"Mắt thương nhìn đời"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2009, khi tuyển tập thơ văn về Pleiku mang tên “Quà của phố” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phối hợp với UBND TP. Pleiku ấn hành, không ít bạn đọc đã dành nhiều tình cảm cho bài thơ “Pleiku và lữ khách”. Càng bất ngờ hơn khi biết đó là tác phẩm của một người xuất gia. Vẫn biết đạo pháp và thơ ca luôn có sự song hành bất tận nhưng để có một con người yêu thơ ca, thổi vào thơ ca cái hồn của đạo, của đời, của hoa lá cỏ cây để mỗi ngày nhìn cuộc đời bằng đôi mắt yêu thương như Thượng tọa Thích Giác Tâm-Trụ trì chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) thì quả thật rất hiếm có và đáng trân quý.
Những tưởng một nhà tu hành nay đã ngoài 60 chỉ đủ sức khỏe để lo tròn Phật sự, nhưng ít ai biết rằng Thượng tọa Thích Giác Tâm còn dành những phút giây nghỉ ngơi ít ỏi để làm thơ, viết văn. Khi cuốn tùy văn “Con về còn trọn niềm tin” (Nhà Xuất bản Phương Đông, 2012) còn vang vọng dư âm về ánh sáng của niềm tin với Phật pháp, với tình yêu thương con người thì vừa qua, tác giả lại bất ngờ cho ra mắt tập thơ với cái tên đầy ấn tượng “Nghìn thu rụng tiếng nguyệt cầm đầu non” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2019). Tuyển tập 125 bài thơ ấy bàng bạc những khắc khoải, suy tư của một tâm hồn thi sĩ giàu lòng nhân ái.
  Bìa tập thơ “Nghìn thu rụng tiếng nguyệt cầm đầu non” của Thượng tọa Thích Giác Tâm. Ảnh: T.T
Bìa tập thơ “Nghìn thu rụng tiếng nguyệt cầm đầu non” của Thượng tọa Thích Giác Tâm. Ảnh: T.T
Trong tập thơ này, tác giả chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát truyền thống để diễn đạt những ý niệm trong lòng. Cầm tập thơ trên tay có cảm giác thân thương vô cùng vì thơ của Thượng tọa Thích Giác Tâm trước hết là lời của một người con nhớ mẹ. Chỉ dung dị thế thôi! Tình yêu thương mẹ tự đáy lòng muôn đời không cần những ngôn từ “đỏm dáng”. Tác giả viết rất nhiều bài thơ về mẹ, trong đó phải kể đến: “Mẹ và trăng”, “Bài thơ tiễn mẹ”, “Nhớ mẹ”, “Thương mẹ giùm tôi”… Còn nhớ trong bài tùy văn “Hạc trắng xa khơi”, tác giả kể rằng nhiều lần về thăm nhà nhằm ngày chay của mẹ, thấy mẹ ăn cơm với muối trắng, bỗng rưng rưng nhìn tuổi già của mẹ, vừa phục vừa thương. Có lẽ cũng từ những xót xa đó mà khi bà mất, tác giả đã viết như thế này: “Vào một ngày xuân sớm/Mẹ tôi đã qua đời/Mắt đôi bờ hoang lạnh/Mai vàng nở rụng rơi/Từ khi mẹ tôi mất/Hàng giậu trắng hoa cài/Để những năm xuân nữa/Buồn gió trúc mưa mai”. Hay chỉ một câu thơ “Mẹ hiện hữu cho trần gian vơi khổ” cũng đủ cất lên những bao la lòng mẹ và cũng đủ để mỗi người hiểu rằng nỗi đau mất mẹ là không gì sánh được. Thượng tọa Thích Giác Tâm đã ôm hình bóng mẹ suốt một cuộc tử sinh như thế!
Trụ trì chùa Bửu Minh luôn tâm niệm ngôi chùa là văn hóa gốc, chùa còn là văn hóa còn. Vì lẽ đó, hình ảnh mái chùa cong trầm mặc có tiếng chuông sớm giữa hư ảo sương mù luôn thường trực trong thơ ông: “Quê tôi gần núi nhiều mây/Có mây ngũ sắc phủ đầy trà xanh/Ngôi chùa là của chúng sanh/Là nơi nương tựa an lành thập phương”. Cũng từ nơi đó, tác giả đã sống cuộc đời tu hành, biết ngả lòng thương lấy những sinh linh bé nhỏ như chiếc lá vàng rơi bên cổ tháp, hàng thông xanh trìu mến hay những vật vô tri như hòn đá, bóng mây… Thượng tọa Thích Giác Tâm đã viết trong lời ngỏ của tập thơ rằng: “Lá cỏ muôn thuở vẫn im lìm bên triền vắng, vườn cau gãy đổ bao lần trong quên lãng vô tâm nếu không có thi ca gợi nhớ đem về. Cội tùng trên đỉnh núi muôn triệu năm vẫn đứng đó chơ vơ, lịm chết nếu không có thi nhân đem những khắc khoải, thao thức của mình thổi vào đó một sự sống bất diệt, một trăn trở vĩnh cửu”. Quả thật, tác giả đã làm thơ bằng cả tấm chân tình của một con người biết vui buồn tận cùng với cuộc sống. Đạo pháp và thơ ca ở đây quyện vào nhau đến mức rất khó để định ra được những riêng-chung. Trong thơ Thượng tọa Thích Giác Tâm, ta không thấy sự trắc trở, khúc quanh của vần điệu mà ý nối ý, lời nối lời khiến cho bài thơ nào cũng như một dải lụa mềm chảy từ tâm thức, không hề dụng công theo một trường phái thơ ca nào.
Trong lời giới thiệu tập thơ “Nghìn thu rụng tiếng nguyệt cầm đầu non”, nhà văn Mang Viên Long viết: “Thơ Thích Giác Tâm đều có chung một suối nguồn của tâm hồn an tịnh và tỉnh giấc, chân thật và hồn nhiên, bám rễ từ thực tại trước mắt nên dễ có được sự đồng cảm của người đọc”. Điều này lý giải vì sao thơ của tác giả Thích Giác Tâm có sức cuốn hút như vậy.
Thật khó lòng để gợi tả cho hết những chân giá trị của một tuyển tập thơ, càng khó hơn khi muốn lột tả một tâm hồn có “mắt thương nhìn đời” dù đã trót nặng duyên với cửa Phật. “Nguyện cầu trái đất màu xanh/Cho chim còn hót cho cành nở hoa/Nguyện cho khắp cõi Ta Bà/Cơm no áo ấm nhà nhà an vui/Nguyện đừng tắt nắng mặt trời/Nguyện trăng hiện hữu cõi đời theo đêm”… Lời thơ như tiếng hát cất lên với những ước nguyện chân thành mà tác giả dành đến cho con người và cuộc đời. Đọc “Nghìn thu rụng tiếng nguyệt cầm đầu non”, ta thêm một lần nữa tìm đến những nẻo về của tình thương.
 THẠCH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.