Làng Sơr đón mùa vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày cuối tháng 10, con đường dẫn vào làng Sơr (xã Biển Hồ-TP. Pleiku) trải một màu vàng óng của lúa, của rơm. Trên đống rơm khô, những đứa trẻ lấm lem, đen nhẻm, vô tư hòa mình trong trận cười nắc nẻ. Mùa gặt về, làng Sơr rộn rã như ngày hội.
 

Những bông lúa vàng ươm, nặng trĩu nhà chị Puih HNhăn (làng Sơr) được đưa vào máy tuốt.
Những bông lúa vàng ươm, nặng trĩu nhà chị Puih HNhăn (làng Sơr) được đưa vào máy tuốt. Ảnh: T.D

Vào tới đầu làng đã nghe ngào ngạt hương lúa, hương rơm-hương của đồng quê, của no đủ. Niềm vui được mùa, nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên gương mặt mỗi người dân làng Sơr. Bởi, họ vừa thu hoạch được những bông lúa nặng trĩu, chín vàng sau bao ngày đổ mồ hôi chăm sóc. Ngày mùa càng nhộn nhịp, khẩn trương khi lúa đã được đưa về làng. Từng tốp bà con tất bật phơi lúa, cuộn rơm. Đâu đó, tiếng nói cười râm ran hòa lẫn với tiếng ù ù của máy tuốt lúa làm rộn ràng cả khoảng không của làng.
 

Đón những hạt lúa căng mẩy vừa được tuốt ra. Ảnh: T.D
Đón những hạt lúa căng mẩy vừa được tuốt ra. Ảnh: T.D

Làng Sơr có 104 hộ, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa. Bao đời nay, người làng Sơr gắn bó và nâng niu cây lúa như máu thịt của mình. Để có được cây lúa, những người dân đã phải vất vả lao động từng ngày, từ gieo mạ, cấy mạ rồi chăm sóc, vun xới. Đến lúc thu hoạch, được ôm trên tay những bó lúa trĩu hạt, xếp chồng lên nhau từng lớp, từng lớp, họ cảm thấy như được trả công cả về vật chất cũng như tinh thần. “Trong làng, nhà làm lúa nhiều nhất cũng phải đến 8 sào, nhà ít thì 1-2 sào. Những ngày này ai cũng bận rộn. Gặt lúa về rồi tranh thủ phơi khô để cất dành ăn dần trong năm. Năm nào cũng được mùa như vậy thì người làng mình không sợ đói, không phải đi mua gạo. Hơn nữa, 12 hộ nghèo trong làng cũng sẽ no ấm hơn trong năm. Mùa gặt về, làng Sơr tươi vui như ngày hội của làng”-ông HNhứt (Ban công tác Mặt trận làng Sơr) vui vẻ nói.
 

Mùa gặt của làng Sơr năm nay thuận lợi bởi thời tiết rất ủng hộ. Sau 3 tháng, những bông lúa vàng ươm, căng tròn là một minh chứng. Những ngày đưa lúa về làng, trời không đổ mưa mà nắng ráo, tạo điều kiện cho dân làng hong lúa, phơi rơm. Chị Puih HNhăn (làng Sơr), ẵm đứa con trai 10 tháng tuổi ra sân ngắm nhìn xe lúa vừa gặt về còn vương mùi bùn đất. Chị tươi cười chia sẻ: “Mình lớn lên đã thấy cây lúa, rồi đi trồng cây lúa cho tới nay. Cảm giác đưa lúa về làng làm mình vui lắm. Gia đình mình mùa này làm 3 sào lúa thôi nhưng năng suất đạt lắm”. Trên xe lúa nhà chị HNhăn, lúa được bó lại thành từng bó lớn, chất chồng lên nhau. Ngọn lúa được xếp chụm vào nhau sóng sánh những hạt tròn căng mẩy. Một chiếc máy tuốt vừa được đẩy từ đầu làng tới dừng trước sân nhà chị. Vài thanh niên trong làng nhanh tay quay máy và chuyền những bó lúa vào máy một cách khéo léo và mạnh mẽ. Bên cạnh, các bà, các chị tíu tít trò chuyện và đón những hạt lúa vừa được tuốt ra. Hạt lúa sau khi tách ra khỏi thân lúa được đổ ra một khoảng sân rộng để hong khô. Dưới ánh nắng, lấp lánh sắc vàng của lúa.
 

Làng Sơr có tới 4 chiếc máy tuốt do người dân tự sắm để phục vụ cho nhu cầu của gia đình mình cũng như bà con.
Làng Sơr có tới 4 chiếc máy tuốt do người dân tự sắm để phục vụ cho nhu cầu của gia đình mình cũng như bà con. Ảnh: T.D

Hiện trong làng có tới 4 chiếc máy tuốt do người dân tự sắm để phục vụ cho nhu cầu của gia đình mình cũng như bà con. Già Puil Khê (làng Sơr) trầm ngâm kể: “Nhiều năm về trước, khi những chiếc máy tuốt lúa chưa phổ biến, vào mùa gặt, người dân phải gom lúa rồi đập lúa. Làm cả ngày lẫn đêm rất mất thời gian và công sức. Sau này, dần dần có máy tuốt lúa, rồi thì việc thu hoạch khỏe khoắn hơn nhiều. Khi cây lúa được đưa về nhà, để bông lúa khô cong một chút thì khi dùng máy sẽ tuốt sạch sẽ hơn. Mọi người giúp nhau một chút là xong nhanh lắm”. Mỗi xe công nông lúa sau khi tuốt sẽ được tính khoảng 70.000 đồng. Cũng có nhà, tính phí tuốt lúa bằng bao, cứ một bao hạt lúa sẽ trả cho chủ máy tuốt là 10.000 đồng.
 

 Lúa được đổ ra một khoảng sân rộng để hong khô.
Lúa được đổ ra một khoảng sân rộng để hong khô. Ảnh: T.D

Khi lúa được tuốt xong, rơm tươi được người dân rải phơi ở khắp đường làng, sân bãi. Những cọng rơm loạt xoạt dướt chân người, quấn vào bánh xe, vương đầy hàng rào và bốc hương thơm ngát. Trưa hanh nắng, nhà nhà đi trở từng lớp rơm để chóng khô. Khi cọng rơm đã ngả từ màu xanh sang màu vàng, quắt lại thành những cọng nhẹ bẫng, dân làng kéo rơm lại thành những bó to để cất. Những cây rơm trong làng sẽ là nguồn thức ăn cho trâu, bò và là chỗ chơi trốn tìm của đám trẻ làng suốt thời gian dài cho đến mùa gặt tiếp theo.
 

Rơm tươi được rải phơi ở khắp đường làng, sân bãi, bốc hương thơm ngát.
Rơm tươi được rải phơi ở khắp đường làng, sân bãi, bốc hương thơm ngát.  Ảnh: T.D

Chiều xuống, khi những tia nắng yếu ớt luồn qua kẽ mây rơi từng giọt sau làng cũng là khi mùi lúa chín, mùi rơm rạ, mùi khói bếp vướng vít, hòa quyện vào nhau. Ấy là mùi vị của ấm no, của đủ đầy của một “mùa vàng” ở làng Sơr.
 

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.