Lao động xuất khẩu về nước nguồn nhân lực cần được khai thác hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi năm, Gia Lai có khoảng 1.000 lao động làm việc ở nước ngoài trở về. Họ tích lũy được vốn, tay nghề và tác phong làm việc công nghiệp. Tuy vậy, khi nguồn nhân lực này có nhu cầu quay lại thị trường lao động trong nước thì khó tìm được công việc phù hợp.
Khó tìm việc phù hợp
Sau 2 năm trở về từ Hàn Quốc, anh Siu Phôn (làng Chăm Pông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. Khi ở Hàn Quốc, anh làm việc cho một cửa hàng váy cưới và kinh doanh mỹ phẩm với mức lương hơn 60 triệu đồng/tháng. “Trước khi hết hạn hợp đồng, chủ cửa hàng đã gia hạn hợp đồng lần 2 cho tôi. Tôi nhận thấy công việc phù hợp với sở trường và thu nhập cao nên ở lại làm việc thêm 4 năm nữa. Sau hơn 9 năm làm việc ở Hàn Quốc, tôi hết thời hạn hợp đồng phải về nước vào cuối năm 2019”-anh Phôn nói.
Trở về làng, anh Phôn mong muốn tìm việc làm phù hợp với sở trường nhưng không thể tìm được. “Nhiều lần tôi đến Sàn Giao dịch việc làm tỉnh đăng ký tìm việc nhưng đều không đáp ứng nhu cầu. Dù cũng có việc để làm nhưng thu nhập thấp, công việc lại không tận dụng được tay nghề”-anh Phôn tâm sự.
Anh Siu Phôn ở sân bay Hàn Quốc chuẩn bị về nước. Ảnh do nhân vật cung cấp
Anh Siu Phôn (làng Chăm Pông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) ở sân bay Hàn Quốc chuẩn bị về nước. Ảnh do nhân vật cung cấp
Gần đây, khi tham gia phiên giao dịch việc làm tại Sàn Giao dịch việc làm tỉnh, anh Phôn đã tìm được công việc phiên dịch tại một công ty da giày của Hàn Quốc ở tỉnh Bình Dương với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, công việc cũng không kéo dài vì vốn tiếng Hàn chuyên ngành của anh còn hạn chế. “Sau thời gian nghỉ việc ở công ty, mình tiếp tục đi học thêm tiếng Hàn nhưng đến nay vẫn chưa tìm được công việc. Giờ tôi đang ở nhà phụ giúp bố mẹ làm rẫy. Tối đến, tôi lên mạng học thêm tiếng Hàn. Hy vọng tôi sớm tìm được việc phù hợp”-anh Phôn bày tỏ.
Tương tự, sau 3 năm làm nghề sửa chữa ô tô tại Nhật Bản, anh Trần Bảo Tuấn (thôn 9, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) trở về nước với nhiều dự định. Tuy nhiên, mọi tính toán của anh đều dở dang vì gần 1 năm vẫn không tìm được việc làm phù hợp. Chọn lựa mãi, cuối cùng anh phải nhờ người quen giới thiệu xin vào làm lái xe cho một doanh nghiệp để có thu nhập trang trải cuộc sống. Anh trải lòng: “Mình mơ ước được làm nghề sửa chữa ô tô như ở Nhật Bản. Tìm việc ở các thành phố lớn trong lúc này thì không thể, với lại mình không muốn xa gia đình”.  
Chưa có chính sách hỗ trợ
Theo thống kê sơ bộ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, mỗi năm, Gia Lai có khoảng 500 lao động trở về từ Campuchia, Lào và chừng ấy lao động trở về từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Chính sách trợ giúp, tư vấn việc làm cho nhóm lao động này chỉ được đề cập khi có người đến Sàn Giao dịch việc làm tỉnh đăng ký tìm việc làm mới. Ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho hay: Hàng năm, đơn vị chỉ thống kê được số liệu lao động đi làm việc có thời hạn tại một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Campuchia, Lào… Những lao động này khi về nước, do có sự chênh lệch lớn về môi trường làm việc và thu nhập nên hầu hết rất khó tìm được việc làm phù hợp. Nhiều lao động khi trở về nước gặp nhiều khó khăn, nhiều người ở nhà phụ giúp gia đình, số khác chờ cơ hội tìm việc làm mới.
Đại diện Công ty cổ phần nguồn nhân lực và phát triển kinh tế hợp tác Lapcoop tư vấn cho người hoàn thành hợp đồng xuất khẩu lao động về nước. Ảnh: Đinh Yến
Đại diện Công ty cổ phần nguồn nhân lực và phát triển kinh tế hợp tác Lapcoop tư vấn cho người hoàn thành hợp đồng xuất khẩu lao động về nước. Ảnh: Đinh Yến
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng: Nguyên nhân không tìm được việc làm do nhiều lao động có vốn ngoại ngữ khá hạn hẹp, không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác, tỉnh ta vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể khi họ trở về địa phương, cả việc tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm để phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ. “Thu nhập họ tích lũy được phần lớn là để trang trải cuộc sống gia đình, phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mấy năm nay, một số cây công nghiệp mất mùa, mất giá, lao động sau khi trở về nước khó tìm được việc làm phù hợp. Vì vậy, đồng vốn kiếm được nơi xứ người cũng dần cạn khiến họ rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan”-ông Truyền nhìn nhận.
Ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Trên thực tế, người đi xuất khẩu lao động về nước vẫn có nhiều cơ hội tìm việc làm vì nhiều doanh nghiệp nước ngoài cần tuyển dụng những người có kỹ năng, kinh nghiệm, ngoại ngữ và đặc biệt là tác phong làm việc công nghiệp. Lao động về nước muốn tìm được việc làm phù hợp thì cần chủ động tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để được hướng dẫn, giúp đỡ. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước để trình HĐND tỉnh phê duyệt nhằm hỗ trợ đào tạo, vay vốn, khởi nghiệp và hướng nghiệp cho người lao động”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Nghĩa tình với xã Gào

