NATO tăng mạnh ngân sách quốc phòng và kế hoạch gửi F-16 sang nước thành viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Ngày 15/12, Đài RT đưa tin các thành viên NATO đã đồng ý tăng đáng kể ngân sách dân sự và quân sự của tổ chức này trong năm 2024. Đây được xem là dấu hiệu của sự đoàn kết trong khối quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Nga phản đối NATO khi một số nước vận chuyển F-16 cho Ukraine. Ảnh: TASS

Nga phản đối NATO khi một số nước vận chuyển F-16 cho Ukraine. Ảnh: TASS

Theo tuyên bố của NATO, kế hoạch tăng chi tiêu đã được Hội đồng Bắc Đại Tây Dương phê duyệt tại cuộc họp ngày 14/12. Ngân sách dân sự cho năm tới sẽ tăng 18,2% kể từ năm 2023, lên tới 477 triệu USD. Ngân sách quân sự của khối này cũng sẽ tăng 12% so với năm ngoái, lên tới 2,2 tỉ USD.

Ngoài ra, chương trình đầu tư An ninh NATO (NSIP) là khoản chi tiêu lớn thứ ba, sẽ tăng 30% hằng năm lên 1,4 tỉ USD vào năm 2024.

NATO hướng dẫn mức chi tiêu quốc phòng và phần cứng quân sự nhưng các bên tham gia tự do phân bổ nguồn lực của mình khi thấy phù hợp, trừ điều khoản phòng thủ chung.

Khoản tài trợ chung của các thành viên NATO bao gồm chi phí cho các hoạt động của khối, phân chia giữa các quốc gia thành viên NATO dựa trên quy mô nền kinh tế của họ và Mỹ chịu khoảng một nửa.

Nga vốn coi NATO là tổ chức đối địch và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, nên việc tăng ngân sách quốc phòng của khối này cũng như việc gửi máy bay F-16 sang nước thành viên là điều Moscow không thể không quan ngại.

Moscow vừa viện dẫn sự mở rộng của NATO ở châu Âu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột đang diễn ra giữa Nga với nước láng giềng Ukraine. Trong khi đó, các thành viên NATO và giới lãnh đạo khối này tuyên bố cuộc khủng hoảng Ukraine đòi hỏi họ phải tăng cường chi tiêu.

Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: "Chúng tôi kiên quyết cảnh cáo rằng Moscow coi việc sử dụng các máy bay chiến đấu này từ lãnh thổ các quốc gia thành viên NATO đồng nghĩa với việc các nước đó đang tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine và buộc Nga phải đáp trả”.

Trước đó, nhiều quốc gia NATO bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã cam kết viện trợ hàng chục tiêm kích F-16 cho Ukraine. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nga.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết Moscow sẽ coi F-16 là mối đe dọa "hạt nhân" vì máy bay chiến đấu này có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Ông Lavrov cũng từng tuyên bố việc gửi F-16 tới Ukraine sẽ là "sự leo thang không thể chấp nhận được" và cảnh báo phương Tây không nên "đùa với lửa".

Có thể bạn quan tâm