Ngành điều đã qua cơn bĩ cực?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngành điều đang dần lấy lại sự lạc quan khi có nhiều yếu tố thuận lợi cả về nguyên liệu lẫn giá cả đầu ra được cho là sẽ tạo ra sự khởi sắc cho ngành điều kể từ các tháng cuối năm 2019.  
 
Nguồn nguyên liệu đã không còn là mối lo lớn của DN ngành điều. Ảnh: Nguyễn Hiền.
"Tìm cơ trong nguy”
Năm 2018 được đánh giá là năm “bão tố” của các DN ngành điều do thiếu nguyên liệu, DN cạnh tranh, "giẫm đạp" lên nhau để mua nguyên liệu trong khi giá liên tục tăng cao. Nhiều DN đã phải đóng cửa vì không mua được nguyên liệu để đưa vào chế biến. Trong khi đó, giá điều nhân xuất khẩu đi xuống khiến cho ngay cả những DN có nguyên liệu để sản xuất cũng bị thua lỗ nặng nề.
Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ Tanzania thu mua tạm trữ 250.000 tấn điều thô càng khiến nguồn nguyên liệu trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, lượng điều tạm trữ này của Tanzania còn khiến ngành điều lo ngại về nguy cơ Chính phủ nước này bán ồ ạt điều thô giá rẻ kéo giá nhân xuống theo.
Tuy nhiên, “trái bom nổ chậm” từ Tanzania đã được khống chế sau sự kiện Tập đoàn Tân Long mua 176.000 tấn điều thô trong lô điều tạm trữ kể trên từ Chính phủ Tanzania, khi mà trước đó công ty cũng đã nhập khoảng 40.000 tấn điều thô từ các nước Tây Phi. Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Long lý giải việc tham gia của mình vào ngành điều chính là “tìm cơ trong nguy” và mong muốn tạo được đối trọng với các doanh nghiệp nước ngoài đang cố tình lũng đoạn ngành điều Việt Nam. Theo ông Trương Sỹ Bá, Tân Long có khả năng mua dự trữ khoảng nửa triệu tấn điều thô, trong khi hiện tại mới chỉ mua được trên 200.000 tấn nên nguồn vốn vẫn hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Ông Bá cũng cam kết không bán xả hàng lượng lớn điều thô ra thị trường làm ảnh hưởng đến giá nhân xuất khẩu của Việt Nam mà điều tiết sao cho có lợi cho các nhà máy chế biến của Việt Nam. Tân Long cũng cho biết sẽ mua hết 200.000 tấn điều thô vụ mới của Tanzania.
Như vậy, từ chỗ là “quả bom nổ chậm”, lượng điều thô của Tanzania hiện còn mang lại nhiều lợi thế cho ngành điều Việt Nam. Theo đánh giá của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), việc Tân Long mua lô điều trên về để cung ứng cho các DN chế biến điều của Việt Nam sẽ giảm bớt những khó khăn cho DN chế biến, nhất là những DN nhỏ đang chiếm tới hơn 60% thị phần điều nhân. Bởi hiện các DN đang phải lo tìm nguồn nguyên liệu, bị ép với những điều kiện hợp đồng nhiều bất lợi, rủi ro cao. Đặc biệt hơn, các DN sẽ có nguồn nguyên liệu ổn định, điều tiết được lượng nhân sản xuất ra, từ đó giá điều nhân được nâng lên. Điều này sẽ giúp hình thành được hệ thống van điều chỉnh thô – nhân cho thị trường thế giới.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cũng cho hay, việc mua 176.000 tấn điều từ Tanzania của Tân Long là giao dịch tầm cỡ lịch sử của cả ngành điều Việt Nam và thế giới. Qua giao dịch này, ngành điều Việt Nam cũng trở nên có tiếng nói hơn trên thị trường toàn cầu. Bởi lâu nay, dù giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân, nhưng ngành điều Việt Nam chủ yếu lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, nên luôn bị o ép cả đầu vào lẫn đầu ra, hoàn toàn không có tiếng nói trên thị trường toàn cầu, không quyết định được giá cả.
Qua cơn mưa, trời lại sáng?
Nói về những tín hiệu tích cực của ngành điều trong nước, ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch, Trưởng ban xúc tiến thương mại Vinacas cho hay, sau năm 2018 đầy bão tố, trong năm 2019, số lượng DN thương mại thuần tuý hạt điều thô trên thị trường đã giảm. Những DN chế biến lớn đã tập trung hơn vào lĩnh vực chính, thay vì tham gia thị trường nguyên liệu quốc tế như thời gian trước đó. Điều này giúp cho ngành điều không còn cảnh cạnh tranh bừa bãi, giẫm đạp lên nhau để mua nguyên liệu như trước đó. Thay vào đó, các DN đã tập trung vào phân tích tín hiệu thị trường và có đánh giá cặn kẽ trước khi nhập nguyên liệu cũng như trước khi ký bán điều nhân.
Sự tích cực của thị trường thể hiện qua việc người mua điều nhân đã quay lại mua cho tất cả các kỳ hạn gần và xa. Theo Vinacas, giá điều nhân đi lên từ mức đáy vào cuối tháng 4/2019 là 3,05 USD cho W320, nay đã đạt ức 3,35 – 3,40 USD (giá trung bình của các nhà máy khá lớn). Thậm chí có những đơn hàng cho cả 8 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, người bán đang trong trạng thái kỳ vọng giá cao hơn nhưng người mua vẫn chưa chấp nhận. Vinacas dự báo giá điều nhân và thô trong thời gian tới sẽ ổn định và có xu hướng tăng. Từ những yếu tố trên, Vinacas kỳ vọng xuất khẩu điều nhân năm nay sẽ tăng trưởng 10%, đạt 450.000 tấn thay vì mức 430.000 tấn đề ra trước đó.
Tuy nhiên, ông Hiệp cũng lưu ý rằng giá điều nhân thời gian tới chịu tác động từ nhiều yếu tố, đặc biệt là giá điều thô. Việc mua bán điều thô trên thế giới không chỉ thuần tuý thương mại mà còn yếu tố chính trị, khó dự đoán, trong khi chủ trương của các nước châu Phi hiện đều muốn giữ lại để tự sản xuất.
Về sự dịch chuyển chế biến từ châu Á sang châu Phi do một số ý kiến cho rằng hàng hoá phải chạy lòng vòng, ông Hiệp cho rằng các DN không nên quá lo ngại. Bởi hiệu quả chế biến của châu Phi chưa tốt nên tới đây nhiều DN FDI vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào sản xuất, chế biến điều tại Việt Nam. Một số DN trước đây chỉ thương mại điều thô nay chuyển qua đầu tư vào chế biến tại Việt Nam như Ecom Trading đã thuê lại nhà máy gia công Valency, một số tập đoàn lớn như Artco của Đức cũng đang xây dựng nhà máy chế biến để đi vào sản xuất trong thời gian tới…
Tuy nhiên, Vinacas vẫn khuyến cáo DN cần tăng cường chế biến sâu để có thị trường ổn định và giá cả tốt hơn do sản xuất và cạnh tranh điều nhân sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Nguyễn Hiền (HQ Online)

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.