Người sản xuất cà phê VietGAP gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sản xuất nông sản sạch, trong đó có cà phê đang là hướng đi được các cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như ngành nông nghiệp tỉnh ta đặc biệt chú trọng và ưu tiên hướng người dân đẩy mạnh sản xuất. Tuy nhiên, hàng chục hộ dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Đức Cơ đang gặp khó, khi sản phẩm chất lượng mà họ làm ra phải bán với mức giá không tương xứng với công sức bỏ ra.
Giá bán không tương xứng
Nằm trong xu thế chung ấy, năm 2017, ngành nông nghiệp huyện Đức Cơ đã phối hợp với UBND xã Ia Krêl đã tổ chức vận động người trồng cà phê ở thôn Ia Gôn (xã Ia Krêl) thành lập tổ sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhận thấy việc sản xuất cà phê VietGAP là hình thức sản xuất mang tính bền vững, ngoài tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi cung ứng ra thị trường những sản phẩm sạch, việc được hứa hẹn sẽ được doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cũng như được mua với giá cao hơn cà phê sản xuất theo kiểu trước đây nên nhiều hộ dân hào hứng đăng ký tham gia.
Theo đó, Tổ hợp tác sản xuất cà phê vối theo tiêu chuẩn VietGAP được thành lập với tổng số 60 hộ dân tham gia, tổng diện tích thực hiện là 100 ha. Tuy nhiên, viễn cảnh về một tổ hợp tác sản xuất cà phê chất lượng vừa đáp ứng được cho những thị trường khó tính nhất, vừa đem lại thu nhập cao và ổn định đã không xảy ra, khi sản phẩm chất lượng của họ phải bán với mức giá như cà phê sản xuất theo kiểu truyền thống.
Với việc tham gia Tổ hợp tác sản xuất cà phê VietGAP, 1,5 ha cà phê của ông Lê Viết Hợp (thôn Ia Gôn, Ia Krêl) phải bỏ ra công sức và chi phí nhiều hơn so với sản xuất theo kiểu truyền thống. Cụ thể, từ việc phải tuân thu nghiêm ngặt các hướng dẫn về cách bón phân, thời gian bón, thời gian cách ly, tỷ lệ quả chín khi hái, cho đến việc đầu tư sân bãi, nhà kho để bảo quản sản phẩm một cách tốt nhất.
7 tấn cà phê nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Hậu vẫn chưa bán vì chưa có doanh nghiệp mua với giá tương xứng. Ảnh: Q.T
7 tấn cà phê nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Hậu vẫn chưa bán vì chưa có doanh nghiệp mua với giá tương xứng. Ảnh: Q.T
“Niên vụ vừa rồi, gia đình tôi thu được 6 tấn cà phê nhân đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch xong thì tôi chẳng thấy doanh nghiệp nào đến thu mua cả. Để có chi phí đầu tư lại cũng như chi tiêu trong gia đình, tôi đành “bóp bụng” đem bán với giá 36,8 triệu đồng/tấn nhân, bằng với giá cà phê sản xuất theo phương thức truyền thống”-ông Hợp buồn bã nói.
Còn 7 tấn cà phê nhân sản xuất VietGAP của ông Nguyễn Sĩ Hậu (thôn Ia Gôn) vẫn đang mắc kẹt tại kho vì chưa có doanh nghiệp nào thu mua với mức giá tương xứng với công sức mà gia đình ông bỏ ra. 
Ông Hậu nói: “Sản xuất cà phê VietGAP rất mất công, chi phí đầu tư lại cao so với sản xuất theo kiểu truyền thống trước đây nhưng lại chưa có doanh nghiệp nào thu mua với mức giá cao. Do đó, gia đình đành để trong kho từ lúc thu hoạch đến bây giờ với hi vọng sẽ có doanh nghiệp đến thu mua với mức giá tương xứng hơn”. 
Được biết, tổng sản lượng thu được trong 100 ha sản xuất VietGAP niên vụ vừa qua là 500 tấn nhân. Trong đó, hiện dân đã bán khoảng 150 tấn với mức giá bằng với giá cà phê sản xuất theo kiểu truyền thống. Còn 350 tấn còn lại, dân đang giữ lại để chờ tổ hợp tác làm việc với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm với hi vọng sẽ mua giá cao hơn.  
Cần được bao tiêu đầu ra
Theo ông Siu Luynh-Chủ tịch UBND xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, trước đây người dân sản xuất theo kiểu truyền thống mạnh ai nấy làm, rất dễ bị thương lái ép giá và năng suất không cao. Vì thế, xã cùng với ngành chức năng huyện đã vận động dân liên kết thành tổ hợp tác và hướng người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, ngành chức năng xã cũng đã liên hệ trước với 2 doanh nghiệp để thu mua sản phẩm VietGAP cho bà con và những đơn vị này hứa sẽ xuống xem sản phẩm trước khi mua.
“Thực tế, sau khi người dân thu hoạch đã có doanh nghiệp lên kiểm tra sản phẩm và đánh giá sản phẩm đạt chất lượng nhưng sau đó không biết vì lý do gì mà doanh nghiệp này không quay trở lại thu mua, có thể do sản lượng quá lớn”. 
Ông Hoàng Xuân Thủy (trưởng thôn Ia Gôn, kiêm Tổ tưởng Tổ hợp tác sản xuất cà phê VietGAP) cho biết, từ khi bà con thu hoạch xong đến nay đã có 1 doanh nghiệp xuống đặt vấn đề thu mua cà phê VietGAP của dân với giá cao hơn cà phê thường 500 đồng/kg nhưng sau đó không thấy doanh nghiệp này quay lại mua. 
Vườn cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ gia đình ông Thủy. Ảnh: Q.T
Vườn cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ gia đình ông Thủy. Ảnh: Q.T
Ông Thủy nói: “Nếu mua giá chênh 500 đồng/kg thì tính ra cũng chưa tương xứng với công sức đầu tư sản xuất của dân, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì dân không còn mặn mà với sản xuất cà phê VietGAP. Các tổ viên dần mất niềm tin vào tổ hợp tác”.
Theo ông Lê Huy Toàn-Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT), sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chất lượng nói chung và VietGAP nói riêng là phương thức sản xuất tiên tiến, bền vững, vừa sản xuất ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng những thị trường khó tính, vừa thân thiện với môi trường. Do đó, cần khuyến khích người dân sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chất lượng cao nói chung và VietGAP nói riêng.
“Chúng tôi hướng người dân làm theo tổ hợp tác tạo ra cơ chế kiểm soát chéo để đảm bảo chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Sau đó, chúng tôi tổ chức các buổi chợ phiên hoặc mời người mua gặp gỡ người bán để liên kết với nhau tạo thành chuỗi sản xuất. Ở đó, giá cả do người mua và người bán thỏa thuận, chúng tôi không thể can thiệp”-ông Toàn nói.
Có thể nói, việc hình thành tổ liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng là hướng đi cho sự phát triển bền vững của nông sản tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm với mức giá tương xứng với công sức mà người dân bỏ ra…  
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

(GLO)- Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, cần chuyển hóa lợi thế nông sản địa phương thành năng lực cạnh tranh thực thụ để đủ sức vươn xa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (ảnh đơn vị cung cấp).

Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các hộ dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97 tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah). Ảnh: Hữu Minh

Giống lúa TBR97 tại xã Ia Mlah ước đạt năng suất 80 tạ/ha

(GLO)- Sáng 26-4, tại xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung Tây Nguyên (trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed) tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97.