm khám kịp thời; khi phát hiện bệnh lại chủ quan, cho rằng mình trẻ, khỏe nên không tuân thủ điều trị dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe.

 Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn chế độ ăn uống cho bệnh nhân tăng huyết áp. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn chế độ ăn uống cho bệnh nhân tăng huyết áp. Ảnh: Như Nguyện



Anh N.H.T. (38 tuổi, trú tại tổ 2, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) cho hay: Năm ngoái, anh bị đau đầu, choáng, khó cử động một bên mặt nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Nhờ đến viện kịp thời nên anh đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Bác sĩ chẩn đoán anh bị tai biến thoáng qua, tăng huyết áp. Trước đó, anh không biết mình bị bệnh và cũng không thăm khám gì. “Tôi nghĩ mình chưa đến 40 không thể bị tăng huyết áp. Do chủ quan nên tôi cũng không thăm khám. Sau lần đổ bệnh, tôi ý thức chăm sóc sức khỏe và hiện đang điều trị, uống thuốc hàng ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ”-anh T. chia sẻ.

Bác sĩ Minh cho biết: “Nếu như trước đây, bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm tuổi từ 60 trở lên chiếm phần lớn thì gần đây có cả người bệnh chỉ mới ngoài 30 tuổi. Việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân trẻ tuổi cũng kém hơn so với người lớn tuổi. Có nhiều người trẻ sau một thời gian điều trị thấy tình trạng sức khỏe ổn định nên tự ý bỏ uống thuốc, bỏ tái khám. Qua một thời gian, do áp lực công việc, căng thẳng thường xuyên, chế độ sinh hoạt và tập luyện không điều độ, thói quen ăn mặn, ăn nhiều thức ăn nhanh, uống nhiều bia rượu… dẫn đến đột quỵ, tử vong, nhẹ thì cũng để lại di chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”.

 


Chương trình phòng-chống tăng huyết áp được triển khai tại một số xã, phường trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 100/220 xã, phường, thị trấn có khám, điều trị, quản lý bệnh nhân tăng huyết áp, đạt 45,5%. Tuy nhiên, công tác phòng-chống tăng huyết áp tại tuyến xã vẫn còn một số khó khăn nhất định.
 

Theo bác sĩ Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bệnh tăng huyết áp đa phần không có triệu chứng và nguy hiểm hơn, có đến 90% người bệnh không có nguyên nhân gây bệnh. Hiện nay, bệnh có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Cách đây 10 năm, Hội Tim mạch Việt Nam xếp nhóm nguy cơ tim mạch thuộc nhóm nguy cơ thấp nhưng hiện nay nhóm nguy cơ tim mạch của Việt Nam thuộc nhóm trung bình và cao.

Những năm gần đây, tỷ lệ tăng huyết áp tại tỉnh ta có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa. “Nếu như trước đây, chủ yếu điều trị tăng huyết áp ở người già thì hiện nay điều trị cả cho những người trẻ tuổi. Người trẻ thường chủ quan cho rằng mình khỏe mạnh nên không thăm khám kịp thời, chỉ vô tình phát hiện bệnh khi có các dấu hiệu hoặc có các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Nhiều trường hợp bất ngờ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, trong khi trước đó sức khỏe tốt. Nguyên nhân đa phần là do biến chứng của bệnh tăng huyết áp gây ra. Hiện nay, nhu cầu thăm khám sức khỏe của người dân ngày càng cao, nhiều người tầm soát sức khỏe sớm, kịp thời phát hiện bệnh tăng huyết áp và can thiệp, điều trị tránh các biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe”-bác sĩ Toán thông tin.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Toán, vẫn còn nhiều người chủ quan, không tầm soát sớm để kịp thời phát hiện bệnh tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng đối với sức khỏe. Trong đó, những biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp như: phì đại cơ tim, suy tim, xuất huyết đáy mắt, phù gai thị trong đáy mắt, mất thị lực, suy thận hoặc các bệnh lý động mạch chủ… Đây là các biến chứng nặng nề, nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. “Chính vì vậy, việc phát hiện và điều trị tăng huyết áp ngay từ sớm là hết sức cần thiết. Mỗi người dân phải nhận biết chỉ số huyết áp như số tuổi của mình và ít nhất hàng năm đo huyết áp 1 lần để phát hiện tăng huyết áp và điều trị”-bác sĩ Toán khuyến cáo.

 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.