Ngành Y tế Gia Lai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thời gian qua, Sở Y tế tỉnh Gia Lai tích cực chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các doanh nghiệp CNTT đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh (KCB) trong tình hình mới.

Tăng cường ứng dụng CNTT

Toàn tỉnh hiện có 6 bệnh viện tuyến tỉnh, 2 chi cục, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Pháp y và Trường Trung cấp Y tế. Tuyến huyện có 17 phòng y tế, 17 trung tâm y tế, 220 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 3 bệnh viện tư nhân. Xác định ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và là xu thế tất yếu trong tình hình mới, năm 2017, Sở Y tế và Viettel Gia Lai đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai xây dựng hệ thống y tế thông minh giai đoạn 2017-2020.

Ứng dụng CNTT trong khám-chữa bệnh góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Ảnh: Như Nguyện
Ứng dụng CNTT trong khám-chữa bệnh góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Ảnh: Như Nguyện


Hiện nay, hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế trên toàn tỉnh đã ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, y tế từ xa, xếp hàng điện tử… giúp quá trình quản lý được minh bạch hóa, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian KCB; rút ngắn thời gian chờ đợi, chờ mua thuốc, làm thủ tục xuất viện... Theo thống kê, 239/239 trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường, thị trấn đã được triển khai kết nối internet. Trong đó, 235 trung tâm y tế, trạm y tế được triển khai kết nối internet trên hạ tầng cáp quang và 4 trạm y tế triển khai Dcom 3G. Các đơn vị điều trị tiếp tục ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị đi đầu về ứng dụng CNTT trong KCB. Ông Văn Thành Tâm-Trưởng phòng CNTT (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Đơn vị ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, y tế từ xa, xếp hàng điện tử…; triển khai hệ thống Telemedicine, Telehealth kết nối với các bệnh viện tuyến trên hội chẩn, KCB từ xa; ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao trong công tác KCB, giảng dạy, đào tạo, giám sát dịch bệnh, nghiên cứu. Hiện tất cả các khoa, phòng trong bệnh viện đều có thể kết nối KCB từ xa phục vụ nhu cầu KCB trong tình hình mới.

“Đặc biệt, trong năm 2020, phần ứng dụng CNTT của Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn để phục vụ phòng-chống dịch Covid-19 nói riêng các dịch bệnh khác nói chung và đáp ứng yêu cầu của ngành, của quốc gia và hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Đối với công tác phòng-chống dịch Covid-19, phần mềm ứng dụng giúp giám sát, theo dõi và cung cấp thông tin bệnh nhân khi cách ly để quản lý và kiểm soát tốt hơn. Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt mức 3/7 ứng dụng CNTT so với yêu cầu của Bộ Y tế”-ông Tâm nói.

Bệnh viện Nhi tỉnh triển khai hệ thống bốc số tự động giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Ảnh: Ảnh: Như Nguyện
Bệnh viện Nhi tỉnh triển khai hệ thống bốc số tự động giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Ảnh: Như Nguyện


Bà Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-trao đổi: Việc ứng dụng CNTT tạo tiện lợi và giúp công tác KCB nhanh hơn; thông tin bệnh nhân được lưu trữ đầy đủ ngay từ khi vào viện, tránh sai sót, nhầm lẫn. Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT giúp đơn vị thuận lợi trong công tác quản lý, báo cáo, thống kê, nghiên cứu khoa học. Hiện Bệnh viện Nhi tỉnh có kết nối hội chẩn, KCB từ xa với các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Nhi đồng I, Bệnh viện Nhi đồng II…

Đáp ứng sự hài lòng của người dân

Trước đây, khi chưa ứng dụng CNTT, thời gian khám bệnh trung bình khoảng 30 phút thì nay rút ngắn còn khoảng 15 phút. Thời gian chờ mua thuốc trước khoảng 45 phút nay còn khoảng 15 đến 20 phút; thủ tục xuất viện trước khoảng nửa ngày nay chỉ trong vòng 30 phút. Ứng dụng CNTT giúp lưu trữ dữ liệu của bệnh nhân đầy đủ và các bác sĩ dễ dàng tra cứu thông tin nên công tác KCB cũng thuận lợi hơn, người bệnh cũng hài lòng hơn.

 Ứng dụng CNTT vào mổ nội soi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Ứng dụng CNTT vào mổ nội soi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyện


Bà Lê Thị Thanh (tổ 3, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho hay: Hiện nay, các bệnh viện đều triển khai hệ thống lấy số điện tử, bệnh nhân dễ dàng theo dõi thứ tự của mình giúp rút ngắn thời gian chờ đợi. Ngoài ra, thông tin những lần khám trước của bệnh nhân đều lưu trữ đầy đủ nên bác sĩ cập nhật thông tin tiền sử bệnh, quá trình sử dụng thuốc trước đó và có hướng điều trị thích hợp nên người bệnh an tâm hơn.

Ngoài phục vụ công tác KCB, việc ứng dụng CNTT còn giúp ngành Y tế đạt được hiệu quả cao trong quản lý, điều hành từ tuyến tỉnh đến y tế cơ sở. Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế-thông tin: Giai đoạn 2017-2020, Sở Y tế phối hợp với Viettel Gia Lai triển khai toàn diện, sử dụng thống nhất hệ thống quản lý y tế cơ sở ở 15/17 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và 179/220 trạm y tế. Đối với hệ thống tiêm chủng quốc gia NIIS triển khai tại 220 trạm y tế xã, phường, thị trấn, quản lý gần 137.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Viettel Gia Lai phối hợp với 17 trung tâm y tế triển khai dịch vụ SMS tiêm chủng nhắc nhở đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch và có 210/220 trạm y tế tham gia... Trong công tác quản lý dược, có hệ thống phần mềm quản lý nhà thuốc và bán thuốc trên địa bàn tỉnh tại 559 cơ sở kinh doanh dược trên toàn tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, thực hiện Đề án “KBC từ xa” giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị đăng ký mạng lưới KCB từ xa với các bệnh viện tuyến trên (gồm 3 bệnh viện tuyến tỉnh và 17 trung tâm y tế trên địa bàn) và đã được Bộ Y tế phê duyệt đồng ý cho tham gia mạng lưới 1.000 cơ sở KCB từ xa. Các đơn vị đã đầu tư cơ sở vật chất, lắp đặt kết nối và một số đơn vị đã triển khai KCB từ xa bước đầu thu được kết quả khả quan. Đồng hành cùng ngành Y tế tỉnh trong ứng dụng CNTT, mới đây, Viettel Gia Lai đã tài trợ 4 Trung tâm Y tế: thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Kbang, huyện Chư Pưh hội chẩn KCB từ xa.

“Thời gian tới, trên cơ sở hướng dẫn của Cục CNTT (Bộ Y tế), ngành Y tế tỉnh  xây dựng kế hoạch và triển khai phần mềm Hồ sơ sức khỏe (EHR), hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực y tế trong toàn ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành và hoạch định chính sách. Dự kiến triển khai tại 29 đơn vị trực thuộc Sở trong năm 2021-2022. Đồng thời, triển khai hệ thống phần mềm thống kê y tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm”-Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

 

NHƯ NGUYỆN
 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

(GLO)- Ngày 18-12, tại TP. Pleiku, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Gia Lai tổ chức hội nghị hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh.

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Ngày 14/12, tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật với chuyên đề “Nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị tai mũi họng” được Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức, các bác sĩ đã chính thức công bố về 2 ca mắc bệnh cực hiếm vừa được ghi nhận tại Việt Nam, y văn thế giới mới chỉ có 4 trường hợp được báo cáo.