Nghĩa tình với xã Gào

(GLO)-Những ngày tháng 7 này, người dân, nhất là các gia đình chính sách, người có công ở xã Gào anh hùng (tỉnh Gia Lai) luôn ấm lòng bởi các hoạt động nghĩa tình thể hiện sự tri ân sâu sắc của các cấp, ngành, địa phương.

Tháng 7, hội ngộ và tri ân

Tháng 7, hội ngộ và tri ân

(GLO)- Những cuộc hội ngộ của các cựu chiến binh dịp 27-7 luôn ấm nghĩa tình, đậm màu tri ân với tâm niệm “sống thay người nằm xuống và sống sao cho xứng đáng”. Đó cũng là không khí mà chúng tôi ghi nhận trong chương trình tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ (xã Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) sáng 22-7.

Rác thải “bủa vây” đường mới ven sông Dinh

UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng rác thải "bủa vây" đường ven sông Dinh

(GLO)- Ngày 24-7, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Thị Thanh Hương xác nhận: Sở đã nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xử lý tình trạng rác thải, xà bần trên 2 tuyến đường giao thông dọc hệ thống tiêu thoát lũ ven sông Dinh (đoạn qua khu vực 1, phường Quy Nhơn Đông).

Quy Nhơn nở rộ dịch vụ cho thuê phao bơi

Quy Nhơn nở rộ dịch vụ cho thuê phao bơi

(GLO)- Không chỉ là kế sinh nhai, hoạt động cho thuê phao bơi của người dân tại bãi biển Quy Nhơn còn góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; nâng cao ý thức an toàn khi tắm biển cho du khách.

Chung tay xây Khu vực phòng chờ cho thân nhân người bệnh

Chung tay xây Khu vực phòng chờ cho thân nhân người bệnh

(GLO)- Đồng cảm với nỗi khổ của người nhà bệnh nhân vì không có chỗ tá túc khi chăm sóc người thân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, đại diện Bệnh viện Đa khoa Gia Lai đã kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí xây dựng Khu vực phòng chờ, góp phần chia sẻ với thân nhân người bệnh.

Mang nước sạch đến đồng bào vùng khó

Mang nước sạch đến đồng bào vùng khó

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm đưa nước sạch phục vụ sinh hoạt, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn.

Lan tỏa nghĩa tình tháng Bảy

Lan tỏa nghĩa tình trong tháng 7 tri ân

(GLO)- Việc quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng được Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn duy trì, triển khai nhiều năm qua. Đây là hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa đặc biệt trong những ngày tháng 7 tri ân.

null