Nguy cơ bùng phát bệnh sốt rét ở Ia Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai có hàng trăm người dân mắc bệnh sốt rét. Dù ngành Y tế đã vào cuộc ráo riết nhưng số bệnh nhân vẫn không ngừng tăng.
Sốt rét vì đi rừng, ngủ rẫy
Huyện Ia Pa nằm dọc theo sông Ayun, có độ ẩm cao, là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt rét bùng phát. Theo phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2014 của Bộ Y tế, huyện Ia Pa có 3 xã nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng (Ia Ma Rơn, Ia Kdăm, Ia Tul), 5 xã nằm trong vùng sốt rét lưu hành vừa (Ia Trok, Ia Broăi, Chư Mố, Kim Tân, Pờ Tó) và 1 xã vùng sốt rét lưu hành nhẹ (Chư Răng). Cùng với đó, người dân có tập quán ngủ rẫy, một số người vào rừng khai thác lâm-thổ sản thường ở lại dài ngày. Qua điều tra của cơ quan y tế địa phương, có đến 80% số người đi rừng không ngủ màn nên dễ bị muỗi mang mầm bệnh sốt rét đốt. 
Như bao buôn làng đồng bào Jrai khác ở huyện Ia Pa, hơn 240 hộ dân với trên 800 khẩu của buôn Tơ Khế (xã Ia Tul) có thói quen đi rừng, ngủ rẫy. Mới đây, dù đã được nhân viên y tế thôn thông báo từ trước nhưng sáng sớm, khi đoàn cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện đến điều tra dịch tễ, cả buôn Tơ Khế chỉ còn vài người già và đám trẻ con ở nhà. “Hầu hết người lớn đã lên rẫy và ngủ lại đó từ mấy ngày trước rồi. Đang vào mùa cắt lúa rẫy và nhổ mì mà”-ông Siu Chol-Bí thư chi bộ buôn Tơ Khế-phân trần.  
 Cấp phát màn và tẩm màn bằng hóa chất cho người dân. Ảnh: Đ.P
Cấp phát màn và tẩm màn bằng hóa chất cho người dân. Ảnh: Đ.P
Vì có ít ruộng lúa nước nhất xã nên người dân buôn Tơ Khế bao đời nay chủ yếu trồng lúa rẫy, trồng mì trên núi Chư Có, cách làng hơn chục cây số. Xen kẽ giữa các đám rẫy là bãi sình lầy, nước đọng, cây bụi mọc um tùm. Cán bộ y tế xã cho biết, mấy năm trước, đoàn cán bộ của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương phối hợp với ngành Y tế địa phương nhiều đợt vào đây tìm bắt muỗi đã phát hiện tỷ lệ muỗi chứa thoa trùng sốt rét (dạng như ổ trứng) khá cao. 
Sau khi điều tra dịch tễ ở xã Ia Tul và vùng rẫy của người buôn Tơ Khế mới đây, đoàn công tác của ngành Y tế đánh giá, từ đầu năm 2019 đến nay, xã đã có 12 bệnh nhân sốt rét phải điều trị ở cơ sở y tế. Nhiều người bệnh trong số này ở buôn Tơ Khế đều có thời gian ngủ rẫy. Trong buôn không có véc tơ truyền bệnh vì chưa phát hiện muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét cư trú.
Nỗ lực phòng-chống sốt rét
Sốt rét đang là vấn đề nóng của ngành Y tế huyện Ia Pa. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết: Trung bình mỗi tuần có 7-8 bệnh nhân sốt rét nhập viện điều trị. Theo quy luật, bệnh nhân sốt rét bắt đầu tăng từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau và giảm từ tháng 2 đến tháng 7. Tuy nhiên, trong 8 tháng năm 2019, số bệnh nhân sốt rét trên địa bàn huyện đã là 253 ca, tăng 199 ca (tương đương gần 369%) so với cùng kỳ năm 2018. Toàn huyện có đến 8/9 xã phát hiện bệnh nhân sốt rét (trừ xã Pờ Tó). Trong đó, bệnh nhân sốt rét gia tăng ở hầu hết các xã, đặc biệt tập trung nhiều ở xã Ia Broăi (91 bệnh nhân), xã Ia Ma Rơn (66 bệnh nhân), xã Ia Trok (48 bệnh nhân)... Bệnh nhân sốt rét tăng đột biến có nguyên do chủ yếu là vì người dân đi làm rẫy và ngủ ở rẫy dài ngày nên mang mầm bệnh từ đó về.
Trước tình hình bệnh sốt rét gia tăng, vào đầu mùa mưa, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các xã trọng điểm sốt rét. Cùng với đó, Trung tâm đã cấp 25.850 màn LLINs cho 7 xã, dân số được bảo vệ là 47.198 người; cấp 4.400 cái võng màn cho người dân đi rừng, ngủ rẫy và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi cho người dân xã Ia Kdăm, tỷ lệ đạt 75% số màn hiện có trong dân. Hiện nay, ngành Y tế huyện đang tiến hành cấp 5.430 tuýp kem xua muỗi cho người dân đi rừng, ngủ rẫy của các xã. Công tác truyền thông phòng-chống sốt rét cũng được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn triển khai thường xuyên để nâng cao ý thức cho người dân.
Dù rằng gần đây trên địa bàn huyện chưa phát hiện bệnh nhân sốt rét ác tính và chưa có người tử vong vì sốt rét, tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang nóng dần lên, số bệnh nhân tăng cao so với cùng kỳ 2018. “Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương đã vào cuộc cùng với Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức nhiều đợt bắt muỗi, giám sát, điều tra dịch tễ tại nhà dân và vùng rẫy của đồng bào đang sản xuất. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu của các chuyên gia dịch tễ đầu ngành của cả nước trong những năm gần đây nhưng bệnh sốt rét chỉ tạm lắng trong năm 2016, 2017 rồi bắt đầu tăng từ tháng 10-2018. Sang năm 2019 số bệnh sốt rét đang bùng phát mạnh”-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa cho biết.
 ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.