Lắng nghe giữa thành phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Mấy chục năm cầm máy, thậm chí chụp không ít người chết vì thiên tai nhưng có lẽ những đau thương, mất mát và cả tấm lòng của người Sài Gòn trong đợt dịch này là thứ tôi mãi khắc ghi. Tôi đi, lắng nghe, quan sát, bắt từng khoảnh khắc để tự nhắc mình không bao giờ được quên Sài Gòn mùa giãn cách, những ngày buồn lắm mà yêu thương cũng nhiều”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, người dành mấy tháng liền rong ruổi khắp nơi để ghi lại hình ảnh thực tế của TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch Covid-19 này chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tác nghiệp trong đợt dịch Covid-19 thứ tư tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tác nghiệp trong đợt dịch Covid-19 thứ tư tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh.
Ghi lại ngày mất mát
Gần 6 giờ chiều, khoảnh khắc đáng lẽ TP Hồ Chí Minh đẹp nhất với đèn giăng khắp lối, với đủ thứ thanh âm rộn ràng từ phố xá, quán quen thì trong mùa giãn cách, mọi ngóc ngách vắng lặng như tờ. Chạy xe giữa con đường thênh thang khi trời chạng vạng, tiếng còi cấp cứu liên tục vang lên, đưa mắt nhìn quanh chẳng thấy ai, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong thấy lòng ngổn ngang. Sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh, anh đã quen với sự nhộn nhịp, bộn bề của “thành phố không ngủ”. Vậy nên khi dịch bùng phát, chỉ thị giãn cách siết chặt được ban hành, nhà nhà đóng cửa, phố xá im lìm, mọi thứ buồn đến nao lòng. Đứng một mình giữa phố, anh ao ước những ngày bình thường…
Hồi còn giãn cách, bữa ngang qua phố tìm mấy người vô gia cư trao vội ổ bánh mì kèm chút tiền mua vài hộp sữa, thấy trước nhà nọ treo tấm giấy bán chiếc xe đạp vì Covid, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong thấy tim mình thắt nghẹn. “Phải đường cùng họ mới rao bán chiếc xe đạp. Đọc cái bảng có một câu ngắn mà thấy xót xa vô cùng. Tôi chưa bao giờ thấy người Sài Gòn chật vật đến vậy cũng như chưa bao giờ thấy người ta kiệm lời, buồn đau đến vậy. Từ trung tâm thành phố đến nhà tang lễ hay bệnh viện dã chiến, trước khi chụp ảnh, tôi đều phải hít thở thật sâu để kiềm chế cảm xúc. Tôi thương Sài Gòn những ngày ấy, những ngày mà tin tức chỉ toàn dịch bệnh, ngoài đường chỉ toàn cứu thương và gác chốt”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong nhớ lại.
Hơn bốn tháng rong ruổi khắp TP Hồ Chí Minh mùa dịch, máy tính của phóng viên ảnh tự do Trần Thế Phong nặng thêm với hàng ngàn file ảnh “trước đây chưa từng” và những câu chuyện kể từ người trong cuộc. Chứng kiến quá nhiều mất mát, có cả những chia cách với bạn bè, người thân nhưng điều anh cảm thấy may mắn là mình vẫn còn ở đây để mỗi ngày ghi lại giai đoạn khó quên với thành phố thân yêu. Với anh, đó là những “thước phim cuộc đời” mà không ai được phép quên. Qua đau thương sẽ thấy trân quý hơn cuộc sống này, để biết sẻ chia nhiều hơn, cho đi nhiều hơn. Sự lạc quan ấy được nhiếp ảnh gia truyền tải vào từng cú bấm máy. Ngay cả khi đứng tại bệnh viện hồi sức Covid-19 để ghi lại khoảnh khắc sinh tử hay lúc cùng các chiến sĩ đưa hộp đựng tro cốt của đồng bào không may qua đời vì dịch bệnh về với gia đình, anh vẫn tin rồi thành phố sẽ khác, sẽ lại bình yên.
