Trước chuyến đi Krông Pa lần này, tôi và một đồng nghiệp ở Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh đã phải vạch ra rất nhiều phương án với mong muốn là ghi được những hình ảnh về hoạt động phá rừng vốn đang rất nóng bỏng ở mảnh đất được mệnh danh là “chảo lửa” này. Thế nhưng xuống đến nơi mới biết, những tính toán của chúng tôi hóa ra là thừa khi hình ảnh “lâm tặc” thồ gỗ từ rừng ra trên những chiếc xe máy độ chế cứ nhan nhản bày ra giữa thanh thiên bạch nhật.
Ra ngõ gặp… “lâm tặc”
“Lâm tặc” vận chuyển gỗ bằng xuồng qua hồ chứa nước Ia Mláh. Ảnh: Tiến Dũng |
“Thế muốn tìm lâm tặc thì đi đâu?”. Câu hỏi của tôi vừa buột ra đã nhận được câu trả lời từ phía anh bạn: “Chỗ nào mà chẳng có. Nhưng tốt nhất là ông cứ vào Ia Mláh hay lên Ia Rsai hoặc ra bến đò Phú Cần, kiểu gì cũng gặp”.
Đúng như những gì anh bạn nói, vừa vào đến đầu xã Ia Mláh, chúng tôi đã gặp ba chiếc xe máy chở phía sau những khúc gỗ dài chừng hơn một mét, được đẽo khá vuông vắn của “lâm tặc” đang bon bon trên con đường bê tông phẳng phiu, rộng rãi mà Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 mới hoàn thành cách đây mấy tháng. Nhác trông thấy chiếc ô tô biển số xanh của chúng tôi, tưởng xe của kiểm lâm đi bắt gỗ, nhanh như cắt, ba chiếc xe lao vội vào con đường mòn mất dạng.
Bỏ qua sự tiếc nuối về một khung hình sống động, xe chúng tôi tiếp tục chạy lên hướng công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mláh. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những khúc gỗ tròn có, vuông có xếp ngay ngắn trên bờ đập. Bên dưới lòng hồ, một chiếc xuồng máy chở hơn 10 khúc gỗ lớn vuông vắn, ước khoảng gần 1 mét khối đang từ phía xa tiến vào. Xuồng vừa dừng máy, tốp “lâm tặc” đã vội vàng nhảy xuống, hè nhau khiêng những khúc gỗ vứt xuống chân đập. Ngay cả khi phát hiện thấy chúng tôi quay phim, chụp ảnh, đám “lâm tặc” vẫn thản nhiên như không có chuyện gì, tiếp tục khiêng gỗ từ chân đập lên bờ đập. Rồi chỉ một lát sau khi một “lâm tặc” rút điện thoại ra gọi, những chiếc xe máy độ chế không biết từ đâu vù vù chạy đến chở gỗ đi.
Rời Ia Mláh, xe chúng tôi vòng về bến đò Phú Cần. Sông Ba mùa này nước đã gần cạn nhưng muốn qua sông vẫn phải đi đò. Trong ánh chiều chạng vạng, không khó để nhận ra một tốp năm chiếc xe máy lặc lè rễ trắc phía sau vừa từ hướng xã Ia Rmok leo lên đò qua sông. Trả khách xuống bến Phú Cần, người lái đò thật thà cho chúng tôi hay, hàng ngày, có rất nhiều người chở gỗ, rễ trắc từ hướng Ia Rmok qua sông nhưng đều không bị kiểm lâm bắt giữ.
Không chỉ ở Ia Mláh, Phú Cần mà hầu như ở xã nào của huyện Krông Pa, từ Ia Rsươm, Chư Rcăm đến Ia Rsai, từ Krông Năng, Ia Hdreh tới Ia Rmok, Chư Drăng, Uar… chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe độ chế chở gỗ trên đường, bất kể ngày hay đêm. Ngoài phương tiện chủ yếu là xe máy, gần đây, “lâm tặc” còn tăng cường sử dụng thuyền máy để vận chuyển gỗ trên sông Ba và sông Krông Năng. Cách này vừa chuyển được nhiều gỗ lại vừa tránh được nguy cơ bị phát hiện và bắt giữ.
Bất lực hay buông lỏng?
“Lâm tặc” đang chở gỗ qua suối ở xã Ia Rsai. Ảnh: Tiến Dũng |
Những lý do trên là điều hoàn toàn có thực và cần được chia sẻ. Song không thể lấy đó để đổ lỗi cho những yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua của các cấp chính quyền và các ngành chức năng huyện Krông Pa. Trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện Krông Pa sáng 24-11, khi đề cập đến tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép đang nóng bỏng của huyện, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã bày tỏ sự bức xúc: “Trên các tuyến đường có rất nhiều lực lượng kiểm soát như: Kiểm lâm, Cảnh sát Kinh tế, Quản lý Thị trường. Vậy tại sao xe chở gỗ trái phép vẫn đi lọt?”. Chủ tịch Phạm Thế Dũng cho rằng, trong thực tế số vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện phải lớn hơn gấp 2-3 lần con số 143 vụ mà huyện đã phát hiện và xử lý từ đầu năm đến nay. Và để xảy ra tình trạng trên là do cấp lãnh đạo còn chưa nghiêm.
Theo ông Trần Đức Lương- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Pa, cán bộ trong đơn vị hầu như không xử lý được bao nhiêu các vụ vận chuyển gỗ trên đường sông vì không có phương tiện. Ngoài ra, tình trạng cán bộ xã bỏ qua cho “lâm tặc” còn diễn ra thường xuyên. Thậm chí, có cán bộ xã còn đứng ra xin xỏ cho “lâm tặc” khi bị bắt giữ. Còn theo ông Bùi Khắc Quang thì một số cán bộ kiểm lâm địa bàn chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao và vẫn còn có hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ.
Bên cạnh những lý do nói trên, tình trạng phá rừng ở Krông Pa còn do sự buông lỏng về mặt quản lý của chính quyền với các cơ sở kinh doanh mua bán, chế biến gỗ trên địa bàn. Mặc dù những năm qua không có chỉ tiêu về khai thác gỗ rừng tự nhiên cũng như rừng trồng nhưng huyện vẫn cấp giấy phép tràn lan cho các cơ sở kinh doanh mua bán, chế biến gỗ trên địa bàn. Tính đến tháng 5-2011, toàn huyện có đến 58 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể có giấy phép kinh doanh mua bán, chế biến gỗ. Vậy các cơ sở chế biến trên lấy đâu nguyên liệu để sản xuất nếu không phải từ nguồn cung của “lâm tặc”? Đây là câu hỏi quá dễ để trả lời, nhất là khi việc hợp thức hóa gỗ trái phép thành gỗ hợp pháp hiện đã là “sở trường” của các cơ sở chế biến.
…Với sự yếu kém trong công tác quản lý của chính quyền và các ngành chức năng huyện, dễ hiểu tại sao những năm qua Krông Pa lại là điểm nóng về phá rừng của tỉnh. Chưa có một báo cáo nào đánh giá về sự thay đổi hiện trạng rừng trên địa bàn huyện Krông Pa những năm gần đây, nhưng theo ông Trần Đức Lương, cứ nhìn vào khúc gỗ mà “lâm tặc” khai thác ngày càng nhỏ là đủ biết rừng Krông Pa đã cạn kiệt. Mà khoảng cách từ những cánh rừng cạn kiệt đến những cánh rừng bị cạo trắng vốn chẳng quá xa nếu chính quyền và các ngành chức năng của huyện không sớm có những hành động tích cực.