Nguy cơ cháy mía tại khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, tại khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai vẫn còn hàng chục ngàn héc ta mía nguyên liệu chưa thu hoạch. Trong khi đó, thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài, cộng với việc các hộ dân thực hiện vệ sinh đồng ruộng, đốt lá mía thiếu kiểm soát là nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy đối với diện tích mía này. Vì vậy, chính quyền các huyện, thị xã đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng-chống cháy mía trên địa bàn.
Niên vụ 2018-2019, tổng diện tích mía tại các huyện, thị xã phía Đông tỉnh là hơn 27.000 ha, đến nay đã thu hoạch hơn 15.000 ha. Trong đó, huyện Kông Chro đã thu hoạch 6.089/7.091 ha, Đak Pơ 4.238/7.160 ha, Kbang 3.236/10.114 ha và thị xã An Khê 1.752/2.921 ha. Gần 12.000 ha mía còn lại ở khu vực này đang trong thời kỳ chín, thân lá khô, lại gặp thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao.
Mía cháy, nông dân thiệt đơn thiệt kép
Từ đầu niên vụ 2018-2019 đến nay, trên địa bàn các huyện, thị xã phía Đông tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy mía, làm thiệt hại 79,7 ha. Trong đó, thị xã An Khê xảy ra 1 vụ, thiệt hại 4,3 ha mía; huyện Đak Pơ xảy ra 5 vụ, thiệt hại khoảng 36 ha; huyện Kbang xảy ra 3 vụ với 39,4 ha mía bị thiệt hại.
Kông Lơng Khơng là xã có diện tích mía lớn nhất huyện Kbang. Đây cũng là địa phương có diện tích mía bị cháy cao nhất huyện. Ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-thông tin: Vụ cháy xảy ra vào trưa 6-3 đã làm thiệt hại 25,4 ha mía của hơn 20 hộ ở các làng Dỡng, Hbang và Krâu. Gia đình ông Trần Thiện Nghĩa (thôn Hbang) là một trong những hộ có mía bị cháy ngày 6-3 với diện tích thiệt hại 1,5 ha. Đứng nhìn hàng trăm bó mía cháy đen nằm lăn lóc giữa ruộng, ông Nghĩa xót xa cho biết: “Gia đình tôi thuê gần chục công cố gắng chặt xong mía vào buổi sáng để chiều mát kêu xe vận chuyển về bán cho nhà máy. Vậy mà trong tích tắc, toàn bộ số mía này tiêu tan hết”.
Theo thông tin từ chính quyền xã Kông Lơng Khơng, đám cháy ngày 6-3 xuất phát từ những rẫy mía giáp ranh của người dân huyện Đak Pơ rồi theo chiều gió cháy lan sang các ruộng mía của người dân xã này. Cùng ngày, tại huyện Đak Pơ, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cùng hàng trăm người dân tập trung khống chế đám cháy mía. Vụ cháy làm thiệt hại gần 20 ha mía của 9 hộ dân ở các xã Tân An, Cư An và thị trấn Đak Pơ. Ông Nguyễn Thanh Luận (tổ 1, thị trấn Đak Pơ) chia sẻ: “Tôi thấy lửa bùng phát ở rẫy mía vào khoảng 12 giờ hơn nên hô hoán bà con xóm làng ra dập lửa. Chính quyền địa phương cũng huy động lực lượng chữa cháy kịp thời nên gia đình tôi chỉ thiệt hại 1,5 ha mía. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do người dân đi đánh bẫy chuột gây ra”.
Nông dân khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai tập trung thu hoạch diện tích mía bị cháy. Ảnh: LÊ NAM
Nông dân khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai tập trung thu hoạch diện tích mía bị cháy. Ảnh: LÊ NAM
Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: “Nhà máy mua với giá 500 ngàn đồng/tấn mía cháy. Nhưng vì chi phí công chặt, công chất mía, trừ tạp chất cao nên nông dân vẫn thiệt hại khoảng 10 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, giá cả, sản lượng mía niên vụ này thấp hơn 20-30% so với 2 niên vụ trước khiến người trồng thiệt đơn thiệt kép”. 
