Người dân gặp khó khi ra khỏi... vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ, Gia Lai còn 72 xã thuộc khu vực II và III, giảm 71 xã so với trước đây. Theo đó, người dân ở 71 xã “thoát khó” sẽ không được ưu đãi một số chính sách tín dụng như trước đây.
Không còn được thụ hưởng các chính sách tín dụng tại vùng khó khăn là nỗi lo đối với những hộ vay vốn phát triển sản xuất khi thời gian đến hạn  trả nợ đã gần kề. Anh Anhuê (làng Đak Trôk, xã Đak Yă, huyện Mang Yang) cho biết: “Tôi vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để canh tác 450 cây cà phê. Tháng 11-2021 là đến hạn trả nợ. Tôi có nguyện vọng tiếp tục vay vốn để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, khi xã Đak Yă lên vùng I, sau khi trả nợ, tôi sẽ không được tiếp tục vay theo chương trình này nữa”. 
Ông Nguyễn Văn Hùng (làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) vay 40 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư nuôi 500 con gà đẻ trứng. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ đúng lúc, ông đã xây dựng thêm chuồng trại, mua gà giống, có thu nhập ổn định. Ông Hùng rất băn khoăn khi nghe thông tin sẽ không được tiếp tục vay vốn chương trình này. Ông giãi bày: “Tình hình dịch bệnh kéo dài, giá cả cây trồng vật nuôi cũng bị ảnh hưởng, cùng thời điểm này phải thay giống đàn gà nên thu nhập của gia đình bị sụt giảm. Tháng 12-2021 là đến hạn trả nợ gốc. Tôi rất băn khoăn khi cán bộ tín dụng thông báo Ia Pếch thuộc xã vùng I nên không được tiếp tục vay nguồn vốn này”.
Nhiều gia đình đã sử dụng vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển chăn nuôi để thoát nghèo bền vững (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Sơn Ca
Nhiều gia đình đã sử dụng vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển chăn nuôi để thoát nghèo bền vững (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Sơn Ca
Tại phiên họp định kỳ mới đây, đại diện Ban Dân tộc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tỉnh đều chung nhận định: Người dân sẽ gặp khó khăn khi số xã vùng II, vùng III giảm, các đối tượng thụ hưởng một số chính sách ưu đãi đi kèm cũng giảm theo. Ông Lê Hữu Phong-Phó Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh tỉnh-cho biết: “Sau chương trình hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo thì chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đang có dư nợ cao thứ 3. Đây là nguồn vốn tiếp sức tích cực cho những đối tượng vay vốn không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp Hội Cựu chiến binh cho thấy, hầu hết hộ vay chương trình này đều kiến nghị được tiếp tục vay vốn thêm một thời gian nữa sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Còn bà Trần Thị Hồng Nhung-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Grai thì thông tin: “Tổng dư nợ toàn huyện là 393,9 tỷ đồng với 10.372 hộ vay. Riêng chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn có dư nợ 60,2 tỷ đồng với 1.829 hộ vay, chiếm 15,3%/tổng dư nợ. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, huyện Ia Grai có 13 xã, thị trấn đều là xã vùng I nên các gói tín dụng chính sách cho vay các hộ không phải là hộ nghèo không còn được thực hiện, dẫn đến các đối tượng được tiếp cận nguồn vốn bị thu hẹp. Mặt khác, người dân đều có nhu cầu vay vốn để tiếp tục đầu tư nhưng hiện tại chưa có nguồn vốn tín dụng để giải ngân”.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19, song tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách đạt tới 6,63% trong 6 tháng đầu năm 2021
Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới kéo dài thêm 1 năm kể từ ngày có quyết định công nhận được tiếp tục thụ hưởng chương trình tín dụng cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Ảnh: Sơn Ca
Tương tự, ông Nguyễn Đặng Hoàng Quân-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mang Yang-cho biết: Huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, dư nợ tín dụng chính sách là 293,8 tỷ đồng với 8.331 hộ vay. Trong đó, chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn dư nợ đạt 60,4 tỷ đồng với 1.812 hộ vay. “Trong 5 tháng cuối năm 2021, tổng nợ đến hạn của chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn là 1,275 tỷ đồng, năm 2022 là 5,184 tỷ đồng. Đây là áp lực không nhỏ cho cả ngân hàng và hộ vay vì người dân vẫn có nhu cầu vay thêm vốn để mở rộng sản xuất, tái đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu này, đơn vị đã kiến nghị cấp trên xem xét có chương trình tín dụng khác phù hợp với các hộ có nhu cầu vay vốn không thuộc đối tượng hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để tiếp tục đầu tư sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội”-ông Quân nêu.
Hiện nay, dư nợ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn toàn tỉnh đạt 975,5 tỷ đồng với 27.729 hộ vay. Nguồn vốn của chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp các hộ không phải là hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống. Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh-cho biết: Đơn vị đang đề xuất Chính phủ xem xét đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới được kéo dài thêm 1 năm kể từ ngày có quyết định công nhận được tiếp tục thụ hưởng chương trình tín dụng cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Bên cạnh đó, các xã thuộc khu vực III giai đoạn 2016-2020 nhưng hiện nay không còn trong danh sách khu vực II, III giai đoạn 2021-2025, tiếp tục được thụ hưởng chương trình tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho người dân được vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

(GLO)-Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân tại các xã nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt.

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.