Một mảnh đời bất hạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện tại vẫn có một “bản sao” của chị Dậu đang bươn chải giữa bộn bề cuộc sống. Kể từ khi sinh ra, chị chưa biết đến hai từ “sung sướng” bao giờ, quanh năm sống quay quắt trong cơn bĩ cực.
Người phụ nữ đó tên thật là Nguyễn Thị Bích Phượng nhưng thường họ gọi gán ghép tên chị là Phượng Dậu hay chị Dậu (nhân vật trong tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố) để nói lên cái sự nghèo và nỗi niềm bi đát của chị.
Không mảnh đất “cắm dùi”
Biết tôi đến, chị đã lội bộ hơn 3 km ra trung tâm xã Ia Le, huyện Chư Pưh (Gia Lai) để đón. Trước mắt tôi là người phụ nữ với nước da ngăm đen, gương mặt góc cạnh khắc khổ và già hơn so với tuổi 40. Cái bắt tay nhẹ nhàng nhưng tôi vẫn cảm nhận được độ thô ráp, sần sùi từ đôi bàn tay gầy gò. Trong căn chòi ở nhờ tại làng Puối A, tôi như thấy được hình ảnh một “chị Dậu” ngày nay.
Mẹ con “chị Dậu” bên căn chòi ở đậu. Ảnh: Bá Kiến
Mẹ con “chị Dậu” bên căn chòi ở đậu. Ảnh: Bá Kiến
Theo lời chị kể thì quê chị ở tận Sa Đéc, Đồng Tháp. Trước năm 1975, gia đình chuyển lên Đak Lak sinh sống, lập nghiệp. Mặc dù, sống trên mảnh đất Tây Nguyên từ khi mới lọt lòng nhưng cái chất giọng đặc sệt miền Tây Nam bộ của chị vẫn không phai. “Năm tui lên 5 tuổi má mất vì bệnh, đến năm 14 thì cha cũng theo má mà đi, bỏ tui ở lại với bà dì ghẻ. Bà xấu tính lắm, không ở nổi nên năm 18 tuổi tui đã bỏ nhà đi làm thuê và tự sống bằng đôi tay của mình”-chị Phượng nhớ lại thủa thiếu thời không mấy êm ả.
“Do duyên số”, khi chị đi làm thuê cho đại lý thu mua nông sản thì gặp anh Trần Nguyên Thạch ở Đồng Nai lên đây làm công, rồi hai người nên duyên chồng vợ. Sau đám cưới đơn sơ với vài chén rượu nhạt, vợ chồng chị về Đồng Nai sinh sống và sinh được đứa con gái đầu lòng. Năm 1999, cả nhà lại dắt díu nhau lên Gia Lai và có thêm hai, ba, bốn, năm… mặt con. Quanh năm suốt tháng đi làm thuê, làm mướn nhưng vẫn nghèo. Ngay cả “mảnh đất cắm dùi” cũng không có, phải xin ở nhờ tại chòi, trại trên rẫy của người ta. Cuộc sống lây lất “rày đây mai đó”, bất định, với chị, “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” nên thành ra quen. Hơn 10 năm sinh sống ở xã Ia Le, thì gần đây chị mới làm được hộ khẩu tại địa phương.
“Tui chuyển chỗ ở không biết mấy chục lần rồi, người ta thương tình thì cho mình ở lâu, còn không thì đuổi đi nơi khác. Nhiều năm nay tui chưa hề biết đến cái gọi là nhà”-chị thở dài về cái thành tích kỷ lục hiếm ai có được. Rồi đôi mắt chị lưng tròng khi nghe nhắc đến người chị gọi là chồng, chị không thể ngờ được đó là kẻ đã đạp đổ hạnh phúc nhỏ nhoi mà bấy lâu chị cố công vun đắp.
Người chồng đốn mạt
“Bèo, nước gặp nhau”, chị Phượng đến với Thạch như “duyên trời định”, rồi có tới 5 mặt con. Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, chị suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà không hề hay biết chuyện tày đình đang ngày ngày diễn ra sau lưng chị. Một hôm, chị như chết khựng người khi nghe con nhỏ thì thầm vào tai: “Má ơi, lâu nay cha bắt con làm “chuyện người lớn” và dọa con không được nói chuyện này với ai”.
Chị chua xót kể lại: “Lúc con bé T. bị ổng quan hệ thì nó mới 11 tuổi thôi, tui nói chuyện với ổng thì bị ổng đánh đập xém chết. Ổng dọa, trong nhà chỉ có ba người biết thôi, hễ có người thứ tư biết chuyện này thì ổng giết chết. Tui sợ quá nên cũng giấu. Một thời gian sau khi ổng bỏ đi rồi quay trở về, tui tưởng ổng hối cải nên không đả động gì đến chuyện này nữa, để vợ chồng cùng nhau chung sống nuôi con. Ai ngờ ổng chứng nào tật ấy, lại tiếp tục quan hệ với con bé, khi bị tui phát hiện thì ổng đánh đập, đuổi tui ra khỏi nhà. Ổng tàn ác lắm, có lần ổng xô tui vào nồi bánh tét đang nấu, thiếu chút nữa là mất mạng. Không còn chịu đựng được, tui nhờ hàng xóm báo Công an bắt, rồi tòa xử ổng tù chung thân”.
Chị nói, đã bấy lâu chị không khóc được “vì không còn đâu nước mắt”. Việc con bé T. bị chính người cha ruột hãm hiếp khiến lòng chị đau đớn, không khi nào được thanh thản. Sau chuyện đó, bà con bên nội cũng không thừa nhận, không coi chị và các con là người thân.
