Ngành Y tế Gia Lai nâng cao chất lượng phục vụ người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã không ngừng đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân. Trong đó, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh (KCB) từ tuyến cơ sở vẫn là định hướng lâu dài góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân.
Nâng cao chất lượng KCB
Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh có quy mô 50 giường bệnh. Nhằm nâng cao chất lượng KCB, Trung tâm đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao trình độ nghiệp vụ và tinh thần phục vụ của cán bộ, nhân viên, tăng cường đầu tư trang-thiết bị y tế, xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp. Theo đó, Trung tâm đã chủ động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên như: mở các lớp tập huấn, cử bác sĩ đi học lớp bồi dưỡng về kiến thức y học gia đình do đội ngũ giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) hướng dẫn lý thuyết và thực hành.
Bác sĩ Rơ Mah Ban-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh-cho biết: “Các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm luôn đề cao y đức, thực hiện tốt quy chế chuyên môn, triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình y tế quốc gia và giám sát đảm bảo công tác phòng-chống dịch trên địa bàn. Đồng thời đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác KCB cho người dân”.
 Đội ngũ y-bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Đội ngũ y-bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Tương tự, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê, đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng thường xuyên được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là các bệnh nhân nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em. Công tác tiếp đón, khám bệnh và cấp cứu diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, không gây phiền hà cho người bệnh. Đồng thời, xử lý tốt các trường hợp phẫu thuật cấp cứu ngoại khoa và sản khoa, đưa phương pháp phẫu thuật nội soi cấp cứu tiêu hóa thành phẫu thuật thường quy tại bệnh viện và trang bị hệ thống gọi số tự động tại Khoa Khám bệnh.
Chị Hồ Thị Viên (làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê) nhận xét: “Các y-bác sĩ ở Trung tâm Y tế thị xã rất vui vẻ, tận tình. Trung tâm có nhiều máy móc hiện đại nên người dân được KCB nhanh chóng, thuận tiện mà không cần đi xa. Vì vậy, chúng tôi rất an tâm khi đến đây khám bệnh”.
Phát triển và mở rộng dịch vụ, kỹ thuật y tế
Theo thống kê, hiện nay, mạng lưới y tế toàn tỉnh ngày càng được củng cố. Theo đó, tuyến tỉnh có 6 bệnh viện, 2 chi cục, 3 bệnh viện tư nhân, 5 trung tâm. Tuyến huyện có 17 phòng y tế, 17 trung tâm y tế, 222 trạm y tế tuyến xã. Toàn ngành có 4.355 cán bộ, viên chức, trong đó có 893 bác sĩ, 84 dược sĩ; tổng số giường bệnh tại các đơn vị là 4.050 giường.
Công tác KBC có bước chuyển biến tích cực. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được các trung tâm y tế thực hiện, chất lượng chuyên môn y tế các tuyến từng bước được nâng lên. Cùng với việc xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp, việc chuyển biến rõ rệt về phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tỷ lệ hài lòng của người bệnh. Vì vậy, năm 2019, có hơn 2 triệu lượt người tới KCB, tăng hơn 28.000 lượt so với năm 2018.
Ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế-cho biết: Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng các dịch vụ, kỹ thuật y tế, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng; triển khai có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trong KCB; thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong bệnh viện. Đồng thời, tiếp tục triển khai tốt các nội dung hợp tác với các cơ sở y tế tại TP. Hồ Chí Minh về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu thầu thuốc được tập trung theo quy định để chủ động nguồn cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế. Ngoài ra, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đảm bảo chất lượng thuốc khi đưa vào sử dụng. Ngành Y tế sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng theo các Dự án ADB, HPET về triển khai thực hiện “Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới” và thực hiện Chương trình hỗ trợ chính sách ngành Y tế do EU viện trợ để xây dựng mới, đầu tư trang-thiết bị cho 5 trạm y tế với tổng kinh phí 17,5 tỷ đồng.
 NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.