Cũng sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh, những ngày giãn cách đủ khiến thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương xót xa để viết nên bao dòng đầy tâm sự. Trong bài hát khiến nhiều người rơi nước mắt mang tên “Sài Gòn tôi sẽ”, sự trống vắng của phố xá, sự hoang mang của lòng người khi dịch bệnh bủa vây đủ cho thấy những đau thương mà Sài Gòn đã “gánh”. Dương nói, ngay khi thành phố bắt đầu giãn cách vào cuối tháng 5, anh đã cảm nhận rõ những cái “bất thường” sắp ập đến. Thế nhưng, mọi thứ còn buồn đau, ám ảnh hơn những gì thầy giáo trẻ nghĩ ra: “Sài Gòn tôi đã ngủ im rồi. Ngã ba, ngã tư, ngã năm, không người… Sài Gòn giờ đây xanh xao tiêu điều. Chút kiêu hãnh xưa theo làn mây…”.
Nhiều người nói Dương viết “Sài Gòn tôi sẽ” vì muốn cổ động tinh thần chống dịch trong những ngày cam go nhất, thế nhưng, anh lại cho rằng mọi thứ nhẹ nhàng hơn thế. Dương viết nó cho mình, cho những ai yêu và nhớ Sài Gòn, cho những ai mong đợi từng ngày để thấy thành phố hồi sinh sau dịch. Điều khiến một công dân trẻ như Dương ám ảnh nhất trong suốt mùa giãn cách chẳng phải cảnh vắng lặng hay tiếng xe cứu thương mà là sự ra đi chóng vánh của những người chẳng may không vượt qua dịch bệnh. 
Khi thành phố bắt đầu những ngày “bình thường mới”, như bao người khác, Dương hân hoan check-in vội với ly cà-phê vừa mua được. Nhưng rồi, lướt một vòng facebook, thấy những “vành tang” hay bông hoa trắng vẫn được cài trên ảnh đại diện của nhiều người thân có, lạ có, anh thấy bản thân áy náy. Thầy giáo Nguyễn Thái Dương trải lòng: “Lúc đó, tôi nghĩ đến những người không thể qua khỏi trong đợt dịch này và cả những người ở lại. Tôi muốn viết gì đó cho những ai không còn có thể nhìn thấy cảnh này. Ngay trong đêm đó, tôi viết xong bản đầu tiên cho “Bài ca tôi viết lần này”. Tôi gọi vợ dậy trong đêm, đánh đàn, hát cho cô ấy nghe. Vợ tôi nói, bài này sao buồn và ảm đạm quá, đừng chia sẻ. Nhưng tôi vẫn chia sẻ nó vì tôi muốn mọi người không quên đến những người đã ra đi trong đợt dịch này”.

Hình ảnh thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương.
Hình ảnh thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương.
Yêu thương ở lại
“Trong nỗi hân hoan phố phường mở cửa. Nhìn kìa, khói bếp. Đến lúc phố thưa lại đầy như xưa. Một cuộc sống mới. Khắp lối tái sinh rạng ngời yên vui…”, Nguyễn Thái Dương đã mở đầu ca khúc “Bài ca tôi viết lần này” như thế. Như bao người Sài Gòn khác, Dương vui vì thành phố đang gượng dậy sau khoảng đằng đẵng oằn mình chống dịch. May mắn, thành phố luôn được yêu thương. May mắn, thành phố luôn luôn kiên cường nương nhau qua mùa dịch, điều chưa bao giờ dễ dàng. 
Đoạn hai của “Sài Gòn tôi sẽ” cũng là những niềm vui bình dị như thế. “Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời. Sẽ như lúc xưa sẽ lại vui. Sài Gòn tôi sẽ náo nức như thường. Sẽ thơm phở ngon, sẽ huyên phố phường. Sài Gòn tôi sẽ thắm tươi hoa cờ. Sẽ vang tiếng ca muôn lời thơ…”. Dương nói, đoạn này, những thứ mọi khi rất bình thường nay trở thành hy vọng, ước mơ, mới thấy được cuộc sống bình thường đáng quý cỡ nào. Thành phố vẫn mong những ngày bình thường đó thôi.
