Mang Yang quan tâm hỗ trợ sinh kế cho người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang đã triển khai hỗ trợ sinh kế phù hợp theo nhóm cộng đồng, từ đó tiếp thêm động lực để người dân vươn lên thoát nghèo.

Nguồn vốn để hỗ trợ sinh kế cho người dân được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang lấy từ Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ông Hlưng-Trưởng nhóm nuôi bò sinh sản làng Đăk Yă (xã Đăk Yă) chăm sóc bò được hỗ trợ. Ảnh: N.D

Ông Hlưng-Trưởng nhóm nuôi bò sinh sản làng Đăk Yă (xã Đăk Yă) chăm sóc bò được hỗ trợ. Ảnh: N.D

Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang đã triển khai xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng giúp hộ nghèo, cận nghèo hình thành các nhóm hộ chăn nuôi, trồng trọt theo nhu cầu để từng bước vươn lên thoát nghèo.

Năm 2024, từ nguồn kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng của Tiểu dự án 1-Dự án 3, Trung tâm phối hợp với các xã triển khai 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhóm cộng đồng, trong đó có 2 nhóm chăn nuôi bò và 5 nhóm trồng trọt tại các xã: Đăk Yă, Hra, Kon Thụp, Đak Ta Ley và Đăk Trôi. Riêng tại làng Đăk Yă (xã Đăk Yă), Trung tâm hỗ trợ 13 con bò sinh sản cho 13 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Anh Hlưng-Trưởng nhóm nuôi bò sinh sản làng Đăk Yă-cho biết: “Làng Đăk Yă có 25 hộ nghèo, 98 hộ cận nghèo. Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, nguồn thu nhập chủ yếu trông chờ vào gần 800 cây cà phê của cha mẹ cho. Vừa rồi, gia đình được hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Bản thân tôi được bà con bầu chọn làm trưởng nhóm, có nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn 12 hộ nghèo, cận nghèo của làng cách thức chăn nuôi bò. Hàng tuần, tôi đến từng hộ kiểm tra, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, cách phòng bệnh cho vật nuôi”.

Còn chị Thuen (cùng làng) thì cho hay: Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống chủ yếu dựa vào 2 sào lúa nước và tiền công làm thuê hàng ngày. Trong khi đó, 3 đứa con còn nhỏ nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

“Vừa rồi, tôi được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản và tham gia nhóm cộng đồng chăn nuôi bò. Hai vợ chồng tranh thủ chia nhau cắt cỏ về chăm sóc bò dưới sự hướng dẫn của trưởng nhóm và cán bộ thú y xã. Tôi mong con bò phát triển tốt, sớm đẻ bê con, giúp gia đình có nguồn sinh kế để phát triển kinh tế trong những năm tới”-chị Thuen chia sẻ.

Chị Thuen chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1- Dự án 3. Ảnh: Nguyễn Diệp

Chị Thuen chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1- Dự án 3. Ảnh: Nguyễn Diệp

Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang phối hợp với các phòng, ban và các xã, thị trấn đa dạng hình thức hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất theo từng nhóm cộng đồng, từ chăn nuôi đến trồng trọt. Bên cạnh đó, Trung tâm mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi của các nhóm hộ tham gia dự án và người dân trong xã. Ngoài ra, các nhóm cộng đồng được hỗ trợ thuốc thú y phòng bệnh, giống cây trồng, phân bón.

Ông Trương Quang Viện-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-thông tin: Trung tâm đã xây dựng các dự án hỗ trợ theo nhóm cộng đồng về chăn nuôi, trồng trọt. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, đơn vị tổ chức đấu thầu rộng rãi và chọn những nhà thầu có năng lực, giá phù hợp với thực tế thị trường. Sau khi cung cấp đủ theo số lượng các dự án đã xây dựng, còn dư vốn, Trung tâm tiếp tục triển khai dự án mới hỗ trợ thêm số hộ nghèo, cận nghèo ở các xã được thụ hưởng. Đây là cách làm giúp các hộ có thêm nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên phát triển kinh tế.

“Hiện nay, các nhóm hộ tham gia dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt đều được tập huấn kỹ thuật và giải quyết những vấn đề phát sinh. Vì vậy, bà con rất tin tưởng vào sự hỗ trợ này, yên tâm lao động sản xuất. Bò và các loại cây trồng được hỗ trợ như lúa nước vụ mùa, mắc ca trồng xen vườn cà phê, chanh dây đều thích nghi với điều kiện địa phương nên phát triển tốt.

Thời gian tới, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn các nhóm hộ cộng đồng chăm sóc vật nuôi, cây trồng được hỗ trợ để có sinh kế phát triển kinh tế dài lâu, bền vững”-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.