'Make-up' trái cây đón Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Make-up (trang điểm) cho trái cây nghe có vẻ lạ lùng nhưng thật ra, nghề này đã có từ khá lâu và ngày càng được nâng cấp. Nghề make-up này chỉ “ăn nên làm ra” mỗi độ Tết đến Xuân về khoảng một tháng ngắn ngủi.

Làm một mùa, ăn cả năm

Thường ngày, dừa tươi bán đầy đường với giá rẻ 20.000 đồng/3 quả, đắt hơn một chút thì 20.000 - 30.000 đồng/quả. Vậy mà, chỉ cần qua vài đường “múa chổi” của người thợ make-up, quả dừa bỗng nhảy lên 1 triệu đồng/cặp. “Đắt xắt ra miếng” là vậy, nhưng khách vẫn tới tấp đặt mua, không phải chỉ vì độ “độc” lạ, mà đó còn là những quả dừa được dát vàng.

Anh Nguyễn Văn Dình “make-up” dừa dát vàng giá tiền triệu. Ảnh: U.P

Anh Nguyễn Văn Dình “make-up” dừa dát vàng giá tiền triệu. Ảnh: U.P

Tìm đến tận cơ sở đang lên đời cho những quả dừa dát vàng đón Tết ở TP Thủ Đức (TPHCM), ai cũng xuýt xoa khi lần đầu thấy những quả dừa mạ vàng sáng lấp lánh, bề mặt trang trí rồng phượng uốn lượn, trên đầu điểm xuyết lông công, trái châu đỏ… Trong căn nhà rộng chưa tới 10m2 bày la liệt quả dừa được phân theo từng công đoạn, 8 người làm miệt mài, tỉ mỉ với công việc trang điểm cho từng quả dừa.

Không giấu nghề, anh Nguyễn Văn Dình (41 tuổi, quê Vĩnh Long), chủ cơ sở, niềm nở mời khách xem từng công đoạn biến một trái dừa có giá vài chục ngàn đồng thành quả dừa “sang chảnh”, giá tiền trăm tiền triệu. Dừa dát vàng là trái cây tươi, được chọn lựa kỹ càng về hình thức và chất lượng. Dừa được chọn là giống dừa ta nhập từ Tiền Giang. Trái phải to tròn đều, đủ già để không bị đứt cuống, rỉ nước, cứng cáp và trưng được lâu. Quả dừa khi được đưa về trang trí sẽ được vệ sinh sạch sẽ, phết keo dính lên rồi phơi khô trong 40 phút.

Thổi hồn vào quả dưa hấu ngày Tết. Ảnh: U.P

Thổi hồn vào quả dưa hấu ngày Tết. Ảnh: U.P

Vàng được dát lên dừa là vàng lá công nghiệp 24K có giá thành rẻ, tính ứng dụng cao. Sau khi phết keo và đợi khô, người thợ cẩn thận ướm từng lá vàng lên dừa rồi dùng chổi phủi đi cho mượt bề mặt. Một quả dừa sẽ dùng từ 30 - 40 lá vàng, những quả lớn có khi phải dùng đến 50 - 55 lá vàng để phủ kín. “Ở những bước phủ lá vàng yêu cầu sự khéo tay, tỉ mỉ của người thợ để có thể lấp kín bề mặt, không dễ bong tróc”, anh Dình vừa làm vừa giải thích.

Chọn phần mặt tiền đẹp nhất, người thợ sẽ trang trí lên đó hình rồng phượng, những chữ Tài, Lộc, Thọ, Tết, Vạn sự như ý… Sau cùng là trang trí phần cuống dừa bằng lông công, quả châu đỏ vàng, hoa lá để sản phẩm thêm bắt mắt. Một cặp dừa thành phẩm phải trải qua khoảng 10 công đoạn với thời gian làm từ 1,5 - 2 giờ. Do làm hoàn toàn thủ công, sản phẩm làm ra không chỉ đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ mà còn phải có hồn nên giá thành tăng gấp 3 - 4 lần so với dừa bình thường. Dừa dát vàng để được lâu, khoảng 50 ngày.

Tâm sự về duyên đến với nghề lạ lùng này, anh Dình cho hay, vốn là kỹ sư trong ngành năng lượng mặt trời. Tình cờ thấy nghệ nhân sơn, vẽ hoa lá lên quả dừa, quả bưởi rất đẹp mắt nên anh lân la tìm hiểu. Nhưng vẽ trang trí lên trái cây nhiều người đã làm, còn dát vàng thì chưa. Thế là anh làm thử rồi thành thật, cứ mỗi dịp Tết đến, anh lại lên Sài thành trang điểm cho dừa. “Trung bình tôi bán khoảng 400.000 - 600.000 đồng/cặp. Hiện đã có khoảng 1.000 đơn hàng đặt trước, dự kiến Tết 2024 tôi đưa ra thị trường 2.500 cặp dừa dát vàng. Sau khi trừ chi phí, tiền lời còn khoảng 100 triệu đồng”, anh Dình bộc bạch.

Cách đó không xa, chị Yến Lê (34 tuổi) không chỉ tất bật trang điểm, làm đẹp cho dừa mà còn làm phôi trang trí. Chị Yến tự lên mẫu khuôn, sau đó dùng keo nến nóng chảy đổ vào khuôn. Sau khi đợi keo khô, người thợ sẽ tách lõi lấy phôi và chuyển sang bước quét lá vàng. “Khâu làm phôi tuy là công đoạn đơn giản nhưng giúp quả dừa thêm bắt mắt. Trung bình một ngày tôi làm khoảng 1.000 phôi, lời 5 triệu đồng/ngày, khoảng 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên nghề chỉ làm khoảng 2 tháng trước Tết”, chị chia sẻ.

