Người cao tuổi vẫn làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phát huy tinh thần “tuổi cao, gương sáng”, nhiều người cao tuổi ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tích cực tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, trở thành chỗ dựa vững chắc cho con cháu.

Rời quê hương Thái Bình vào Krông Pa lập nghiệp từ năm 1984 theo diện kinh tế mới, mặc dù chịu khó làm ăn song do một thời gian dài chỉ biết trồng cây mì, cây mè nên cuộc sống của gia đình ông Đào Văn Thụ (78 tuổi, tổ 10, thị trấn Phú Túc) vẫn không dư giả.

Vì vậy, ông cất công đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số gia trại trong và ngoài tỉnh. Năm 2016, sau một lần về thăm quê, ông được người thân tư vấn về giống ổi ghép nhập từ Malaysia. Sau đó, ông mua 500 cây với giá 250 ngàn đồng/cây về trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha.

Trong quá trình chăm sóc, nhận thấy cây ổi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nắng nóng tại địa phương, quả thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, ông nhân rộng ra toàn bộ 2 ha đất vườn của gia đình.

Để cây ổi phát triển khỏe mạnh, quả không bị rám nắng, ông thả cho cỏ mọc tự nhiên xung quanh gốc cây. Khi cỏ tương đối tốt, ông dùng máy cắt bớt làm thức ăn cho bò. Ông còn căng lưới giảm bớt ánh nắng trực tiếp đến quả ổi. Ngoài sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để giảm chi phí nhân công, ông ủ phân hữu cơ đạm cá để bón cho cây trồng, đảm bảo sản phẩm trái cây sạch cung cấp cho thị trường.

Theo ông Thụ, ưu điểm lớn nhất của giống ổi ghép này là ra quả quanh năm, quả đẹp, ít hạt, giòn, ngọt, mọng nước. Mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch trên 50 kg ổi, cao điểm có thể lên đến 2 tạ, bán với giá 25 ngàn đồng/kg.

“Với chất lượng thơm ngon, ổi thu hoạch được thương lái thu mua toàn bộ. Dịp lễ, Tết, hầu như sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường, thương lái phải đặt cọc từ trước”-ông Thụ phấn khởi kể.

Ông Đào Văn Thụ (tổ 10, thị trấn Phú Túc) thu hoạch ổi. Ảnh: N.H

Ông Đào Văn Thụ (tổ 10, thị trấn Phú Túc) thu hoạch ổi. Ảnh: N.H

Ngoài việc duy trì hơn 1.000 cây ổi, ông Thụ trồng thêm hơn 100 cây dừa xiêm và mít Thái để đa dạng trái cây phục vụ nhu cầu thị trường. Ông đào thêm ao với diện tích 600 m2 vừa trữ nước tưới, vừa nuôi cá rô phi để ủ phân hữu cơ đạm cá bón cho cây trồng. Ông còn nuôi thêm khoảng 100 con gà dưới tán cây. Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho gia đình ông thu nhập trên 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Trong khi đó, trên diện tích hơn 4 ha, ông Phạm Công Sơn (70 tuổi, buôn Ka Tô, xã Chư Gu) phát triển mô hình trang trại kết hợp trồng điều, chuối, rau xanh và chăn nuôi heo rừng lai. Mô hình mang lại cho gia đình thu nhập trên 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Ông Sơn cho biết: Người dân vùng “chảo lửa” bao đời nay gắn bó với con bò. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, giá bò giảm sâu, người chăn nuôi hầu như không có lãi nên ông quyết định chuyển hướng. Giống heo rừng lai dễ chăm sóc, nguồn thức ăn dồi dào, ít bệnh tật, giá bán lại cao và được thị trường ưa chuộng. Chất thải chăn nuôi được gia đình ủ mục bón cho cây trồng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa góp phần cải tạo đất.

Ông Phạm Công Sơn (thứ 2 từ phải qua, buôn Ka Tô, xã Chư Gu) chia sẻ về mô hình chăn nuôi khép kín của gia đình. Ảnh: V.C

Ông Phạm Công Sơn (thứ 2 từ phải qua, buôn Ka Tô, xã Chư Gu) chia sẻ về mô hình chăn nuôi khép kín của gia đình. Ảnh: V.C

Hiện ông Sơn duy trì đàn heo mẹ 30 con. Heo sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa 6-8 con. Nhờ đó, mỗi năm, ông xuất chuồng trên 300 con giống với giá 1 triệu đồng/con. Việc vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho đàn vật nuôi được ông thực hiện nghiêm ngặt.

“Nhiều người khuyên tuổi cao nên nghỉ ngơi nhưng tôi quan niệm còn sức còn làm. Thu nhập ổn định giúp bản thân nâng cao chất lượng cuộc sống, không trở thành gánh nặng cho con cháu. Ai có nhu cầu tham quan, học hỏi, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm”-ông Sơn bộc bạch.

Ông Bùi Văn Thái-Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Chư Gu-đánh giá: Mô hình phát triển kinh tế khép kín của gia đình ông Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao, có nhiều tiềm năng để nhân rộng trên địa bàn. Đảng ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể của xã đã tổ chức nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Hy vọng không chỉ hội viên người cao tuổi mà người dân trong xã mạnh dạn áp dụng mô hình này để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Trọng Trang-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện Krông Pa-cho hay: Không chỉ gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người cao tuổi trên địa bàn huyện còn tích cực tăng gia sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành chỗ dựa vững chắc cho con cháu.

Nhiều hộ được công nhận danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Hàng năm, các cấp Hội đều biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; tổ chức tham quan học hỏi để nhân rộng mô hình, góp phần phát huy trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm của người cao tuổi trong xây dựng quê hương, đất nước.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.