“Chị Dậu” với 3 đứa con còi cọc do thiếu chất. Ảnh: Bá Kiến
“Chị Dậu” với 3 đứa con còi cọc do thiếu chất. Ảnh: Bá Kiến
Nghèo như “chị Dậu”
Trong căn chòi chật chội đang trú tạm: Tầng dưới là nơi để phân bón của chủ vườn và cũng là nơi ăn cơm thường ngày của bốn mẹ con; trên gác, chỉ có manh chiếu rách để ngủ khi đêm về và thùng áo quần cũ mèm. Với chị, chỗ ở như thế vẫn còn may, bởi nhiều nơi khác có khi còn tệ hơn, không che nổi mưa to, nắng gắt. Chị Phượng cho biết: “Bé T. năm nay đã 19 tuổi rồi, nó đang đi làm công nhân ở Đồng Nai. Còn bốn mẹ con tui vẫn sống tạm qua ngày ở đây”.
Mở thùng gạo thấy hết trơn, nồi thức ăn chỉ có vài cái tóp mỡ lẫn với măng rừng để nguội. Tôi hỏi nhà đã ăn cơm trưa chưa, mấy đứa trẻ đều lắc đầu. Thằng út Trần Nguyên Tới lên tiếng: “Má, tí nữa nói chuyện với chú xong nhớ đi mua gạo nha”. Nhìn ba đứa trẻ ngang đầu nhau, thấp còi, có dấu hiệu suy dinh dưỡng mà ngậm ngùi, xốn xang trong lòng. Chị than thở: “Tài sản trong nhà chẳng có chi đáng giá cả đâu, hàng ngày tui phải đi làm thuê kiếm tiền mua gạo, mắm. Mùa cà phê thì đi hái cà phê, mùa tiêu thì hái tiêu, còn không thì đi làm cỏ… Có khi không lấy đâu ra tiền, cả nhà phải nhịn ăn qua bữa. Không biết ông bà kiếp trước sống sao mà mình lại khổ đến mức này nữa”.
Cuộc sống quá nghèo túng, chị đành lòng “cho bớt” người ta hai đứa con mà chị từng đứt ruột sinh ra. Chị nói ngập ngừng: “Sanh được 6 đứa con nhưng đã cho 2 đứa rồi, tui cho chứ không bán buôn gì hết. Một đứa mới 1 tuổi thì cho một gia đình không có con ở huyện Krông Năng, Đak Lak nuôi, người ta cho lại 1 triệu đồng. Lúc đó, vì chuẩn bị sinh đứa nữa, với lại con còn nhỏ không có ai chăm nên cho người ta. Còn đứa thứ hai thì cho cặp vợ chồng bác sĩ ở huyện Chư Sê, họ cho lại 500 ngàn đồng”. Không chỉ “cho” con, ngay cả con chó vàng cũng bị chị bán đi. Chị phân bua, “do con chó nó ăn gà, chòm xóm mắng dữ quá nên chị mới bán”. Sau những việc đó, người ta đính luôn cho chị cái tên “Phượng Dậu” hay “chị Dậu”. Kể ra, so với nhân vật chị Dậu thuộc “bậc nhất, nhì hạng cùng đinh” thì tình cảnh bây giờ của chị Phượng cũng “nghèo rớt mồng tơi”.
Nhiều người bảo, chị “cho” con đôi khi thành hay, chúng nó còn được cuộc sống no đủ, được học hành. Đã 40 tuổi, cũng gần hai thứ tóc trên đầu nhưng một chữ bẻ đôi chị cũng không biết, bốn đứa con của chị cũng chưa một lần đến trường và “mù chữ” như mẹ. Kể đến đây, chị lôi ra tập giấy khai sinh khoe: “Nhờ chú Chung giúp đỡ, xin nhà trường nên năm nay cả ba đứa: Thằng Tiến 12 tuổi, Tú 10 tuổi, với thằng Tới 9 tuổi đều được vào học lớp 1”. Tôi hỏi thằng Tiến, nó bảo: “Con không thích đi học đâu”. Rồi cái Tú thì nhanh nhảu tiếp lời: “Con cũng không muốn đi học vì thương mẹ không có tiền”.
“Áo quần của các cháu đang mặc cũng nhờ bà con, chòm xóm thương tình họ cho. Nhiều lúc tui khổ tâm lắm chớ, mình làm mẹ nhưng không làm tròn trách nhiệm”-chị Phượng nghẹn ngào nói.
Gặp ông Hoàng Hữu Chung-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le, ông cho biết: “Thấy hoàn cảnh gia đình khổ quá, không có điều kiện cho con cái học hành nên tôi đã đến gặp Ban giám hiệu Trường Kim Đồng để xin cho ba cháu đi học lớp 1. Tôi cũng đã đề nghị xây nhà cho gia đình chị Phượng theo Chương trình 167 của Thủ tướng Chính phủ nhưng do chưa có đất bố trí nên đành chịu. Hiện các cháu đi học rất thiếu thốn, không có sách vở, áo quần mới để đến trường”.
Nói về nguyện vọng của mình, chị không dám mơ ước gì cao sang, chỉ mong “Ông trời thương tình, ban cho sức khỏe để làm việc nuôi con”. Cuộc sống vẫn tất tả ngược xuôi, thầm mong cho gia đình “chị Dậu” có một nơi ở ổn định, sinh kế để nuôi con và mong rằng bạn đọc gần xa có thể hỗ trợ, giúp đỡ một phần để chị Phượng giảm bớt một chút khó khăn, để các con chị được đến trường học chữ.
Bá Kiến

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.