Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Khắc phục khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong 9 tháng vừa qua, mặc dù bước vào thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 trong bối cảnh phức tạp, khó lường nhưng kinh tế-xã hội của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về các vấn đề kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025.

Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024 với nhiều kết quả tích cực.

Theo báo cáo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội mà Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (2021-2025) đã đặt ra.

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) nhất trí với các nội dung của Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; đồng thời cho rằng trong 9 tháng vừa qua, mặc dù chúng ta bước vào thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, khó lường, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng với sự lãnh, chỉ đạo sát sao của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và sự điều hành quyết liệt, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế-xã hội của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Lạm phát cơ bản được kiểm soát.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng khoảng 3,88%; cả năm ước tăng dưới 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là rất tích cực.

Đối với các nội dung dự kiến chỉ đạo trong 3 tháng cuối năm và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, đại biểu tỉnh Lào Cai đề xuất Chính phủ chỉ đạo làm rõ hơn các giải pháp, nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Đại biểu Lê Thu Hà cho biết tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên hỗ trợ bố trí kinh phí hỗ trợ nhân dân làm nhà ở, khôi phục sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo và ổn định dân cư; khắc phục cơ sở hạ tầng (cấp nước sinh hoạt, trường học, y tế, giao thông, thủy lợi...); đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung hỗ trợ một phần kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ còn thiếu tỉnh Lào Cai chưa cân đối được.

Theo đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam), đánh giá của Tổng cục thống kê cho thấy có từ hơn 10% đến hơn 50% doanh nghiệp cho rằng có 15 yếu tố tác động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh thời gian qua. Trong đó nổi bật nhất là những khó khăn về nhu cầu thị trường thấp, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, nợ đọng xây dựng cơ bản, giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất, khó khăn về tài chính và lãi suất cao.

Bà Trần Thị Hiền cho rằng những khó khăn về tiếp cận vốn tuy đã được tháo gỡ nhưng vẫn cần tiếp tục được quan tâm hơn, đặc biệt hiện lãi suất vẫn ở mức cao; đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu điều chỉnh hạ lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Điều này cũng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (9 tháng vừa qua, tăng trưởng tín dụng chỉ có 9%, trong khi mục tiêu là 14-15%).

“Riêng năm 2022 và 2023 số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng khá đột biến với mức tương ứng là 73.800 và 89.000 doanh nghiệp. Trong 9 tháng năm 2024, hơn 86.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Chính phủ cũng nên quan tâm hơn đến các yếu tố chất lượng, không chỉ chú trọng phát triển về số lượng,” đại biểu Trần Thị Hiền nêu ý kiến.

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cho rằng những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông ở nước ta đã được quan tâm đầu tư. Nhờ đó, vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn hiện tượng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Đây vẫn là vấn đề gây bức xúc cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội.

Trước thực trạng nêu trên, theo đại biểu Vương Quốc Thắng, Chính phủ nên giao các cơ quan chức năng có nghiên cứu, đánh giá để sớm có chính sách đầu tư áp dụng cho hệ thống xe buýt đưa đón học sinh có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trước mắt thí điểm áp dụng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu phân tích việc áp dụng khoa học công nghệ vào hệ thống xe buýt và quá trình vận hành như: Lắp đặt các thiết bị định vị xe; áp dụng hệ thống tối ưu hóa lộ trình di chuyển và điểm đón; sử dụng hệ thống camera thông minh bao gồm tính năng xác định người còn sót trên xe (nếu có)... đã giúp giảm thiểu các rủi ro đối với người tham gia, đồng thời tăng hiệu suất, hiệu quả vận chuyển.

“Nếu mô hình xe buýt đưa đón học sinh được áp dụng, với sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước, thiết nghĩ hiệu quả sẽ tác động rõ rệt đối với tình hình kinh tế-xã hội hiện nay tại Việt Nam,” đại biểu Vương Quốc Thắng nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến phân tích hiện tượng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, đặc biệt là trước các cổng trường học sẽ được cải thiện đáng kể nhờ việc giảm số lượng phương tiện tham gia giao thông, qua đó giảm phát thải khói bụi gây ô nhiễm thành phố.

Người lao động là phụ huynh học sinh sẽ giảm được gánh nặng về việc đưa đón con. Nhờ đó, họ sẽ tập trung thời gian, trí tuệ để tham gia làm việc hiệu quả công việc hàng ngày, thúc đẩy năng suất lao động đi lên; an toàn giao thông cho học sinh được bảo đảm hơn.

Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Ia Mơ luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều hoạt động củng cố, phát huy thế trận lòng dân ở khu vực biên giới.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên kết luận phiên thảo luận chung tại hội trường. Ảnh: Đức Thụy

Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai: Bàn giải pháp khơi thông “điểm nghẽn” để phát triển kinh tế-xã hội

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 10-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tập trung thảo luận tổ, thảo luận chung tại hội trường. Cũng tại kỳ họp, lãnh đạo các sở, ngành trả lời một số vấn đề cử tri quan tâm nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội.

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tiến hành thảo luận tổ. Các đại biểu đã chia thành 5 tổ, tập trung phân tích, thảo luận những những tồn tại, hạn chế nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội.