Một đêm ở Kon Pne

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gió thổi ù ù, sàn sạt, quất những làn hơi lạnh buốt lên thịt da người. Thung lũng như một cối xay khổng lồ hút gió từ trên cao đổ xuống rồi chuyển động, xoay vòng đủ chiều. Lạnh. Người dày lên áo ấm, khăn quàng, trong chạng vạng chiều chỉ thấy hai con mắt…
Vậy là tôi cũng đến được xã Kon Pne (huyện Kbang, Gia Lai), nơi mà mấy năm trước ai nghe nhắc tới cũng đều lè lưỡi. Nào là chống gậy đi bộ cả hai ba ngày đường mới tới. Muỗi, vắt nhiều như lá rừng. Đi khó, về càng khó… Thì cũng đúng thôi, tôi ngồi trên xe ô tô mà còn sởn tóc gáy nữa là. Đường từ thị trấn huyện Kbang vào xã Kon Pne dài ngót trăm cây số nghĩ lại chẳng thấm tháp gì với hơn chục cây số đường đèo trước khi tới xã, phải nói chính xác đó là chiếc bẫy của tử thần thì đúng hơn.
Trung tâm xã Kon Pne. Ảnh: Nguyễn Huy
Trung tâm xã Kon Pne. Ảnh: Nguyễn Huy
Đường hẹp, dốc, quanh co liên tục, nhiều đoạn xuống cấp, mặt đường trơ cả đá, một bên vách núi, bên kia là vực, chẳng biết sâu đến đâu bởi sương mù dày đặc. Xe hai cầu, tài xế “tay lái lụa” thâm niên gần 30 năm mà xe cứ xóc nảy, rung bần bật, có lúc lại như trôi nhẹ trong lớp sương lãng đãng bay trên mặt đường. Mất gần tiếng đồng hồ mới xuống hết đèo. Sương đã tan. Ba làng của xã Kon Pne nằm rải rác trong thung lũng. Trước mắt tôi là những mảnh ruộng nhỏ bàn cờ, những chòi lúa trên ruộng (còn gọi là nhà đầm) trông như sa bàn. Cánh đồng lạnh vắng.
Mấy năm trước Kon Pne còn là “ốc đảo”, không được “nín thở” ngồi trên xe ô tô như bây giờ, theo nhiều người tả lại thì phải chống gậy bởi nếu không cẩn thận bị trượt dốc coi như toi mạng! Kon Pne bấy giờ có đến mấy “không”: Không đường, không trường học, không điện, không trạm y tế, không chợ… Đời sống tự cung, tự cấp, người dân chưa biết dùng tiền. Các vị lãnh đạo tỉnh lúc đó, đặc biệt là Bí thư Tỉnh ủy, lặn lội vào đến đây tận mắt chứng kiến đời sống cực kỳ khó khăn của đồng bào Bahnar Kon Pne nên đã quyết định đầu tư cho vùng sâu này thông qua các nguồn vốn của Trung ương và địa phương.
Đó là câu chuyện trong bữa cơm chiều tại nhà ăn của UBND xã Kon Pne. Thực phẩm mua từ thị trấn Kbang chở vào khi chiều theo xe của huyện để tiếp đoàn cán bộ tỉnh và huyện vào công tác. Còn đặc sản địa phương có đĩa rau rừng luộc, chấm với muối é, ăn rất ngon miệng, tất nhiên không thể thiếu món rượu khỏe (rượu ngâm với loại sâm đá đặc hữu ở Kon Pne). Thấy tôi tỏ vẻ bất ngờ khi nghe những thông số về mức đầu tư cho Kon Pne, ông Măng Đung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ngồi gần gật đầu xác nhận: “Xấp xỉ 50 tỷ rồi đó, 50 tỷ chia đều cho hơn 1.200 dân”. Tôi ngẫm nghĩ, đầu tư chừng ấy tỷ đồng cho Kon Pne cũng phải thôi, chỉ tính riêng con đường từ Đak Krong vào đây đã ngốn cả vài chục tỷ mà vẫn chưa đâu vào đâu, nắng thì không sao chứ nếu mưa xuống coi như đoàn chúng tôi phải ở lại xã dài ngày.
Khu dân cư ở xã Kon Pne. Ảnh: Nguyễn Huy
Khu dân cư ở xã Kon Pne. Ảnh: Nguyễn Huy
Quả thật cũng đáng khâm phục cho sức người, từ chỗ vài năm trước không có gì mà thoáng chốc đã có cơ ngơi đồ sộ. Cùng với trụ sở UBND xã hai tầng tại làng Kon Ktonh làm trung tâm thì các công trình hạ tầng khác bao quanh cũng đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng phục vụ dân sinh: Điện, điện thoại, trường học, trạm y tế, nhà rông văn hóa và đặc biệt là trạm thu phát truyền hình. Gạch, sắt thép, xi măng, ngói lợp, nước… bao nhiêu thứ dùng cho thi công công trình vận chuyển vào được đây an toàn là cả một sự thành công lớn. Sau hơn 30 năm, nói chính xác là sau nhiều thập kỷ, vùng sâu, vùng cực kỳ khó khăn Kon Pne đã phần nào mang dáng dấp một thị tứ văn minh, giao lưu được với nhiều vùng khác trong huyện, người dân nơi đây đã đổi đời!
Sau bữa cơm tập thể, tôi cùng một đồng nghiệp “dạo phố” Kon Pne, từ trụ sở UBND xã sang trường học rồi trạm truyền hình. Một vài người dân cúi thấp người co ro đi về phía cuối làng. Gió thổi ù ù, sàn sạt, quất những làn hơi lạnh buốt lên thịt da người. Thung lũng như một cối xay khổng lồ hút gió từ trên cao đổ xuống rồi chuyển động, xoay vòng đủ chiều. Lạnh. Người dày lên áo ấm, khăn quàng, trong chạng vạng chiều chỉ thấy hai con mắt… Các thầy- cô giáo đang chuẩn bị cơm tối. Có vài chục giáo viên song phải chia làm hai bếp, khu này khu kia cho dễ nấu nướng.
Phải nói rằng giữa bao nhiêu công trình hạ tầng ở Kon Pne thì sự xuất hiện ngôi trường phổ thông là một dấu ấn quan trọng nhất đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội vùng sâu này. Người Kon Pne bao đời dựa lưng vào dãy Kông Ka King, sản vật núi rừng đủ nuôi sống nhiều thế hệ nên chưa xem trọng việc học. Đã vậy giao thông lại cách trở nên cái chữ trở thành một điều gì đó xa vời… Bây giờ trường phổ thông Kon Pne có đến 22 lớp tiểu học và trung học cơ sở, có cả giáo viên tiếng Anh, giáo viên mỹ thuật, chả thua kém gì các trường ở thị trấn huyện. Giáo viên ở đây hưởng chế độ thu hút vùng đặc biệt khó khăn nên thu nhập cũng khá, người ít nhất cũng xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng cho nên bữa cơm khá tươm tất, có thịt, cá và cả rau xanh mua từ thị trấn huyện hoặc từ xã Sơn Lang vào.
Ai đó đã đốt một đống lửa trước sân ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng “nhà đài” Phạm Tồn Nhơn, Nguyễn Thị Nghĩa và cùng ngồi quanh sưởi ấm. Vợ chồng nhà đài đang làm việc, tiếp sóng từ vệ tinh. Chuyện của họ đủ để viết cả cuốn tiểu thuyết. Số là Nhơn vào đây trước rồi đến cô vợ vào thăm thấy chồng vất vả và cũng không muốn làm phận vợ chồng Ngâu nên bèn… xin lãnh đạo đài chuyển mình vào luôn. Và họ đã ở đây hơn 4  năm, con gửi ngoài thị trấn cho ông bà ngoại, ngoài chăn nuôi heo, gà còn bán thêm nước giải khát, kẹo bánh… cho đỡ buồn- cô Nghĩa cười tâm sự.
Đêm đã khuya, bếp lửa còn đỏ than, thêm mấy thầy- cô giáo sang hàn huyên. Họ kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu tiên đến vùng đất xa nhất, khó khăn nhất tỉnh này. Không ai nghĩ rằng mình có thể ở được vài tháng vậy mà họ đã trụ lại đến hôm nay và nhiều cặp đã bén duyên đôi. Bất chợt tôi nhớ lại các anh cán bộ xã khi chiều, nào là Bí thư Đảng ủy xã Trương Văn Tư tăng cường từ huyện vào, Phó Bí thư Đinh Kre là thế hệ trưởng thành tại đây, còn nữa những người như thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phong, cô giáo Hồng Hương, cô giáo Nhớ... chắc chắn chính họ chứ không ai khác sẽ làm thay đổi diện mạo của Kon Pne trong tương lai…
Vui chuyện không biết đêm đã sang canh từ lúc nào. Ngước về phía đông, bên trên ngọn núi Kông Ka King xa mờ, trời đã hửng sáng...
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.