Làng… vắng tiếng người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là ngôi làng Bahnar đẹp nhất mà tôi từng gặp. Đó cũng là ngôi làng đìu hiu nhất mà tôi từng thấy. Không một bóng người. Không mùi khói bếp. Không tiếng giã gạo. Không giọng cười đùa trẻ thơ. Chỉ có tiếng gà trưa đôi hồi cất lên, lẻ loi đến nao lòng…
Mặt trời tháng 3 đã lên cao quá đầu khi chúng tôi ghé vào làng Kon Sơ Lăl. Những bóng cây rười rượi vẫn tỏa đều xuống những mái nhà, đây đó có vài giàn bí đang ra trái. Nhưng tịnh không một bóng người. 
Những ngôi nhà im lìm cửa nẻo. Ảnh: Lam Nguyên
Những ngôi nhà im lìm cửa nẻo. Ảnh: Lam Nguyên
Cũng xin nói để độc giả dễ hiểu, ngôi làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) vừa được nhắc đến chỉ là làng cũ; làng mới đã dời đi từ năm 2002 về gần trung tâm xã, cách làng cũ chừng 4 cây số. Lý do, theo Chủ tịch UBND xã Hà Tây Đinh Sưk là tạo điều kiện cho bà con ra vùng thuận lợi, có đầy đủ điện-đường-trường-trạm theo chính sách định canh, định cư của tỉnh.

Mặc nhiên, ngôi làng cũ bị bỏ rơi. Những sinh hoạt ngày thường ngưng đọng. Chỉ còn 5 người già nhất làng ở lại với sự ắng lặng mênh mông.
“Làng người già”
Làng có chừng hơn 50 nóc nhà quần tụ trên một mảnh đất khá bằng phẳng, quang quẻ, xung quanh là rừng thưa. Trừ vài mái ngói, tất cả nhà sàn nơi đây đều lợp tranh, sàn gỗ chắc chắn, vách nhà bằng liếp tre, nứa hoặc bằng đất sét trộn rơm. Từng ngôi nhà đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng; qua nhiều năm tháng ẩn nhẫn không hơi người, chúng vẫn sống động lạ thường. Thoạt nhìn, chúng lặng lẽ đứng cạnh nhau, như một đám nấm mọc giữa rừng không theo trật tự nào (và tuồng như không cần biết đến kiểu trật tự “ngang ngay sổ thẳng”), song cuối cùng đều quây lấy nhà rông như gà con quây mẹ. Đó là ngôi nhà rông Bahnar truyền thống thâm nghiêm, vững chãi được trai tráng trong làng dựng từ năm 1978 với bề ngang dễ đến hơn chục mét, mái tranh dày cả gang tay. Thấp thoáng giữa làng là màu xanh tươi của những cây phượng vĩ, xoài, thanh long, mấy giàn bí… và 5 giọt nước. Toàn cảnh ngôi làng bật lên vẻ đẹp nguyên sơ, không sắp đặt- một vẻ đẹp hiếm gặp mà tôi, vì nghề nghiệp, trong nhiều năm đã lang thang qua nhiều ngôi làng ở Gia Lai mới một lần thấy.
Rõ ràng, đây đã từng là một cộng đồng làng hết sức trù phú. Tuy nhiên, vì vắng chủ đã lâu, đây đó cũng có vài ngôi nhà bắt đầu chìm vào lùm cây bụi cỏ, liếp nhà xộc xệch, mái tranh sạt xuống. Một ngôi nhà đã đổ sập rệu rã, mái nhà xấp xoải úp lên mặt đất hình chữ V ngược đầy cam chịu. Loanh quanh một lúc lâu, chúng tôi không gặp ai ngoài mấy chú heo ủn ỉn và vài chú dê giương mắt tò mò nhìn lên từ dưới chân nhà sàn. May thay, có tiếng xe máy giòn giã tiến về phía làng. Đó là vợ chồng cựu Trưởng thôn Hyưnh.
