Nắng thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi sinh ra giữa núi rừng. Ở rừng, làm no bụng chẳng khó nhưng cả ngày cứ tất bật, chẳng mấy khi ngẩng mặt nhìn bầu trời và thảo nguyên xanh. Những ngày bận rộn nối nhau, tôi thành gã đàn ông trung niên lúc nào không hay. Một sớm mai, bước ra đường thấy se lạnh heo may, mới hay đời cũng như mùa đã nếm trải phong sương...
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh nguồn internet
Nhưng khi đi trên những con đường mùa thu nắng rót mật ong thì không thể cầm lòng được. Lúa ôm lấy con đường như muốn nuốt trọn cả màu xanh bao la đang ngả vàng. Lúa chín cuối thu không vàng rực như cuối vụ chiêm, trời thu không chói lòa, nắng như vừa rớt xuống từ chiếc bình khổng lồ, cứ thế lênh láng cả một vùng trong gió mơn man.
Thú thật, tôi đã đi giữa mùa thu của phố. Những chiếc lá rơi trên nền đá xanh mòn vẹt vết chân thế nhân cả trăm năm của đô thị cổ Á Đông. Những thùy lá màu đỏ, màu vàng gieo mình trên mái ngói xanh rêu, sương thu tan trong tiếng vĩ cầm, nắng thu lấp lánh ô cửa ngôi trường Đại học Đông Dương cổ kính... Nhưng, thu phải là của quê mùa, nơi mùa được đặt tên. Phải là cuốc bộ, bước chân trở về quê hương sau quãng đời mải miết bon chen mới thấy nắng thu lấp lánh trên đường. Đi mãi, đi mãi thấy sắc vàng vẫn gần lắm mà chưa tới được, thoáng chốc nắng đã dẫn ta tới sân nhà.
Tôi nhớ những mùa thu thức dậy, mặt trời mọc từ lúc nào không hay bởi nắng dịu dàng lặng lẽ. Nắng xiên ngang, soi những tia sáng như mũi tên xuyên thủng vào căn nhà vắng, nhuộm vàng những hạt bụi đang bay. Ký ức ùa về nghẹn ngào. Bao năm rồi, mọi đồ đạc trong nhà, những bộ quần áo của cha mẹ vẫn đơn sơ vậy, như ngoài kia, rau ngót, rau lang, ngọn ớt... vẫn thảo thơm bát canh ngày đôi bữa. Vậy còn mồ hôi, nước mắt của cha mẹ tan chảy đi đâu? Đã gửi cả vào sách bút của mình. Bỗng dưng thấy nắng thu như câu thơ, gợi chứ đâu cần lên tiếng.
Dưới bóng tre già là mùa thu thơm khô. Nắng đọng lên thân tre đằng ngà vàng óng, trên chiếc lá vàng kêu xào xạc. Thế mà trong ký ức của tôi nơi làng quê, nắng có một thanh âm rất lạ. Nắng rọi qua tán lá, chú trâu nghiêng đầu, tiếng mõ vang lên, nghe như thanh âm của những mảnh nắng chạm vào nhau.
Nắng thu ùa về bên nong phơi măng khô của mẹ, ướp vào từng sợi măng thoang thoảng hăng hăng, ánh màu hổ phách. Mùi của nắng nhắc tôi chả mấy mà hết năm. Tôi nhìn lên mái nhà, cả một vùng quê đang nhuộm nắng hoàng hôn của chiều thanh vắng. Trên khuôn mặt mình là nắng, cây rơm vàng nắng, cúi xuống cái sân gạch tưởng như có thể vốc từng vốc nắng ánh lên từ hạt thóc vàng. Cũng như nắng, tôi sẽ không dừng lại, tôi bước tiếp đến những miền đất lạ để một sớm mai lại được trở về quê hương trong một ngày đẹp trời. Như hiểu thấu lòng tôi, nắng đang vẫy gọi lấp lánh ở cuối con đường mòn.
Bùi Việt Phương

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...