Từ ngày 1.7 tới đây, tỉnh sẽ chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp tại các xã, phường, đánh dấu bước chuyển lớn trong tổ chức, điều hành bộ máy hành chính. Trong bối cảnh đó, khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức do UBND tỉnh tổ chức từ ngày 11 - 24.6 không chỉ hoạt động chuyên môn định kỳ, mà mang ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng nền tảng cho mô hình quản trị mới hiệu quả, đồng bộ.
Khóa học thu hút gần 7.000 học viên đến từ các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tham gia. Chương trình được thiết kế sát thực tế, tập trung nâng cao năng lực số toàn diện cho người học từ kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng thiết bị và nền tảng số, đến an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quản lý nhà nước. Qua đó, góp phần hình thành đội ngũ “cán bộ số”, những người có khả năng làm chủ công nghệ, thích nghi nhanh với môi trường làm việc mới, hiện đại và linh hoạt hơn.
Như lời khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng tại lễ bế mạc khóa bồi dưỡng, chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu tất yếu; đây là động lực then chốt để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Quan trọng hơn cả, đây là tiền đề để mỗi cán bộ, công chức, viên chức trở thành tác nhân chuyển đổi số, góp phần đưa tỉnh trở thành địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân, DN.
Người đứng đầu đảng bộ tỉnh cũng lưu ý, khóa học này mới là bước khởi đầu. Công cuộc chuyển đổi số sẽ không thành công nếu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chủ động học tập, thích nghi và đổi mới tư duy. Với tinh thần cầu thị, năng động và sáng tạo, con người mới là yếu tố quyết định cho sự thành công của cả bộ máy.
Trước đó, ngày 20.6, UBND tỉnh triển khai vận hành thử mô hình chính quyền hai cấp tại tất cả 58 xã, phường, phần nào thể hiện quyết tâm cải cách của tỉnh. Tuy nhiên, như một “cỗ máy” lớn, sự vận hành trơn tru không thể chỉ dựa vào công nghệ, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và trình độ sử dụng thành thạo các công cụ số từ những người đang trực tiếp điều hành hệ thống. PGS.TS Đoàn Đức Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn (đơn vị phối hợp tổ chức khóa bồi dưỡng), nhận định: Muốn có chính quyền số, trước hết phải có “con người số”. Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng phần mềm, đó là sự thay đổi toàn diện về tư duy, phương pháp làm việc, cách ra quyết định và phục vụ nhân dân. Khóa bồi dưỡng vừa qua chính là bước chuẩn bị thực tiễn, để cán bộ sẵn sàng với môi trường làm việc mới trong guồng quay linh hoạt hơn, hiệu quả hơn và lấy người dân làm trung tâm.
Có thể thấy, chuyển đổi số không còn là khái niệm xa lạ, ngược lại đang thấm dần vào tư duy quản trị và từng thao tác công vụ hằng ngày. Việc tỉnh tổ chức bồi dưỡng bài bản, rộng khắp và có chiều sâu cho đội ngũ cán bộ cho thấy tinh thần sẵn sàng, chủ động trước thềm thay đổi lớn. Đây vừa là bước chuẩn bị kỹ thuật, vừa là quá trình “làm mới” tư duy, đặt nền tảng cho bộ máy chính quyền hai cấp vận hành hiệu quả trong kỷ nguyên số.
AN NHIÊN