Năm 2022, ngành Y tế Gia Lai phấn đấu không để "dịch chồng dịch"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 21-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị được kết nối tới 23 điểm cầu trên toàn tỉnh.
Theo Sở Y tế Gia Lai, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và là năm đầy khó khăn đối với ngành Y tế tỉnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, ngành Y tế đã có nhiều cố gắng hơn bao giờ hết, triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng-chống dịch bệnh với quyết tâm cao để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trước đại dịch.
Trong năm 2021, ngoài các trường hợp mắc Covid-19, các bệnh truyền nhiễm khác đa số giảm hoặc bằng so với cùng kỳ năm 2020; đặc biệt là sốt rét và sốt xuất huyết giảm mạnh; không có ca sốt rét ác tính và không có tử vong do sốt rét. Các bệnh truyền nhiễm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, rubella, zika không ghi nhận trường hợp mắc. Trong năm, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế toàn tỉnh triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng-chống Covid-19; tổ chức tốt việc phân luồng, phân tuyến khám-chữa bệnh; bố trí các khu vực cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tỉnh đã thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 vùng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; 13 bệnh viện điều trị Covid-19 (trong đó có 3 Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19; đã giải thể Bệnh viện dã chiến số 1). Kích hoạt và vận hành các cơ sở cách ly tập trung do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý và các khách sạn.
-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh Như Nguyện
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Như Nguyện
Công tác khám-chữa bệnh trong năm qua được triển khai hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; đảm bảo việc khám-chữa bệnh cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế; đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh. Thực hiện tốt công tác xây dựng tiêu chí quốc gia về y tế xã; nâng hiệu quả và năng lực hoạt động của y tế cơ sở, nhất là y tế tuyến xã; tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc chương trình y tế-dân số; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, toàn tỉnh không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm... 
Trong năm 2022, ngành Y tế tỉnh phấn đấu thực hiện mục tiêu chung là không để dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh trên địa bàn tỉnh; không để xảy ra “dịch chồng dịch”. Phấn đấu giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho nhân dân. Phát triển và củng cố hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở, phấn đấu mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, thực hiện công bằng trong khám-chữa bệnh. Từng bước nâng cao chất lượng dân số.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều tham luận, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị trong việc triển khai công tác y tế trong năm tới. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đánh giá số ca mắc, số ca tử vong liên quan đến dịch Covid-19 của tỉnh Gia Lai thấp nhất so với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh, thành trên cả nước. Đây là kết quả đáng ghi nhận mà ngành Y tế Gia Lai đã đạt được trong năm 2021. Nhận định tình hình dịch trong thời gian tới sẽ rất phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu cần thống nhất phương án phòng-chống dịch trong năm 2022 và những năm tiếp theo trên bối cảnh đã phủ mũi 2 và mũi 3 vắc xin phòng Covid-19. Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, Trung tâm Y tế các địa phương phải thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa khám-chữa bệnh thông thường, vừa điều trị bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, đối với các ý kiến tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu ngành Y tế có trả lời bằng văn bản và tổng hợp gửi UBND tỉnh. Trong đó, lưu ý các chế độ, chính sách đối với cán bộ, y tế đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại các bệnh viện dã chiến để có sự động viên kịp thời đối với lực lượng tuyến đầu.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh đã trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 tập thể, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 1 tập thể và 1 cá nhân, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 6 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân số và công tác phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.