(GLO)- Một buổi chiều mùa mưa năm 2004, tôi và anh bạn đồng nghiệp ghé thăm ông Bùi Ngọc Đủ. Đang hì hụi với cái cột ăng ten ti vi, thấy chúng tôi, ông chỉ gật đầu thay cho lời chào rồi lại tiếp tục hì hụi xoay chỉnh cái cột cùng với thằng con. Biết tính ông, chúng tôi cứ lẳng lặng đi vào nhà tự rót nước uống ngồi chờ…
Anh hùng Bùi Ngọc Đủ. Ảnh: Hoàng Cư |
Cái ti vi nhà ông, bấy giờ người ta vẫn gọi là "ti vi nội địa", tức là thứ nước ngoài thải ra, dân buôn lậu mang về bán lại. Mà nhà ông lại ở vị trí thấp, thế nên quay cột ăng ten đủ bốn phương tám hướng, màn hình ti vi vẫn cứ loẹt roẹt với những đám hột mè, hột cải…
Tôi nhìn quanh, nhà xây xong đã hơn 2 năm mà vẫn chưa thấy ông sắm sửa thêm được thứ gì đáng giá hơn cái ti vi này. Hì hụi mãi rồi cái ăng ten cũng vào được vị trí ưng ý, ông lừ đừ bước vào nhà. Tôi đưa ra bài báo viết về ông mới đăng. Cứ tưởng ông chưa biết, hóa ra là đã đọc rồi.
“Chú viết sắc đấy, nhất là cái đoạn tả trận đánh ở đồi Không Tên”. Tặng tôi lời khen rồi ông hướng xuống bếp gọi con: “Ra quán lấy cho bố mấy chai bia”. Chúng tôi gàn lại, nhưng ông lừ mắt nói như ra lệnh: “Uống với nhau cốc bia, hôm nay ngủ lại nhà tớ, sáng mai về”.
Có hơi bia, ông Bùi Ngọc Đủ xởi lởi hẳn lên. Ông kêu chúng tôi bằng “các ông” như thể bạn bè đồng lứa. Nhân cuộc vui, tôi thấy phải hỏi những “giai thoại” người ta vẫn kể về ông xem có thật không. Như trận đồi Không Tên-trận đánh nêu kỷ lục “1 thắng 20” khiến tên tuổi ông lẫy lừng. Đã có lần ông phải văng tục khi có người cứ hỏi xoay ông rằng có bí quyết gì?
Ông Bùi Ngọc Đủ cười hề hề lảng chuyện: “Cho đến bây giờ hẳn nhiều người vẫn nghĩ, lúc ấy bọn tớ có lợi thế gì mới đánh được một trận ghê gớm thế. Có gì đâu! 10 “thằng” chỉ AK và lựu đạn, công sự sơ sài mà địa hình thì chỉ dốc hơn cái sân nhà tớ một chút. Thực tình lúc ấy tớ cũng chẳng hiểu tại làm sao nữa, thậm chí lúc đánh xong tớ còn lo “các bố” kỷ luật vì đã để cho bọn Mỹ còn lại chạy thoát. Cho mãi đến gần đây nằm xem Tây đá bóng, tớ mới tìm ra nguyên nhân. Các ông biết vì sao mình đá với họ thường thua không? Sức khỏe họ hơn, lại tuân thủ từng động tác kỹ thuật được huấn luyện rất quy tắc. Ấy thế nhưng, nếu mang cái nguyên lý ấy đi đánh nhau thì hỏng. Vào trận mà cứ loay hoay thực hiện cho đúng động tác được huấn luyện thì đã bị “đòm” cho một phát rồi! Lại cái tật ỷ vào sức mạnh bom đạn nữa, nhưng khi chúng tớ xáp vào thì cũng thành vô dụng”.
Chúng tôi cùng bật cười trước sự khám phá đầy thú vị của ông. Chợt nhớ “Dòng suối La La”-bài hát tôn vinh chiến công lẫy lừng của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã được nghe qua đài từ lúc còn học lớp 4, muốn tìm chút tư liệu “bếp núc”, tôi tò mò hỏi: “Ngày trước, các nhạc sĩ sáng tác bao giờ cũng dựa trên chất liệu thực tế. Lúc nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài hát có gặp bác không?”.
Ông trả lời chắc nịch: “Không. Lúc đánh xong trận đồi Không Tên, tớ mới được ra Quân khu báo cáo thành tích. Đại hội chiến sĩ thi đua chiến trường Trị-Thiên họp ở hang Đá Bạc (tỉnh Quảng Bình). Thực tình, tớ có biết tên mình đã được lên báo, lên đài rồi đâu! Bỗng nhiên tớ sửng sốt khi nghe ca sĩ Tường Vi hát “Dòng suối La La” ca ngợi tiểu đội tớ. Người hát hay, bài hát hay khiến tớ rất xúc động. Lúc ra Hà Nội, nhạc sĩ Huy Thục tìm đến hỏi chuyện mới biết ông đã tìm hiểu về trận đánh trước đó qua báo chí rồi... Năm 1988, có dịp vào Gia Lai, ông ấy lần mò thế nào mà tìm ra được nhà tớ để đến thăm. Hôm đó, tớ đang ở ngoài rẫy cà phê, nghe báo tin thì hộc tốc chạy về. Tớ muốn uống với nhau một bữa cho thật say nhưng ông ấy lại chả uống được nhiều. Có lẽ cũng một phần tại cái nhà cũ của tớ. Nó nóng như hầm lò khiến mồ hôi ông ấy ướt đầm cả áo...”.
Lần chúng tôi gặp ông đó, phải đến 6 năm sau nữa Bùi Ngọc Đủ mới được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bấy giờ, hồ sơ đề nghị cho ông đã 2 lần gửi đi. Nhà báo Lê Bá Dương từng là bạn chiến đấu của ông, gặp tôi ở TP. Pleiku nói rằng mình đang đi sưu tầm những bài báo viết về Bùi Ngọc Đủ gửi lên trên để kiến nghị cho ông, cũng chẳng thấy hồi âm. Báo chí viết về điều này cũng không ít. Có người đoán già đoán non rằng có lẽ tại ông… ngang quá. Tôi thấy dịp này cũng phải hỏi thật ông. Ông trầm ngâm lắc đầu: “Tớ cũng chẳng biết. Có lẽ tại cái số của tớ nó thế…”.
Thằng nhỏ nhà ông khệ nệ bê lên 3 tô miến. Vội khách quá nên miến chỉ nấu với chút dầu, chẳng thịt cá gì. Thế nhưng, ông Bùi Ngọc Đủ vẫn ăn một cách ngon lành. Hơi men đang bốc, tôi cất lời ca “Dòng suối La La” và đề nghị ông Bùi Ngọc Đủ cùng đồng ca cho vui. Ông lắc đầu: “Tớ chẳng thuộc mà cũng chẳng biết hát. Dạo ông Huy Thục vào đây, tớ cũng nói thật như thế. Ông ấy hơi buồn, bảo: “Một kỷ niệm gắn với đời em như thế mà lại...”.
Nhưng có hơi men bốc lên, ông không hát thì tôi và anh bạn đồng nghiệp cũng hát. Chúng tôi dùng đũa gõ vào chén làm nhịp... Một lúc nhìn lại thì đã thấy ông Bùi Ngọc Đủ gục đầu vào thành ghế ngủ ngon lành.
NGỌC TẤN