Mường Lò một thoáng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi đang lang thang Mường Lò trong một hoàng hôn rợn ngợp. Khói đốt đồng, những dáng cô gái Thái mềm mại trong chiều, tiếng côn trùng, cánh châu chấu bay, những đứa trẻ con đi bắt châu chấu, những con trâu nghênh những cặp sừng như những vầng trăng nhỏ xiên xiên trong gió. Mà gió thì miên man lểnh loảng đưa cái hương ruộng nửa ngạt ngào khao khát, nửa nồng khê...

Thị xã bên bờ sông Hồng
Đến thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) lúc giữa trưa, chúng tôi ăn vội bữa trưa với đặc sản thịt trâu xào và gà đồi luộc, rồi tiếp tục đón xe đò đi tiếp. Tất nhiên đường vào Mường Lò không thể bằng con đường Hà Nội- Yên Bái được. Nhưng cứ nghĩ những bài báo đã đọc về thị xã Nghĩa Lộ xưa thì có lẽ bây giờ dứt khoát một trời một vực...
Cầu Yên Bái. Ảnh V.C.H
Cầu Yên Bái. Ảnh V.C.H
Thực ra mục tiêu của chúng tôi là Mù Cang Chải- nơi mà hôm sau sẽ diễn ra “Lễ hội danh thắng ruộng bậc thang quốc gia Mù Cang Chải”. Mường Lò mở ra trước tôi một thế giới dù nó còn cách Mù Cang Chải 100 cây số.

Mường là đơn vị cư trú của người Thái. Có 4 mường nổi tiếng ở Tây Bắc là Mường Then, ta gọi là Mường Thanh- tức Mường trời ở Điện Biên, Mường Lò là làng của ông Lò Lại Trượng- ông tổ của người Thái ngày nay, Mường Than ở Lai Châu và Mường Tấc ở Sơn La. Tôi và nhà văn Hoàng Thế Sinh men trên những bờ ruộng mảnh như lá lúa chênh vênh như câu “Inh lả ơi” dân ca Thái...
Bây giờ nó là thị xã Nghĩa Lộ, nhưng tôi vẫn thích gọi Mường Lò hơn, nghe nó... hoài cổ, dư ba và bản sắc. Cái thung lũng Mường Lò là vựa lúa của Yên Bái, nghe anh Sinh nói anh đã viết “Miền gái xinh” ở đây, nhưng quả thật là cho đến giờ thì tôi vẫn... chưa thấy gái xinh ở đâu. Sự lam lũ của những người đàn bà ở đây đã khiến cho cái “miền gái xinh” nọ như là lặn vào đâu đó phía sau những rặng núi thăm thẳm dựng đứng kia, còn bây giờ, nhập nhòa hoàng hôn, những dáng, những bước đi tất tưởi, những xoe xóe cãi vã, những nhếch nhác áo quần khiến cho dù rất muốn lãng mạn tôi cũng không thể thi vị hóa những gì đã thấy...
Trên xe có một cô giáo viên có hành trình khá lạ. Bố Hải Phòng, mẹ Hà Tĩnh, gặp nhau ở huyện Krông Pak (Đak Lak), sinh ra cô. Cô học sư phạm ở Hà Nội và bây giờ dạy ở... Mường Lò. Tôi kể cho anh Sinh nghe, anh nói một thành ngữ người miền núi: Rễ cây thì ngắn, rễ người thì dài.
Thiếu nữ Mường Lò. Ảnh: V.C.H
Thiếu nữ Mường Lò. Ảnh: V.C.H
Khách sạn Nghĩa Lộ 7 tầng, khá lớn so với thị xã này, nằm ngay trung tâm là nơi chúng tôi tá túc. Chiều nay, chúng tôi ngồi xếp bằng giữa Mường Lò trong một quán cơm uống ly rượu 138. Ban đầu tôi rất ngạc nhiên, rượu gì mà như nghe tên chỉ thị. Thì ra nó là tên một chỉ thị thật, Chỉ thị 138 về xóa cây thuốc phiện. Người ta nhổ mang đi vứt thì mấy bợm nhậu và chủ quán lén mang về ngâm rượu uống. Tất tần tật cho vào thẩu và rượu lềnh phềnh rễ cây củ quả... Tôi uống và thấy nó cũng... như mọi loại rượu khác, tất nhiên có thể nó có giá trị giải quyết khâu oai, bởi nếu không sợ, có khi tôi cũng làm một lọ về... dọa bạn bè.

