Nghệ nhân Alip và những người con nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người dân trong vùng không những quý trọng Nghệ nhân Ưu tú Alip (làng Groi Vet, xã Glar, huyện Đak Đoa) bởi sự tài hoa trong truyền dạy cồng chiêng mà còn cảm phục khi ông nhận nuôi 3 đứa trẻ vì không muốn thấy chúng sống trong cảnh mồ côi.
Mặc dù khá bận rộn với việc đồng áng, song nghệ nhân 56 tuổi này vẫn dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc truyền dạy cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ trong làng, trong xã. Không những thế, ông còn nhận lời tham gia truyền dạy cồng chiêng cho học sinh các xã: A Dơk, Kon Gang, Kdang, Ia Pết. Vì với ông, cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống là bản sắc, là nguồn cội dân tộc, không thể để thanh-thiếu niên quên đi vốn quý âm nhạc này. “Vì các cháu còn nhỏ tuổi nên mình kiên trì cầm tay chỉ dạy, vừa dạy vừa động viên, khích lệ”-Nghệ nhân Ưu tú Alip bày tỏ.
Ngoài tình yêu với cồng chiêng và âm nhạc truyền thống, ông còn là người có tấm lòng nhân từ, bao dung khi nhận 3 đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa về làm con nuôi. Chia sẻ về điều này, ông Alip bộc bạch: “Khi nhìn thấy chúng, tôi đã không cầm lòng được”. Đó là câu chuyện của năm 2005, trong một lần sang thăm nhà họ hàng ở xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa), ông gặp 2 anh em Đúc và Nghih. Qua hỏi chuyện, ông biết 2 anh em mồ côi cha từ sớm, mẹ đi lấy chồng khác. Sau đó, ông liền theo về tận nhà ở làng Kon Ma Har (xã Hà Đông) để tìm hiểu rõ hơn về hoàn cảnh. Trước mắt ông là căn nhà chỉ rộng chừng 10 m2 phía cuối làng, quây tạm bằng những tấm tôn cũ và trong nhà không có gì đáng giá. Vì vậy, ông quyết định đưa 2 anh em về nhà nuôi dưỡng.
Em Treng (bìa phải) được vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Alip nhận về nuôi. Ảnh: Phương Dung
Em Treng (bìa phải) được vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Alip nhận về nuôi. Ảnh: Phương Dung
Nói về việc làm của chồng, bà Nhoi chia sẻ: “Khi nghe kể về hoàn cảnh của 2 anh em, mình nói chồng chở nó về nhà, để vậy tội lắm. Vợ chồng mình thích đông con nhưng lại không may mắn như người ta. Không có con ruột thì mình nhận con nuôi”. Từ ngày có 2 anh em Đúc, ngôi nhà sàn của gia đình ông Alip luôn rộn tiếng nói cười. Còn với anh em Đúc, nhờ có bố mẹ nuôi, các em đã có một gia đình trọn vẹn và được quan tâm, yêu thương, chăm sóc. Đúc trải lòng: “Bố mẹ coi 2 anh em mình như con ruột, dạy cho biết đọc, biết viết. Đi đâu bố cũng cho mình theo, từ chăm sóc cà phê, trồng lúa đến đánh cồng chiêng. Bố bảo con trai phải biết làm nhiều việc để sau này còn biết chăm sóc gia đình”.
Ông Thái Văn Hưng-Bí thư Đảng ủy xã Glar: “Ông Alip là đảng viên gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm, luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương”.

Ở với bố mẹ nuôi được 6 năm, 2 anh em quay trở về làng cũ “bắt vợ”. “Lúc đó, bố mẹ đứng ra tổ chức đám cưới cho mình; rồi mua tôn, chở gỗ từ xã Glar sang để sửa lại nhà và cho 1 con bò để làm phương tiện sinh kế”-Đúc tâm sự. Còn Nghih thì được bố mẹ nuôi tặng 1 chiếc xe máy làm “của hồi môn” đúng như nguyện vọng. Không ở gần nhau nên cả hai thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi và thỉnh thoảng lại chở vợ con về thăm ông bà.  

với ông Alip cồng chiêng là bản sắc, là nguồn cuội nên ông luôn dành nhiều thời gan, tâm sức truyền dạy cho thế hệ trẻ
Với ông Alip cồng chiêng là bản sắc, là nguồn cuội nên ông luôn dành nhiều thời gan, tâm sức truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ảnh: Phương Dung
Khi đã chu toàn cho 2 cậu con trai thì một lần nữa ông lại tiếp tục đón nhận thêm Treng-em cùng mẹ khác cha của Đúc và Nghih. Theo lời kể của Đúc, sau khi bố mất, mẹ lập gia đình với người đàn ông khác trong làng và sinh ra Treng. Cách đây 5 năm, bố Treng mất, mẹ đi lấy chồng khác, Treng về sống cùng gia đình chú ruột. Thương em nên 2 anh động viên về ở cùng bố Alip để có cuộc sống tốt hơn. Treng tâm sự: “Ban đầu, em cũng lo sợ, vì chưa đi xa làng, chưa biết bố mẹ nuôi có thương mình không. Khi được về ở cùng, em thấy bố mẹ nuôi rất tốt, rất thương em. Mỗi sáng thức dậy, em theo mẹ đi lấy nước, cùng mẹ làm việc nhà; việc nào chưa biết, mẹ đều nhẹ nhàng chỉ dạy. Bố Alip rất vui tính, chưa khi nào la mắng hay to tiếng với ai”.  
Khi hỏi về những đứa con nuôi, bà Nhoi hướng ánh nhìn trìu mến sang cô con gái nuôi vừa bước sang tuổi 17 và nói: “Mình rất thương chúng nó. Mình cũng nhớ 8 đứa cháu, mình còn muốn các cháu sang ở cùng, càng đông càng vui”. Còn Treng bẽn lẽn chia sẻ: “Sau này có bắt chồng thì em cũng sẽ ở cùng bố mẹ. Em muốn chăm sóc bố mẹ khi về già”.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.