(GLO)- Sáng ngày 4-1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực.
Tham dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc-Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Trần Cẩm Tú-Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng-Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và Nguyễn Trọng Nghĩa-Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có đồng chí Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Rah Lan Chung chủ trì Hội nghị tạo điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Anh |
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2022, ngành Nội chính Đảng thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Nổi bật là Ban Nội chính Trung ương đã tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị 7 đề án quan trọng. Trên cơ sở đó, tham mưu ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nội chính, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Tham mưu Bộ Chính trị tổ chức thành công hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, tạo bước tiến mới về nhận thức, lý luận, sự tin tưởng, phấn khởi quyết tâm cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, bản lĩnh, quyết liệt, sáng tạo trong tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Ngành cũng tham mưu thành lập và triển khai hoạt động của ban chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố tạo sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, làm cơ sở trong công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Bên cạnh đó, Ban Nội chính các Tỉnh ủy, Thành ủy đã tham mưu các cấp ủy ban hành 1.907 văn bản để cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong năm 2022, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương tham mưu chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử đối với 63 vụ án, xử lý 45 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương theo dõi; trong đó, đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 14 vụ án với 195 bị cáo. Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá trên 160 ngàn tỷ đồng; cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được hơn 27 ngàn tỷ đồng, tăng 18 ngàn tỷ đồng so với năm 2021. Ban Nội chính các Tỉnh ủy, Thành ủy đã tham mưu, đề xuất đưa 301 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế vào diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo xử lý; 451 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành Nội chính Đảng như: Công tác tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Tỉnh ủy, Thành ủy tiến hành kiểm tra, giám sát và thực hiện kiểm tra, giám sát về lĩnh vực nội chính, phòng-chống tham nhũng và cải cách tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ có lúc, có nơi chưa được chú trọng đúng mức. Công tác tham mưu chỉ đạo xử lý đối với các vấn đề phức tạp có lúc còn chưa chủ động, kịp thời. Công tác đề xuất của một số Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế. Công tác phối hợp giữ Ban Nội chính với các cơ quan chức năng có thời điểm chưa chặt chẽ, còn mang tính hình thức…
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Lê Anh |
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2023, ngành Nội chính Đảng sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về nội chính, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; chủ động, sâu sát, quyết liệt trong tham mưu chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực; chủ động phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Nội chính Đảng thực sự “Trung thành - Liêm chính - Bản lĩnh - Tận tụy - Sáng tạo”.
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Trong năm 2022, ngành Nội chính Đảng đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án, nhất là nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng. Tổng kết việc thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Ngành Nội chính đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để tham mưu xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Tổng Bí thư là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào…
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành Nội chính Đảng cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa sai phạm; chú trọng kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, nhắc nhở cán bộ, đảng viên tránh vi phạm, khuyết điểm từ sớm, không để tích tụ khuyết điểm, vi phạm nhỏ thành khuyết điểm, vi phạm lớn, dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật. Đồng thời, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu trong việc giải quyết các vụ việc, vấn đề phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh biên giới, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, không để phát sinh điểm nóng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
LÊ ANH