Uống rượu với Thắng cố
Thị xã nhỏ mà dài. Rất vắng. Có hai khu nối nhau bằng cây cầu Yên Bái, tức là thành phố bị chia đôi bởi con sông Hồng nổi tiếng. Đã có lần tôi lên Phú Thọ với Giáo sư Văn Như Cương và hân hoan chụp với ông một bức ảnh ở đấy rồi về khoe tít mù rằng ta đã thượng nguồn sông Hồng. Thế mới biết càng đi càng thấy mình bé, càng đi càng như ếch ngồi đáy tăng xê. Buổi sáng tôi và Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái Nguyễn Ngọc Chấn đi bộ chừng bốn năm cây số ăn sáng vừa ngắm phố luôn. Ông Chấn chỉ cho tôi đây là nơi từng ở của Lê Đạt, nhà của Ngọc Bái, nơi kia từng quần tụ những người tham gia khởi nghĩa Yên Bái..., thấy phố yên tĩnh mà mừng, và cũng không hiểu người ta còn giữ được vẻ yên tĩnh của thành phố Yên Bái như thế này được bao lâu nữa trong thời buổi kinh tế thị trường này...
Phở chua Yên Bái khác với phở chua Lạng Sơn. Cũng như thế, miếng thắng cố ngựa đầu tiên trong đời là tôi ăn ở đây, Yên Bái, trong một chiều mưa.
Nhà sàn người Thái ở Mường Lò. Ảnh:V.C.K
Nhà sàn người Thái ở Mường Lò. Ảnh:V.C.K
Mấy anh ở Yên Bái hẹn đúng 18 giờ 30 phút sẽ bắt đầu tiệc ngựa. Tôi thắc mắc sao lâu thế thì không ai trả lời. Đi thăm thú rồi về khách sạn trú mưa, đúng 18 giờ 30 phút có mặt thì thấy chú ngựa vừa đổ ập xuống. Đi thẳng ra sau rửa tay quay lại đã thấy trên mâm đĩa thịt ngựa xào bốc khói, có cảm giác miếng thịt còn hy hóp thở. Rượu cao ngựa bạch, thịt ngựa xào gừng, mới được hai tuần sau màn chào hỏi thì nồi lẩu được mang vào để trên cái bếp từ. Món chính của con ngựa đây, thắng cố. Tôi đã nghe từ lâu cái món nổi tiếng của người Mông này.
Nhà văn Hoàng Thế Sinh gắp cho tôi miếng ngon nhất của con ngựa trong nồi thắng cố: Cái khúc ruột tròn tròn săn chắc trắng nhễ giòn sần sật, chắc nó tương đương cái phèo của heo. Thắng cố khác món lẩu bò ta hay ăn có lẽ là nó mang tính “hợp chủng quốc” hơn lẩu bò. Tức là tất cả cái gì của con ngựa cũng được cho vào đấy ninh lên. Ở chợ thì là một cái chảo tổ bố, xương thịt lòng mề lúc nhúc, khách ăn thì được chủ bếp lấy môi múc cho cả cái cả nước vào một cái tô, uống rượu thì thôi rồi. Còn ở đây thì có thêm rau, rất nhiều rau các loại, và các loại xương xẩu thì ít hơn thịt, ngoài ra còn có thể “ăn dặm” những là ngựa xào, ngựa nướng, ngựa quay, ngựa xông khói...
Chủ quán là một người Thanh Hóa. Biết trong mâm là các nhà văn, nhà báo, anh ta hào phóng sai vợ xách cả cái can “gối đầu giường” ra. Cũng là cao ngựa bạch, nhưng cái khác nhau giữa ngựa bạch chúng tôi vừa uống và chỗ mang ra sắp uống là ở liều lượng cao. Và vừa uống vừa nghe y kể về ngựa bạch. Trước hết là có mấy cấp độ bạch. Người bình thường đi tìm mua ngựa bạch thường chọn là trắng hết, trừ mắt đỏ môi đỏ. Chủ quán bảo vứt. Đấy mới là bạch thường. Ngựa đại bạch đúng nghĩa là tất cả cùng trắng, đến từng sợi lông mi, lưỡi, môi... Và tất nhiên là mắt trắng ảo mị. Hiện có một con như thế đang chào bán với giá 60 triệu đồng. Tiết canh ngựa bạch không phải vua chúa quân vương nào cũng được thời nhé. Nó mát nó bổ mọi nhẽ. Cái tim cái gan cái phổi cái thận không nói, nhưng cái món hộp số của nó thì cũng không thể bỏ qua.
Ít thời gian quá. Tôi phải rất cương quyết mới thoát được cái bắt tay đầy lưu luyến của Hoàng Thế Sinh. Thôi, tạm biệt Yên Bái, sẽ có ngày gặp lại...
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.