Nam Yang: Nỗ lực giữ chuẩn nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ và chính quyền xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) đang triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục giữ vững thành tích đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo các tiêu chí nâng cao.
Vận động người dân vào cuộc 
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Trung-Bí thư Đảng ủy xã Nam Yang-cho biết: Xã Nam Yang được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014. Hiện nay, xã đang tập trung triển khai thực hiện công tác bảo hiểm y tế toàn dân, xây dựng môi trường và an toàn thực phẩm, chú trọng thu gom và xử lý rác thải từ vỏ chai lọ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo môi trường khu vực có nhà máy xay xát. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được thi công hoàn thành công trình hệ thống mương thoát nước trục đường chính tại các khu vực công cộng, xây dựng công trình cổng chào của xã, lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền xây dựng khu vui chơi giải trí cho người già và trẻ em, đồng thời tiếp tục vận động nhân dân đồng thuận trong công tác quy hoạch xây dựng khu chợ mới của xã... Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2020 xã tiếp tục giữ vững 19/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Trụ sở xã Nam Yang. Ảnh: Thanh Nhật
Trụ sở xã Nam Yang. Ảnh: Thanh Nhật
Giai đoạn 2016-2018, từ nguồn kinh phí gần 1,8 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp gần 219 triệu đồng), xã đầu tư xây dựng các công trình nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 1 và thôn 2, xây dựng mương thoát nước trục đường chính tại các khu vực công cộng. Ngoài ra, nhân dân còn góp vốn sửa chữa các tuyến đường liên đội, mở đường với kinh phí trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, mô hình “góp của, góp công xây dựng NTM” được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Đầu năm 2017, nhân dân đóng góp kinh phí vét mương thoát nước trên trục đường chính của xã và bê tông hóa vỉa hè trục đường chính. Bà con một số thôn còn góp kinh phí sửa chữa nhà văn hóa thôn, làm mương thoát nước, làm trụ cờ mẫu, góp phần tạo cảnh quan NTM của xã…
Ông Nguyễn Công Phương-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-bộc bạch: “Phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM và các phong trào thi đua yêu nước đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của người dân. Đi đầu trong các phong trào trên có hộ ông Ngô Văn Tiên và ông Đoàn Thâm với thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Hội Liên hiệp Phụ nữ có các chị: Nguyễn Thị Vân, Mai Thị Kim Phượng, Võ Thị Nga, Mai Thị Hằng được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen về công tác Hội và phát triển kinh tế gia đình. Tiêu biểu trong phong trào phòng-chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự có các ông Nguyễn Ban, Nguyễn Trung Kiên, Dương Tấn Trọng. Về xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu có hộ ông Bùi Tương, Trần Thanh Dân...”.  
Chú trọng phát triển kinh tế
Một góc trung tâm xã Nam Yang. Ảnh: Thanh Nhật
Một góc trung tâm xã Nam Yang. Ảnh: Thanh Nhật
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy xã Nam Yang đã tập trung hướng dẫn và tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và phát triển đời sống. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã hơn 11.000 con, trong đó đàn heo 3.450 con, đàn bò hơn 600 con (bò lai chiếm hơn 60,7%), đàn gia cầm hơn 6.000 con… Cùng với đó, xã cũng quan tâm phát triển cây công nghiệp dài ngày và chuyển đổi cây trồng phù hợp ở những diện tích thường xuyên xảy ra hạn hán. Hiện tổng diện tích cây trồng toàn xã là 1.117 ha, trong đó cà phê 660 ha (cà phê tái canh 27 ha), hồ tiêu 358 ha, cây hàng năm 99 ha...
Ông Nguyễn Xuân Tùng-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Xã đã thành lập tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch với trên 50 hộ tham gia; thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang vào quý IV-2017. Hợp tác xã đã xây dựng thương hiệu tiêu Lệ Chí với các sản phẩm tiêu sọ, tiêu đen, tiên đỏ, tiêu ngũ sắc… Bộ sản phẩm tiêu Lệ Chí đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018. Hợp tác xã còn liên kết với một số đơn vị, doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu thương hiệu tiêu Lệ Chí, trưng bày và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua các hội chợ nông sản”. 
Đề cập đến một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Tùng nhấn mạnh: “Xã quan tâm hướng dẫn nhân dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với sơ chế, tiêu thụ sản phẩm, từng bước tăng khả năng cạnh tranh. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ động phòng-chống dịch bệnh, thiên tai. Phát triển chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ lai cải tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo. Tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất vườn cây. Đặc biệt là thực hiện xây dựng NTM theo các tiêu chí nâng cao, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, phát triển dịch vụ theo hướng đa ngành nghề, mở rộng mạng lưới thương mại với các xã lân cận... để duy trì sự phát triển ổn định và bền vững”.
Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.