Kỳ nghỉ đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mâm cơm mẹ dọn ra toàn những món ngon của cánh đồng quê, đúng chuẩn cơm nhà mẹ nấu. Một đĩa rau muống xào, chén cà pháo, vài con rô đồng chiên giòn... Mẹ lúc nào cũng chu đáo như thế. Đã lâu lắm rồi, tôi không có thời gian để quây quần bên mâm cơm với mẹ. Dịch bệnh bùng phát, cơ quan tôi cho toàn thể nhân viên nghỉ việc tạm thời, để cùng xã hội chung tay chống dịch. Vậy là tôi có thời gian dài để trở về quê với gia đình, được tắm trong không khí làng quê yên tĩnh, được cho phép mình sống chậm. Với tôi, đây là kỳ nghỉ đặc biệt ghi dấu trong tuổi thanh xuân của mình.

Khói chiều.
Khói chiều.


Từ thành phố với những con đường bắt đầu vắng tanh, tôi ngồi trên chiếc xe máy chạy về quê, thỉnh thoảng cả thân hình lắc lư bởi những đoạn đường khúc khuỷu dẫn vào xóm nhỏ. Mẹ nghe tôi về mừng lắm. Niềm vui lấp lánh trong đôi mắt đầy vết chân chim của mẹ đứng chờ tôi sau bậu cửa. Khung cảnh làng quê vẫn vậy, và ngôi nhà nhỏ của gia đình tôi nằm bình yên giữa khu vườn cây ăn trái.

Về nhà, tôi thấy mình như nhỏ lại, được tắm mình trong suối nguồn yêu thương của cha mẹ. Tôi cởi bỏ chiếc áo của phố thị, rồi khoác lên mình chiếc áo màu nâu bạc mà mẹ tôi đã giặt sạch sẽ treo đầu giường.

Sau khi ra trường, tôi rời quê và lên phố lập nghiệp. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã gần 10 năm, một khoảng thời gian dài. Nhưng với cha mẹ, tôi vẫn còn bé bỏng như ngày xưa, lúc nào mẹ cũng nâng niu và yêu thương hết mực. Làng quê tôi  yên bình, và móng vuốt của dịch bệnh chưa mò tới, nên cuộc sống vẫn cứ thế trôi qua. Buổi sáng mẹ ra đồng cắt rau cho kịp phiên chợ chiều. Còn cha tôi lên chăm bón mấy thửa ruộng đang thiếu phân.

Những đứa trẻ đồng trang lứa với tôi ngày ấy, hầu hết đã có gia đình và đang mải miết cuốn vào vòng xoay của cơm, áo, gạo, tiền. Những tiếng cười giòn tan thời thơ ấu mỗi khi chúng tôi tụ tập sau vườn, giờ chỉ còn lại trong ký ức.

Buổi sáng, mặt trời nhô lên khỏi lũy tre làng, tiếng gà gáy đầu xóm nghe thân quen làm sao. Con mèo già lười biếng vẫn nằm ngủ trong bếp. Vại nước dưới gốc cau tràn trề do trận mưa đêm qua. Hoa lêkima rụng đầy sân vườn, chợt tôi nhớ đến người nữ anh hùng Võ Thị Sáu gắn với bài hát quen thuộc, mà lũ sinh viên chúng tôi ngày ấy hay hát.

Mẹ đã ra đồng từ bao giờ, sự chu đáo của mẹ vẫn theo dòng thời gian mà không mất đi. Phải chăng sự chu đáo ấy gắn với tính chịu thương, chịu khó đã làm nên phẩm chất đẹp của bất cứ cô gái quê nào. Nồi xôi đậu vẫn còn nóng hổi trên bếp. Chén muối mè được đậy cẩn thận bởi chiếc lồng bàn tre bé xíu. Gian bếp cũ kỹ, gọn gàng như chính con người mẹ vậy. Cũng như gian bếp cũ kia, trong lòng mẹ lúc nào cũng nhen nhóm ngọn lửa yêu thương không bao giờ tắt.

Vài quả ổi chín tỏa hương thơm phức như muốn gọi từng cánh chim về. Giàn hoa thiên lý vẫn đều đặn bung nở, hứa hẹn những tô canh ngọt ngào, nấu với cua đồng xay nhuyễn. Khung cảnh khu vườn hiện ra trước mắt tôi đầy vẻ đẹp nên thơ. Sống ở phố cũng khá lâu, mỗi sáng mở mắt dậy lòng tôi lại đầy những lo lắng vụn vặt. Những mệt mỏi bởi áp lực, thành tích. Rồi nhịp sống hối hả của phố thị khiến tôi choáng váng. Những mẫu bánh mỳ nhai vội, rồi tiếng còi xe, tiếng người ồn ào khiến lòng tôi mệt rũ rượi như một loài cây thiếu nước.

Và quyết định về quê với cha mẹ trong thời gian dài nghỉ dịch, đó là quyết định sáng suốt của tôi. Thay vì ngày ngày ở phố, tôi dành thời gian cho mạng xã hội, cho những cuộc tám chuyện xuyên lục địa, với những người bạn ở quán xá. Tôi về quê, để được tranh thủ thời gian bên cha mẹ, để đọc nốt những cuốn sách mua trước đó mấy tháng mà tôi chưa có dịp đọc qua. Và đặc biệt hơn, để được sống lại trong bàn tay yêu thương của cha mẹ.

Chiều chiều tôi lại thấy khói bếp bay lên, được nghe tiếng cơm sôi, nghe mùi cá kho thơm lừng của mẹ. Và thấy dáng điệu vất vả, đầy bùn đất lấm lem của cha sau một ngày làm đồng vất vả. Thỉnh thoảng tôi phụ mẹ bóc tỏi, nhặt rau. Rồi tối đến gia đình tôi quây quần bên mâm cơm đầy hương vị đồng nội. Đĩa rau luộc với chén mắm ớt, mấy quả cà nướng dầm tương, và nồi canh khổ qua đậm đà với cá nục. Nói đến  cơm quê là nói đến một điều gì đó khiến người ta thèm khát. Bởi nó chất chứa bao tình cảm gia đình, nó mang một ý nghĩa thiêng liêng, mà không thể có một điều gì đó sánh bằng. Những thức ăn nhanh chỉ để giải quyết cơn đói tạm thời, và cái hương vị của nó chóng đi vào quên lãng. Còn với cơm quê thì từng món, từng món luôn đau đáu thường trực trong nỗi nhớ người xa nhà.

Tôi không biết dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng đây có lẽ là khoảng thời gian đầy ý nghĩa với tôi. Bởi tôi biết trân trọng hơn từng ngày, từng giờ được sống chung với cha mẹ. Được cảm nhận dòng thời gian trôi qua trong khu vườn đầy tiếng chim, và mùi ổi chín. Có lẽ, kỳ nghĩ dịch dài với tôi là kỳ nghỉ đặc biệt trước khi tôi quay lại thành phố để tiếp tục công việc của mình.

 

Theo THÂN THỊ THANH TRÂM (cadn)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...