Tập trung phòng-chống cháy mía
Hiện nay, Kbang là huyện có diện tích mía chưa thu hoạch cao nhất khu vực phía Đông tỉnh với hơn 6.000 ha. Những diện tích mía này tập trung ở các xã Kông Lơng Khơng, Đak Hlơ, Kông Pla…
Theo Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng, tổng diện tích mía trên địa bàn xã là hơn 2.500 ha, đến nay đã thu hoạch được 1.100 ha (đạt 44%). Những diện tích mía còn lại nằm ở khu vực đồi, gò cao và đang trong thời kỳ chín đều có thể thu hoạch được. “Năm trước, các vụ cháy mía xảy ra liên tục, làm thiệt hại hàng chục héc ta mía của người dân. Năm nay nắng hạn gay gắt hơn nên từ đầu vụ, xã đã thường xuyên nhắc nhở cán bộ và các trưởng thôn về tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức trong việc phòng-chống cháy mía. Xã cũng thường xuyên phát trên loa truyền thanh thông tin diễn biến thời tiết, cách phòng-chống mía cháy; tăng cường kiểm tra, tuần tra, thăm nom rẫy mía; chủ động nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng phó khi có sự cố cháy mía xảy ra”-ông Bắc cho biết. 
Ngoài tăng cường tuyên truyền, nhiều địa phương khu vực phía Đông tỉnh đã chủ động thành lập Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy mía. Ông Trần Thanh Phong-Chủ tịch UBND thị trấn Đak Pơ-chia sẻ: “Trước nguy cơ xảy ra cháy mía trên địa bàn, UBND thị trấn đã quyết định thành lập Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy mía với thành phần gồm lãnh đạo UBND thị trấn, dân quân, các tổ trưởng tổ dân phố và nhân dân. Khi xảy ra cháy mía, trưởng ban sẽ huy động lực lượng cùng người dân sử dụng các dụng cụ, phương tiện sẵn có như: bình bơm nước, máy cày, cuốc xẻng… đốt đón đầu có chủ định để khoanh vùng, chống cháy lan, khống chế đám cháy, giảm thấp nhất thiệt hại có thể”.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng khuyến cáo người dân không hút thuốc, vứt tàn thuốc bừa bãi khi đi ra ruộng mía; nhắc nhở con em mình khi đi rẫy, đi chăn bò không đốt lửa để chơi đùa, nướng thức ăn, hun lửa bắt chuột. Ngoài ra, khi vệ sinh ruộng rẫy, đốt lá mía, người dân cần tạo đường băng cản lửa rộng, đủ an toàn để không cháy lan sang các diện tích mía liền kề; chỉ nên đốt, dọn rẫy mía vào thời điểm chiều tối, khi trời đã dịu nắng, ít gió và cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện để ứng phó khi xảy ra cháy mía. 
“Trước tình hình nắng nóng, hanh khô, mía chín, UBND huyện Kbang đã đề nghị Nhà máy Đường An Khê đẩy nhanh tiến độ thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn huyện; trong đó tập trung ưu tiên thu mua đối với diện tích mía đã chín, diện tích mía đã, đang và dự kiến xây dựng cánh đồng mía lớn; ưu tiên sử dụng máy thu hoạch đối với những diện tích có thể thu hoạch bằng máy; đảm bảo thu mua hết mía nguyên liệu niên vụ mía 2018-2019 trên địa bàn huyện trong thời gian sớm nhất, đảm bảo thời gian cây mía tái sinh”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho biết.
Về phía Nhà máy Đường An Khê, ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc-cho hay: Nhà máy vẫn duy trì tối đa công suất 16-18 ngàn tấn mía cây/ngày và dự kiến đến ngày 20-4 sẽ thu mua xong mía nguyên liệu cho người dân các huyện, thị xã phía Đông tỉnh. Nhà máy thu mua xen kẽ, xén nhỏ các cánh đồng để giảm rủi ro khi không may xảy ra cháy mía. Trong thời gian qua, bên cạnh việc thu mua, Nhà máy cũng phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy mía. Từ ngày 1-3, Nhà máy tăng giá thu mua mía nguyên liệu từ 800 ngàn đồng/tấn lên 850 ngàn đồng/tấn (giá mua tại ruộng 750 ngàn đồng/tấn và hỗ trợ chi phí vận chuyển 100 ngàn đồng/tấn). Giá  thu mua này được Nhà máy duy trì đến cuối vụ nhằm hỗ trợ một phần chi phí cho người trồng mía do nắng hạn gây ra”.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.