Lan tỏa đam mê

Theo đuổi nghề “make-up” trái cây mỗi dịp Tết hơn ba năm, chị Lê Ngọc Sự (35 tuổi, huyện Bình Chánh TPHCM) nhìn nhận, mâm ngũ quả dịp Tết Nguyên đán thường có 5 loại trái cây với ý nghĩa cầu (mãng cầu) - vừa (dừa, dưa hấu) - đủ (đu đủ) - xài (xoài) - sung (quả sung). Trong đó, quả dừa và quả dưa hấu được chọn để “make-up” nhiều nhất và thường được bày ở nơi trang trọng trên bàn thờ gia tiên.

Một tay giữ quả dưa hấu, tay còn lại chị Sự uyển chuyển rê mũi dao sắc đi theo nét chữ đã được phác họa trước, chẳng bao lâu, những cánh hồng dần “nở”. Nhìn qua có vẻ rất dễ nhưng thực hiện mới thấy công phu. Người khắc phải tập trung cao độ, tay khéo léo để không ấn mũi dao quá mạnh ăn sâu vào phần thịt, như vậy sản phẩm sẽ bị hư.

Từng học nghề làm bánh ở Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM với ước muốn mở tiệm bánh Âu, nhưng sau một lần tham dự buổi chuyên đề cắt tỉa, tạo hình hoa quả, chị Sự như bị hớp hồn bởi những nét dao điêu luyện, tạo hình vô cùng sống động trên quả dưa. “Từ thích đến theo đuổi là cả một quá trình. Sau một năm khổ luyện, cuối cùng tôi cũng tạo hình cho quả dưa hấu theo ý mình. Khi giới thiệu trên Facebook, nhiều người tấm tắc khen rồi đặt hàng khiến tôi càng có thêm động lực. Nghề này đắt khách nhất là vào dịp Tết, trung bình tôi kiếm thêm được khoảng 10 - 15 triệu đồng dịp này. Như vậy rất vui rồi!”, chị Sự nói. Người tiêu dùng rất chuộng những sản phẩm trái cây được khắc vẽ, trang trí bằng tay vì độ sắc nét, bền bóng của màu sắc và giữ được lâu.

Anh Hải Triều (28 tuổi) cũng kiếm thêm khoản thu nhập kha khá với nghề cạo vỏ dưa ngày Tết. Vốn có khả năng viết thư pháp, sau khi phác họa những nét chữ mềm mại như rồng bay phượng múa lên sản phẩm, anh dùng con dao nhỏ cẩn thận cạo lớp vỏ làm bật lên từng nét chữ. Theo anh Triều, tạo hình dưa hấu trải qua các bước như định hình ý tưởng, vẽ phác họa và cạo thành phẩm. “Tạo hình cho một cặp dưa hấu dao động từ 250.000 - 300.000 đồng, còn công phu hơn thì lên đến 500.000 đồng. Tôi mất khoảng 30 phút để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, Tết năm nay hy vọng sẽ kiếm được từ 10 - 15 triệu đồng từ nghề này”, anh Triều nói.

Tầm 19h các ngày trong tuần, tại chùa Tam Tông Miếu (82 Cao Thắng, quận 3, TPHCM), hơn chục bạn trẻ lại cặm cụi cạo khắc từng đường nét, hoa văn lên quả dưa hấu để chuẩn bị bán Tết. Với bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, những trái dưa hấu vỏ xanh ruột đỏ thông thường đã được thổi hồn. Đây là lớp học không thu phí, ai thích học khắc dưa đều có thể tham gia. Chị Lê Ngọc Thùy Dương, Trưởng dự án dưa khắc Nhân Hòa, cho biết: “Chúng mình muốn trang bị thêm một nghề cho các bạn trẻ, giúp các bạn nuôi thêm một đam mê, một kỹ năng mới. Đã có nhiều thành viên sau lớp học này tự mở dịch vụ khắc dưa dịp Tết, kiếm thêm thu nhập cho mình”, chị Dương chia sẻ.

Theo chị Dương, mỗi năm, các họa tiết được khắc lên quả dưa phải đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng mới hút khách. Để phục vụ thị trường dịp Tết 2024, nhóm nhập khoảng 2 tấn dưa hấu bán từ 25 - 29 tháng Chạp. Năm nay kinh tế khó khăn nên sản lượng dưa nhập vào và bán ra cũng giảm hơn mọi năm. Nhưng vì những trái dưa của nhóm được điêu khắc thủ công, hình ảnh to rõ, mềm mại nên khách hàng vẫn rất ưa chuộng, mua dưa về để trưng trên bàn thờ ông bà ngày Tết.

Với kinh nghiệm 24 năm trong nghề đầu bếp, chị Đoàn Thị Hương Giang nhìn nhận, thời điểm cuối năm, dịch vụ trang trí, điêu khắc trái cây lại nở rộ và được người tiêu dùng đón nhận. Không chỉ là những vật lễ có tác dụng làm đẹp bàn thờ tổ tiên, trang hoàng thêm sắc màu cho nhà cửa hay làm quà Tết, những trái dưa hấu, dừa, bưởi… được khắc, vẽ chữ thư pháp, mạ vàng… còn mang ý nghĩa cầu may mắn, tài lộc đến với mọi gia đình trong năm mới. Nhiều đầu bếp cũng tham gia dịch vụ “make-up” hoa quả này để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa thỏa đam mê nghệ thuật.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.