Bên cạnh ký ức khó quên về những ngày mất mát trong mùa dịch là bao hình ảnh sẻ chia ấm áp mà nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong thu về máy. Khi các chuyến xe cứu trợ từ các nơi đổ về TP Hồ Chí Minh, ban đầu anh thấy lạ lẫm, sau đó là mến phục, trân quý. Trước nay, người ta quen với hình ảnh người miền nam chở hàng cứu trợ đi khắp nơi khi thiên tai, lũ lụt. Đâu ai ngờ có ngày Sài Gòn trọng thương đến vậy. Nhưng trong gian khổ mới thấy sự quý giá của cái gọi là đùm bọc, sẻ chia. 
Những chuyến xe từ thiện cứ thế ngược xuôi đưa rau củ quả, dầu gạo, thịt cá, khô mắm đến tận những con hẻm nhỏ giăng dây, dán bảng cách ly. Những tình nguyện viên dầm mưa dãi nắng bưng từng phần quà an sinh, suất cơm “0 đồng”… trao tận nhà các hộ khó khăn. Rồi các chiến sĩ bộ đội lúng túng lần đầu đi chợ hộ, cặm cụi sơ chế từng bịch rau quả để kịp giờ cơm cho các khu vực “đỏ”. 
Ngày thành phố lần lượt đón các đoàn cán bộ, nhân viên y tế từ các tỉnh, thành phố về tiếp viện chống dịch, ai cũng xúc động. Những hình ảnh ấy cũng được anh âm thầm góp nhặt, lưu về máy như một sự tri ân. Biết bao sẻ chia của các nhóm thiện nguyện, biết bao hy sinh lặng thầm của các tình nguyện viên và sự đồng lòng của cả thành phố mới có được những ngày “bình thường mới” hôm nay, sao mà không quý, không khắc ghi cho được. Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong nói, cũng như tấm bảng rao bán xe đạp, có hai hình ảnh khiến anh xúc động về sự sẻ chia trong đợt dịch này chính là những chiếc bàn chất đầy các hộp thức ăn để sẵn trên phố giữa đêm và bó rau muống treo trước cửa nhà dân. Nhiều người chọn cách cho đi lặng lẽ như thế, chỉ cần giúp ai đó trong cơn hoạn nạn là đủ ấm lòng. 
Trở về nhà sau khi tham dự “Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong thấy lòng nhẹ nhõm. Có lẽ, suốt hành trình tác nghiệp độc lập trong đợt dịch này, đây là lúc anh thấy lòng mình bình an nhất. Khi xung quanh một mầu đen bao phủ của bầu trời đêm, của trang phục người dự, của khăn phủ ghế… ánh sáng lung linh từ những ly nến trên tay các vị khách có mặt tại lễ tưởng niệm ở Hội trường Thống Nhất hôm đó thắp lên sự sẻ chia, thấu cảm. “Tôi đứng đó trong đêm tối, tay cầm máy mà phải hồi lâu mới nhớ ra mình cần phải bấm để ghi lại hình ảnh trước mắt. Đôi khi, cảm xúc khiến tay tôi muốn rung lên. Trong lễ tưởng niệm, tôi thấy rất nhiều người khóc, mắt tôi cũng cay. Đồng bào mình thương yêu nhau lắm, chứng kiến những giai đoạn đau thương nhất của mùa dịch, tôi thấy quý hơn hai chữ “tình người”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ. Vậy nên, khi chọn những hình ảnh giới thiệu đến công chúng, anh muốn mọi người thấy được những yêu thương lấp lánh cả trong những ngày âm u nhất của dịch bệnh, của tang thương. 
Có nghịch cảnh mới thấy được sức mạnh phi thường và dù đau thương đến mấy cũng phải lạc quan để cùng nhau bước qua, cùng nhau làm lại từ đầu.  
Theo Mỹ Dung (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.