Mời chúng tôi vào thăm ngôi nhà sàn hiếm hoi còn ấm hơi bếp lửa, anh Hyưnh cho biết, tuy đã dời về làng mới từ nhiều năm nay nhưng anh và một số người vẫn thỉnh thoảng đi về vì còn giữ thói quen nuôi heo, gà ở đây và vì còn một ít ruộng cũng cách đó không xa. Lý do quan trọng hơn là anh còn người cha vẫn ở lại và đang sống tại ngôi làng này, đó là bok (ông) Hnhih, năm nay đã ngót nghét 100 tuổi. Trong làng hiện có 4 người già như ông, đó là bok Chil, bok Chưng, bok Kơch và bà Dyơi (2 vợ chồng) đều đã ở cái tuổi 70-80. Hyưnh vẫn nhớ rõ, làng cũ trước kia có 85 hộ, với 454 khẩu. Những ngày làng vui nhất, rộn rã nhất là vào lễ mừng lúa mới, khi những bao lúa đã đưa về đầy kho. Tôi nhìn ra phía nhà rông, nơi ấy đã từng sống động những vòng xoang duyên dáng của các thiếu nữ, tiếng cồng chiêng trầm hùng của các chàng trai, những ghè rượu uống mãi không bao giờ cạn mùa lễ hội… Chúng đã biến mất từ lâu, từ khi làng vắng tiếng người. Bây giờ, mọi lễ hội đều được tổ chức ở làng mới. Làng cũ chỉ ồn ã hơn một chút khi có… đám tang: Đám tang người già, đám tang người ở làng mới nhưng muốn được chôn ở làng cũ.
Vót tre đan gùi cho con cháu. Thú vui của bok Hnhih khi một mình ở lại làng cũ. Ảnh: P.D
Vót tre đan gùi cho con cháu. Thú vui của bok Hnhih khi một mình ở lại làng cũ. Ảnh: P.D
Tình cờ gặp và trò chuyện cùng chúng tôi trên nhà sàn của cựu Trưởng thôn Hyưnh, bok Chil, năm nay 67 tuổi, vừa phì phà chiếc tẩu thuốc bằng tre vừa kể: Bok có 6 đứa con, cả 6 đứa đều đã chuyển đến làng mới, riêng bok ở lại đây. Thi thoảng, chúng mang gạo và thức ăn đến cho bok. Hỏi vì sao ở lại, bok chỉ cười và rít thuốc. Hay là ngôi làng này đã quá thân thuộc với bok, đến mức không muốn rời xa? Hỏi ở một mình có buồn không, bok nói: “Khi nào buồn thì xuống làng mới chơi với mấy đứa con”. Không nhanh nhẹn được như bok Chil, bok Hnhih- người lớn tuổi nhất làng, cha của Hyưnh- đã hơi nghễnh ngãng. Bok sống một mình, thỉnh thoảng chị con gái đã chết chồng ghé về chăm sóc hoặc đưa về chơi ở làng mới. Khi chúng tôi ghé thăm nhà bok, ánh chiều đang xuống dần, bóng tối chập chờn phủ chụp từng ngôi nhà. Làng vốn không có điện, bok đang lọ mọ đi thắp đèn dầu. Xong, bok lại ra trước nhà tiếp tục ngồi đan gùi. Mắt đã kém tinh, tay đã run nhưng bok vẫn đan gùi rất đẹp. Những lạt tre sợi mỏng như lá lúa, sợi dày chắc nịch đã kết thành nửa chiếc gùi. Bok cho biết gùi này bok đan cho con cháu ở làng mới để mang đi làm rẫy.

Trong bóng chiều, ngôi làng yên ắng càng trôi hẳn vào tịch mịch. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi gặp một ngôi nhà có tiếng người Kinh. Một người đàn ông trung niên ló đầu ra cửa nhìn chúng tôi hồi lâu rồi ngập ngừng cho biết, anh tên Nguyễn An Huấn- nhà ở Kon Tum nhưng cùng mấy người bạn đến đây trồng củ nghệ từ năm ngoái. Anh làm công ở bên kia dốc, cách làng khoảng 1 cây số. Vì không có nơi ở, lại thấy nhà ở đây bỏ không nên anh bèn mượn tạm nhà. Gia chủ cũng chỉ vui lòng cho ở nhờ chứ… không lấy tiền.
