Do ám ảnh nỗi đau của kim tiêm từ lần thăm khám trước nên con bé kiên quyết trốn tránh, bất hợp tác khi vào phòng xét nghiệm. Gần nửa tiếng đồng hồ trôi qua với đủ “chiêu trò” dỗ dành, bác sĩ lẫn kỹ thuật viên vẫn không thể nào tiếp cận để chọn ven lấy máu. Thế nhưng, điều tôi cảm thấy ấm lòng là dẫu bệnh nhân đông, áp lực công việc lớn, song các bác sĩ vẫn rất kiên nhẫn và ân cần đến khi bé vui vẻ tự nguyện thực hiện xét nghiệm.
Trên thực tế, thái độ, lời nói của bác sĩ có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý bệnh nhân và kết quả điều trị. Trường hợp T. (em trai của bạn tôi) là một ví dụ. Năm ngoái, trong một lần tăng ca về vào ban đêm, T. không may bị tai nạn giao thông. Người dân đưa em vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. T. được tiên lượng xấu khiến cả gia đình bạn tôi gần như chết lặng. Lúc đó, một bác sĩ lớn tuổi đã đến bên an ủi, động viên và hứa sẽ cùng đồng nghiệp cố gắng hết sức cứu chữa cho bệnh nhân. Cuộc đại phẫu thành công, T. qua cơn nguy kịch nhưng vẫn có nguy cơ bị liệt hai chân. Khả năng hồi phục là có, nhưng cần nghị lực lớn từ chính bản thân em. Và theo lời kể của bạn tôi, trong suốt thời gian điều trị sau đó, hầu như ngày nào, vị bác sĩ trên khi đến thăm khám cũng dành nhiều thời gian trò chuyện, giúp T. vực dậy tinh thần để chiến thắng bệnh tật. Nhờ kiên trì vật lý trị liệu, T. đã bắt đầu đi lại được dưới sự hỗ trợ của nạng gỗ. Còn vị bác sĩ trên vẫn giữ liên lạc thường xuyên với gia đình, sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho T. khi cần. Bạn tôi nhận định, tấm lòng của bác sĩ thật đáng trân quý!
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Mộc Trà |
Trong một lần tình cờ tìm nơi điều trị hiếm muộn cho cô em họ, tôi biết đến bác sĩ Bùi Chí Thương-Trưởng khối Sản (Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP. Hồ Chí Minh). Trên trang Facebook cá nhân, anh thường xuyên chia sẻ những câu chuyện liên quan đến công việc hàng ngày, thành quả khám-chữa bệnh cho bệnh nhân hoặc bày tỏ quan điểm trước một sự việc, sự kiện về nghề; từ đó, tiếp thêm năng lượng và niềm tin cho bệnh nhân vào cuộc sống. Mỗi dòng trạng thái anh đăng tải đều nhận được rất nhiều lượt thích cùng bình luận tích cực từ đồng nghiệp, bạn bè, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Mới đây, câu chuyện mà bác sĩ Thương chia sẻ liên quan đến việc các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định cứu sống một sản phụ bị vỡ thai ngoài tử cung, xuất hiện nhiều dịch đỏ trong ổ bụng kèm theo dương tính sốt xuất huyết đã tô điểm thêm cho vẻ đẹp của các “chiến sĩ áo trắng”. Theo đó, sản phụ này 34 tuổi, nhập viện trong tình trạng bị sốc nặng, mê man, huyết áp thấp, xuất huyết dưới da ở 2 chân. Khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân mệt mỏi và sốt 4 ngày trước, đã tự mua thuốc uống nhưng tình trạng không cải thiện mà còn bị đau bụng dữ dội hơn. Tại cơ sở y tế địa phương, bác sĩ phát hiện trong bụng bệnh nhân có nhiều dịch, bị vỡ thai ngoài tử cung; đồng thời, kết quả xét nghiệm máu còn cho thấy sản phụ mắc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4 nên được chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tại đây, khi phẫu thuật cho bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện khối thai ngoài tử cung có kích thước 1,5 cm, máu chảy ồ ạt trong ổ bụng. Ê kíp nhanh chóng cầm máu và cắt bỏ khối thai bị vỡ. Sản phụ mất gần 2 lít máu nên được truyền 3 túi hồng cầu lắng và 4 túi huyết tương đông lạnh. Sau 4 ngày, tình trạng của bệnh nhân dần ổn định và được xuất viện.
“Ca thai ngoài tử cung vỡ thông thường đã sợ, huống hồ gì trường hợp này thai ngoài tử cung vỡ ngay ngày sốt xuất huyết sốc. Nếu ca thai ngoài tử cung vỡ thông thường, phẫu thuật viên vào mổ xử lý nguồn chảy máu là gần như cuộc mổ thành công. Tuy nhiên, ở ca đặc biệt này, mổ xong nhưng vẫn chưa xong vì hậu phẫu có thể bất trắc bất cứ lúc nào. Bởi lẽ, sốt xuất huyết làm tiểu cầu giảm nên máu khó đông và rất dễ xảy ra việc máu chảy lại trong bụng hay máu tụ trên thành bụng… Cảm ơn các đồng nghiệp đã cùng chung tay cứu bệnh nhân những lúc nguy nan nhất”-bác sĩ Thương viết.
Hàng ngày, chúng ta đã được nghe nhiều câu chuyện cảm động về người thầy thuốc. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương có sức lay động lòng người. Dĩ nhiên, ở lĩnh vực nào, chuyện “một con sâu làm rầu nồi canh” là điều không tránh khỏi, song người hành nghề y xưa nay vẫn được ví là “mẹ hiền” của xã hội. Thiết nghĩ, để làm tốt sứ mệnh ấy, trước tiên, mỗi y-bác sĩ phải thật sự có tâm đức, tài năng để cống hiến hết mình cho sự nghiệp y khoa, sự nghiệp cứu người. Cùng với đó, các ngành, địa phương và cả cộng đồng cũng cần thường xuyên quan tâm, động viên, tạo những điều kiện tốt nhất cho đội ngũ y-bác sĩ trên hành trình chăm sóc sức khỏe người dân.