Nga ký kết với Iran hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện có điều kiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quyết định phê chuẩn hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Iran đã được Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) thông qua tại phiên họp toàn thể ngày 8/4.

ong-pezeshkian-va-ong-putin-tai-le-ky-hiep-uoc-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-anh-tass.jpg
Ông Pezeshkian và ông Putin tại lễ ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện. Ảnh: TASS

Hiệp ước giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Hồi giáo Iran được ký kết vào ngày 17/1 trong chuyến thăm Nga của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.

Văn kiện gồm 47 điều mô tả các nghĩa vụ mở rộng hợp tác kinh tế và các thỏa thuận, tăng cường quan hệ đối tác quân sự và chính trị.

Hiệp ước nêu rõ ý định hợp tác về chính sách đối ngoại để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định của cả hai nước. Đồng thời, xác định các nguyên tắc phát triển quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, du lịch và nhiều lĩnh vực khác.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể sáng nay 8/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết, văn kiện đã được Bộ Ngoại giao chuẩn bị trong ba năm qua với sự phối hợp của các cơ quan liên quan.

Ông khẳng định, Hiệp ước đưa quan hệ giữa Nga và Iran lên cấp độ đối tác chiến lược toàn diện, làm sâu sắc hơn sự hợp tác trên một loạt các lĩnh vực ưu tiên của cả hai nước, xây dựng một hệ thống quốc tế đa cực công bằng.

Tuy nhiên, thỏa thuận hợp tác chiến lược ký kết giữa Nga và Iran không bao gồm điều khoản phòng thủ chung như các hiệp ước mà Moscow đã ký với Bình Nhưỡng và Minsk. Đồng thời, hai nước cam kết hỗ trợ nhau giải quyết bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali phát biểu: "Bản chất của thỏa thuận này khác. Họ (Belarus và Triều Tiên) đã thiết lập quan hệ đối tác (với Moscow) trong một số lĩnh vực mà chúng tôi không đề cập cụ thể. Độc lập và an ninh của đất nước chúng tôi, cũng như khả năng tự lực, là vô cùng quan trọng. Chúng tôi không quan tâm đến việc tham gia bất kỳ khối nào."

Ông Jalali khẳng định việc Iran sẽ tự đảm bảo an ninh của mình.

Hiệp ước có thời hạn 20 năm, tự động gia hạn thêm 5 năm và có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi cả hai nước hoàn tất các thủ tục pháp lý và thông báo cho nhau bằng văn bản.

Văn kiện này nhằm thay thế thỏa thuận hiện tại về nền tảng quan hệ và nguyên tắc hợp tác giữa Nga và Iran được ký năm 2001. Tiến trình thiết lập Hiệp ước mới đã được thực hiện từ năm 2022. Theo Điện Kremlin, văn kiện này phản ánh sự phát triển quan hệ song phương lên một tầm cao mới.

Có thể bạn quan tâm