Đau đáu làng cũ…
Vậy là, xét về mặt hành chính, ngôi làng mà chúng tôi đang đứng đây đã bị “xóa sổ”. Song, làng vẫn như một cơ thể còn gắng gượng với chút năng lượng sống ít ỏi. Và hồ như đây vẫn là ngôi làng trong-tâm-tưởng của nhiều người. Khi thấy chúng tôi loay hoay chụp vài tấm hình ngôi nhà rông ở làng mới, một nhóm thiếu niên đang đá bóng nhanh nhẹn chỉ tay về phía làng cũ: “Chụp hình nhà rông làng cũ kìa. Nhà rông ở đó đẹp hơn!”. Thường, những ký ức đầu đời, những trải nghiệm đầu đời là thứ rất khó quên, huống gì Kon Sơ Lăl này là nơi đầu tiên họ được nuôi lớn, nơi tâm hồn họ thấm đẫm trong văn hóa dân tộc mình. Những người già vẫn thủy chung với làng cũ có lẽ vì trong sâu xa, họ tìm thấy ở đó những gì thiết thân nhất, gần gụi nhất.
Tâm trí tôi trôi ngược về một ngày tình cờ được tham dự một lễ hội của người Bahnar ở thôn 3, xã Kon Pne (huyện Kbang): Lễ trồng trỉa. Đây là một trong 3 lễ hội lớn nhất trong năm của người Bahnar vùng này để cầu mong cho lúa lên xanh tốt, cuối vụ được bội thu. Buổi lễ diễn ra ở làng cũ được dựng từ năm 1984, cách làng mới (làng định canh định cư) chừng 4 cây số. Còn gần nửa cây số nữa mới đến làng cũ nhưng đã nghe rộn ràng tiếng chiêng, khói bếp ngút ngát bay lên sưởi ấm những mái nhà sàn; heo, gà, chó theo chủ về đây đã 2 ngày chạy tung tăng quanh làng, như thể ngôi làng này chưa bao giờ vắng bóng người. Nhà rông đông nghẹt người, hơn 20 chiếc ghè được bày ra, lênh láng men rượu… Làng cũ, với họ, đó là cội rễ không dễ gì dứt bỏ được.
…Làng Kon Sơ Lăl- mới bây giờ được quy hoạch theo kiểu ô bàn cờ. Lạ là hầu như bên cạnh mỗi căn nhà xây đều có thêm một ngôi nhà sàn, dù xộc xệch. Đi cùng chúng tôi, anh Khơk- Phó Bí thư Đoàn xã- giải thích: “Nhiều người dân vẫn thích ở nhà sàn hơn nên làm thêm nhà sàn”. Theo anh, ở nhà sàn có nhiều tiện lợi, phù hợp với phong tục của người Bahnar. Ông Đinh Sưk- Chủ tịch UBND xã cho biết, trước kia từ trung tâm xã chưa có đường vào làng cũ, đời sống người dân khó khăn nên phải dời làng ra vùng thuận lợi. Bây giờ thì lại có một con đường rộng rãi dẫn đến làng cũ(!), do Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah mở từ năm 2008 để phục vụ cho việc trồng và khai thác mủ cao su. “Nếu lúc đó có đường sớm thì chắc không phải dời làng”- ông Sưk nói.
Dù sao thì ai đã một lần đến Kon Sơ Lăl đều không khỏi tiếc nuối. Chợt nhớ cách đây nhiều năm, nhà văn Nguyên Ngọc cùng đoàn làm phim “Đất nước đứng lên” đã rất vất vả khi tìm bối cảnh tại Gia Lai, bởi đòi hỏi của bối cảnh phim thời kỳ đó là một ngôi làng “giống những làng Bahnar xưa, không có nhà xây, lợp ngói hay lợp tôn, chỉ toàn nhà sàn tre tranh, cũng không đơn điệu như nhiều làng định cư bây giờ mà lô nhô so le, tạo nên một thứ nhịp điệu riêng đầm ấm và thân thuộc” (Nguyên Ngọc tác phẩm). Bây giờ, một ngôi làng truyền thống đẹp đẽ như Kon Sơ Lăl- cũ, một ngôi làng tìm đỏ mắt mới thấy, lại đang bị bỏ quên, đang lụi dần đi trước cái hiện đại, trước những tính toán vội vã.
Rồi làng sẽ thế nào nếu 5 người già còn lại mất đi? Tôi không dám nghĩ tiếp…
Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.