Mặt trận Tổ quốc phát huy vai trò phản biện xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hàng năm, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, trong đó chú trọng hoạt động phản biện xã hội.

Theo ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, phản biện xã hội là nội dung quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Do đó, hàng năm, căn cứ vào chương trình, kế hoạch của địa phương, Mặt trận các cấp tổ chức các hội nghị phản biện theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội”. Hội nghị phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa phù hợp trong các văn bản; đóng góp những ý kiến sát, đúng cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh tham gia ý kiến vào dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Ảnh: Anh Huy
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh tham gia ý kiến vào dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Ảnh: Anh Huy


Trong năm 2021, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tổ chức 57 hội nghị phản biện xã hội, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các dự thảo văn bản. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 2 hội nghị phản biện xã hội về: dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; dự thảo Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Tại các hội nghị, các chuyên gia, đại diện một số tổ chức chính trị-xã hội, thành viên Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực tham gia ý kiến trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm.

Tham gia góp ý dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, bà Rơ Chăm HYéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh-kiến nghị: “Nên bổ sung thêm đối tượng là người cao tuổi dân tộc thiểu số vào dự thảo báo cáo vì đây là đối tượng yếu thế rất cần được hỗ trợ”. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất nâng chỉ tiêu hướng dẫn viên du lịch là người dân tộc thiểu số được đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức cơ bản về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từ 30% lên 50% (năm 2025) và 70% (năm 2030); xem xét bổ sung thêm lĩnh vực thể thao và phấn đấu đạt 90% thôn, làng có sân bãi tập luyện thể dục thể thao; một số chỉ tiêu cần rõ ràng, tránh chung chung, tương đối…

Với dự thảo Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, một số ý kiến cho rằng nên mở rộng đối tượng xuất khẩu lao động và dự báo, đánh giá đúng thị trường lao động; hỗ trợ người lao động vay vốn để có kinh phí đi xuất khẩu; trang bị kiến thức cho người lao động liên quan đến văn hóa nước sở tại để họ nhanh chóng thích nghi. Ông Nguyễn Thành Huế-nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-nhìn nhận: “Lợi ích của xuất khẩu lao động là điều không thể bàn cãi và việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, mỗi năm đưa 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng thì chưa tương xứng với tiềm năng nguồn lao động trong tỉnh, chưa tương xứng với quy mô, nội dung và giải pháp”. Ông Nguyễn Xuân Ảnh-nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế-xã hội Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-kiến nghị: Cần kéo dài thời gian thực hiện đề án đến năm 2030 thay vì 2025; bổ sung thống kê số doanh nghiệp đang hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các ý kiến tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố và Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tham gia góp ý bằng văn bản. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ý kiến đóng góp thể hiện rõ trách nhiệm của các đại biểu với nội dung phản biện; nhiều ý kiến phân tích, lập luận chặt chẽ, khoa học. Trên cơ sở đó, Mặt trận các cấp tổng hợp và chuyển về các đơn vị để chắt lọc bổ sung, hoàn thiện dự thảo trước khi ban hành.

 

ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.