Người bí ẩn trong vụ buôn lậu xăng dầu 2.000 tỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù tòa đã tuyên phạt 12 bị cáo nhưng trong vụ án này, người được xem là cầm đầu đường dây buôn lậu vẫn là nhân vật vô cùng bí ẩn.
Ngày 21-12, sau hơn một tuần xét xử, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên án đối với 12 bị cáo trong đường dây buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện tại Việt Nam. Đây là vụ buôn lậu xăng dầu xảy ra tại Công ty Cổ phần Dương Đông Hòa Phú (Bình Thuận) và chỉ hơn hai tháng, số xăng dầu buôn lậu lên đến cả trăm ngàn tấn với tổng số tiền thu lợi bất chính hơn 2.000 tỉ đồng.
Hơn ba tháng, buôn lậu trót lọt 2.000 tỉ
Theo hồ sơ, ngày 29-1-2016, đoàn kiểm tra liên ngành do Cơ quan CSĐT Bộ Công an chủ trì kiểm tra tàu BTS Christina (Công ty BTS Tankers, Singapore) do ông Romels Pagente Aleria (quốc tịch Philippines) làm thuyền trưởng. Lúc này tàu đang bơm xăng A92 từ tàu lên bồn chứa của Công ty Dương Đông Hòa Phú.
Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty Dương Đông Hòa Phú chỉ khai báo hải quan nhập về hơn 1.800 tấn xăng nhưng trên thực tế tàu BTS Christina đang chở đến 9.300 tấn. Tại thời điểm kiểm tra, đã có hơn 3.200 tấn xăng được bơm ra khỏi tàu.
Từ đây, CQĐT xác định Công ty Dương Đông Hòa Phú đã buôn lậu hơn 7.200 tấn xăng A92, tương đương 155 tỉ đồng. Mở rộng điều tra, CQĐT đã phát hiện từ tháng 10-2015 đến 18-1-2016, công ty trên đã buôn lậu trót lọt 11 chuyến với khoảng 100.000 tấn, tổng trị giá hơn 2.000 tỉ đồng.
Trong vụ án này, Nguyễn Đức Mạnh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú) là người chỉ đạo điều hành của công ty và trực tiếp ký toàn bộ thủ tục, chứng từ liên quan đến nhập khẩu xăng dầu. Còn Đàm Văn Dương (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần giám định World Control) thì tạo điều kiện, giúp sức cho Mạnh buôn lậu trót lọt 10 chuyến với tổng giá trị hơn 1.500 tỉ đồng.
Đặc biệt trong vụ án này, nhiều cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Bình Thuận đã nhận hối lộ, bảo kê, tiếp tay cho đường dây buôn lậu. Trong đó, bị cáo Đinh Hữu Thùy (người có nhiệm vụ kiểm hóa, giám sát hàng nhập khẩu của Công ty Dương Đông Hòa Phú) bị xét xử về tội nhận hối lộ. Đồng nghiệp của Thùy là Lê Văn Vinh bị xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, Đinh Hữu Thùy khai nhận mỗi lần đi kiểm hóa, Thùy đều được Nguyễn Tuấn Anh (nhân viên Công ty Dương Đông Hòa Phú) đưa cho một phong bì 12 triệu đồng. Thùy giữ lại 3 triệu đồng, đưa cho Vinh 3 triệu đồng; 6 triệu đồng còn lại nộp cho đội nghiệp vụ của chi cục. Tổng cộng, Thùy đã nhận hối lộ từ Tuấn Anh gần 150 triệu đồng. Số tiền hối lộ Thùy khai đã nộp một phần về đội nghiệp vụ để lập quỹ…
Các bị cáo đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: PN
Các bị cáo đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: PN
Bí ẩn nhân vật Luyện Xuân Tràng
Nhân vật được xem là bí ẩn nhất trong vụ án này là Luyện Xuân Tràng - người không có bất cứ chức vụ nào tại Công ty Dương Đông Hòa Phú. Theo lời khai của Nguyễn Đức Mạnh, Tràng là người trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động nhập khẩu xăng dầu, mặc dù Mạnh là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú.
Điều khá ngạc nhiên là khi tòa xét hỏi, gần như toàn bộ bị cáo trong nhóm tội buôn lậu của Công ty Dương Đông Hòa Phú đều không hề biết thông tin gì về Tràng và bị can này chỉ liên lạc với Nguyễn Đức Mạnh (tổng giám đốc) và Nguyễn Thanh Sơn (phó tổng giám đốc công ty). Khai tại tòa, bị cáo Mạnh cho biết mình đến nhận công tác vào khoảng tháng 11-2015 với mức lương khoảng 22-25 triệu đồng/tháng. Việc bổ nhiệm bị cáo Mạnh giữ các chức vụ chủ chốt đều do Tràng chỉ đạo miệng. Bị cáo Mạnh cho biết mặc dù không có tên trong công ty nhưng suốt thời gian hoạt động, mọi điều hành đều thông qua Tràng.
“Trước khi bổ nhiệm, bị cáo không biết gì về việc kinh doanh xăng dầu. Trong thời gian giữ cương vị, bị cáo không biết HĐQT của công ty có bao nhiêu thành viên, các cổ đông, cũng như chưa lần nào tổ chức họp hành. Thỉnh thoảng ông Tràng đến trụ sở công ty để xem anh em làm ăn như thế nào” - Mạnh khai.
Mạnh cũng cho biết trong quá trình tổ chức các chuyến hàng xăng dầu lậu, chỉ có bị cáo Mạnh, Sơn và Tràng được biết. Trong đó Tràng là người phân công nhiệm vụ, còn các bị cáo điều hành. Theo Mạnh, Tràng cũng là người đi quan hệ với các đối tác, khách hàng. Sau khi trót lọt một số chuyến hàng lậu, bị cáo mang tiền đến giao cho Tràng tại Hà Nội.
Theo nguồn tin của chúng tôi, Luyện Xuân Tràng năm nay 45 tuổi. Ngày 29-1-2016, khi đường dây buôn lậu xăng dầu này mà cụ thể là tàu BTS Christina bị bắt quả tang, Tràng đã bỏ trốn. Mặc dù hộ khẩu thường trú và nơi tạm trú đều đăng ký ở khu tập thể Giao thông Phố Nối, thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên nhưng trước khi bỏ trốn, Tràng ít khi có mặt ở đây mà thường xuyên xuất hiện ở Hà Nội và TP.HCM...
Tuy nhiên, khi bị CQĐT Bộ Công an khởi tố bị can về tội buôn lậu thì Tràng đã bỏ trốn. Hiện CQĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Tràng.
Mức án cụ thể đối với các bị cáo
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Mạnh (cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Dương Đông Hòa Phú) tám năm tù về tội buôn lậu và hai năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung cho Mạnh là 10 năm tù. Cùng hai tội này, Nguyễn Thanh Sơn (cựu phó tổng giám đốc công ty) bị phạt tám năm tù.
Ở tội buôn lậu, Vũ Văn Bằng (cựu trưởng phòng kinh doanh) bị phạt năm năm tù, bị cáo Nguyễn Đăng Duy (cựu phó phòng kinh doanh) bốn năm sáu tháng tù… Ở tội đưa hối lộ, Nguyễn Tuấn Anh (nhân viên Công ty CP Dương Đông Hòa Phú) bị hai năm tù treo.
Các bị cáo nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Bình Thuận gồm Đinh Hữu Thùy bị phạt bốn năm tù về tội nhận hối lộ, Lê Văn Vinh ba năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…
Phương Nam (PL)

Có thể bạn quan tâm